Kin Chiêng Boọc Mạy, nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo của cộng đồng người Thái, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) được nuôi dưỡng bảo tồn phát triển suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn.

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy có sức hấp dẫn với bao thế hệ người Thái, nhờ sự đóng góp của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp: Hát, múa, trình diễn nhạc cụ... Vì thế mà lễ tục này có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống dân tộc Thái xứ Thanh.

Nhiều loại hình nghệ thuật được thể hiện trong tục lệ Kin Chiêng Boọc Mạy

Nhiều loại hình nghệ thuật được thể hiện trong tục lệ Kin Chiêng Boọc Mạy

Thầy mo Đinh Xuân Nguyên, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đây là một lễ hội tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống, là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc Thái huyện Như Thanh. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ tế thần linh, mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông, thần Hoàng; làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu lành và chữa bệnh cho người dân.

Đồng thời lễ hội tổ chức chơi bói hoa, mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất, nhằm phản ánh và tái hiện lại đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái thời xa xưa và cũng là để bày tỏ những khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc, xua đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan trong cuộc sống hiện tại. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, một bức tranh đa sắc màu của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Góp phần vào xây dựng cho nền văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc dân tộc.

Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ tế thần linh, mường trời…

Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ tế thần linh, mường trời…

Nghệ thuật ẩm thực được người Thái thể hiện

Nghệ thuật ẩm thực được người Thái thể hiện

Các đồ lễ được thờ cúng trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã phản ánh loại hình nghệ thuật ẩm thực đặc thù của cộng đồng cư dân người Thái. Ở đó có sự góp mặt của nhiều loại sản vật truyền thống từ nông nghiệp trồng trọt đến chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Đặc biệt, việc hái thuốc chữa bệnh có ý nghĩa thiết thực trong đời sống của đồng bào. Các loại cây rừng, lá rừng, củ rừng... được người xưa khai thác để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, ngoài ra còn có giá trị làm phong phú thêm nền y học cổ truyền của dân tộc.

Tái hiện đời sống lao động sản xuất

Tái hiện đời sống lao động sản xuất

Múa khăn mừng Kin Chiêng Boọc Mạy

Múa khăn mừng Kin Chiêng Boọc Mạy

Thông qua lễ tục này, toàn bộ đời sống của đồng bào được tái hiện, gồm: Văn hóa sản xuất (các hoạt động kinh tế), văn hóa ứng xử tín ngưỡng (phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử) và các mối quan hệ về tự nhiên, xã hội, con người. Vì vậy, lễ tục này thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, nó ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản làng.

Hòa chung tiếng trống, rộn cùng tiếng chiêng

Hòa chung tiếng trống, rộn cùng tiếng chiêng

Không gian lễ hội ngập tràn lời ca, tiếng nhạc hòa quyện cùng nhau

Không gian lễ hội ngập tràn lời ca, tiếng nhạc hòa quyện cùng nhau

Kin Chiêng Boọc Mạy đã thể hiện tính cộng đồng chặt chẽ

Kin Chiêng Boọc Mạy đã thể hiện tính cộng đồng chặt chẽ

Hình thức, nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã thể hiện tính cộng đồng chặt chẽ. Đó còn là khát vọng tự do, bình đẳng, thể hiện tính nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên - địa - nhân hòa hợp. Trong đó, thể hiện ước mơ giản dị của con người, khao khát hưởng thụ và sáng tạo. Những lời cúng thần linh, lời dặn cây bông, lời cây thuốc, lời dẫn các trò chơi, trò diễn đều thể hiện tư tưởng nhân văn, góp phần điều chỉnh các hành vi của con người, củng cố mối đoàn kết, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng.

Ở đây, người dân lao động cũng đã mượn không gian của lễ hội, tiếng nói của thần linh để tạo ra thời điểm cùng nhau vui chơi, nhảy múa, hát ca trong sự sáng tạo thăng hoa. Không ai khác chính người dân là chủ thể thỏa mãn nhu cầu văn hóa cao cả của cộng đồng và của chính mình.

Lễ tục này đã góp phần tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các tộc

Lễ tục này đã góp phần tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các tộc

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là do cộng đồng người Thái đứng ra tổ chức. Những năm gần đây cộng đồng người Thái còn mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng đến dự lễ hội và ăn cơm mới. Lễ tục này đã góp phần tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các tộc cư trú trên địa bàn và cho thấy di sản có sức sống lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng người Thái gìn giữ, truyền dạy và phát huy qua nhiều thế hệ.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kin-chieng-booc-may-net-sinh-hoat-van-hoa-nghe-thuat-doc-dao-175446.html