Kinh tế Nghệ An giữ đà tăng trưởng ấn tượng
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tỉnh Nghệ An vẫn giữ vững được đà tăng trưởng khá ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 8,24%, cao nhất trong vòng 5 năm gần đây; xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: nghean.gov.vn
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,67%
Sáng 09/7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 31 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025).
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II, ông Đỗ Đình Sơn tham dự Kỳ họp.
Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá tích cực trên các ngành, lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 8,24% (xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp), cao hơn cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2024 (6,76%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng giữ vai trò đầu tàu với mức tăng 13,45% (riêng công nghiệp đạt 14,42%), tiếp tục là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,48%; dịch vụ tăng 6,72%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25,1%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 87,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%.
Thu ngân sách nhà nước 13.909 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2024. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 26.568 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán.
Đây là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh kể từ khi chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với sự tham dự của 130 Chủ tịch HĐND các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Thành công trong việc tổ chức kỳ họp này của HĐND tỉnh sẽ là những kinh nghiệm quý để HĐND các xã, phường tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới các cấp độ; được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 737 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,67%. Nhiều dự án mới đi vào hoạt động, ổn định công suất góp phần tăng năng lực sản xuất, nhất là các nhà máy trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực khi trong 6 tháng đầu năm, có 35 dự án cấp mới và 98 lượt dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15.021,5 tỷ đồng.
Du lịch cũng có sự phục hồi mạnh mẽ, với tổng lượt khách đạt khoảng 6,2 triệu người; trong đó hơn 3,8 lượt triệu khách lưu trú, tăng 13% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm được triển khai tích cực (6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 23.500 người, đạt 51,08% kế hoạch).
11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm
Bên cạnh những kết quả tích cực, UBND tỉnh cũng chỉ ra những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra (8,24% so với 9,25%), tạo áp lực rất lớn cho 2 quý còn lại. Doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao.

Đại diện Kiểm toán nhà nước và các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: nghean.gov.vn
Tiến độ một số công trình trọng điểm chậm do vướng mặt bằng, thủ tục. Công tác tuyển dụng lao động có kỹ năng cho các dự án FDI chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; trên địa bàn tỉnh có tình trạng lợi dụng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính để lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép… Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc giải quyết thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 10,5%, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh đã đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện.
Trong đó, tỉnh tập trung tổ chức vận hành có hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 02 cấp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các điều kiện để bộ máy mới hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả, không để gián đoạn công việc; không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 (nhất là mục tiêu tăng trưởng 10,5%) cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025. Tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng gắn với nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt công tác thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, chặt chẽ. Tăng cường công tác thu hút đầu tư; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả.
Quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, việc làm, chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 và các điều kiện để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2026-2030; kế hoạch tài chính 3 năm 2026-2028; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 đảm bảo chất lượng, tiến độ…
Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu, chi ngân sách; thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 06 tháng cuối năm 2025.
HĐND tỉnh sẽ thảo luận, cho ý kiến và thông qua 19 Nghị quyết chuyên đề; thực hiện giám sát thông qua xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị trình tại kỳ họp; xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tiến hành chất vấn đối với các nhóm vấn đề gồm: Việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh…
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kinh-te-nghe-an-giu-da-tang-truong-an-tuong-41568.html