Kinh tế Trung Quốc có thể 'lỗi hẹn' mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế Trung Quốc có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% của chính phủ trong năm nay và mục tiêu thực tế cho quý II/2022 chỉ đơn giản là đạt được tăng trưởng tích cực.

Sự suy giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là những lực cản đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asia)

Sự suy giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là những lực cản đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asia)

Bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng

Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind của Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2022 được dự báo sẽ tăng 1,4% so với một năm trước. Dự báo đồng thuận từ các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy, tuần tới, chính phủ sẽ công bố GDP tăng khoảng 1,5% trong quý II/2022.

Mặc dù không tồi tệ bằng mức giảm 6,8% trong quý I/2020 - khi đại dịch lần đầu bùng phát tại Vũ Hán, nhưng con số 1,4% sẽ đánh dấu mức tăng trưởng GDP chậm thứ hai kể từ năm 1992.

Logan Wright, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group nhận định: “Sự suy giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là những lực cản đáng kể đến tăng trưởng kinh tế".

Bên cạnh đó, dữ liệu từ công ty dự báo vĩ mô Lombard Street Research có trụ sở tại London (Anh) cho thấy, số lượng các chuyến đi trên các tuyến đường của Trung Quốc hầu hết đều thấp hơn mức của năm ngoái.

Nhà cung cấp dữ liệu Variflight cũng thông tin, số lượng các chuyến bay nội địa trong quý II/2022 đã giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Tập đoàn thông tin bất động sản Trung Quốc, trên thị trường bất động sản - khu vực chiếm khoảng 20% GDP, doanh số bán nhà vẫn sụt giảm sâu trong quý II,/2022.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% của chính phủ trong năm nay và mục tiêu thực tế cho quý II/2022 chỉ đơn giản là đạt được tăng trưởng tích cực.

Trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái gia tăng ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu suy thoái có thể đã chạm đáy sau khi chính phủ nới lỏng một số hạn chế vì Covid-19 và triển khai hỗ trợ cho nền kinh tế.

Các nhà kinh tế nhận định, ngay cả sự phục hồi vào nửa cuối năm 2022 cũng có thể không đủ để Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm bởi Bắc Kinh không muốn từ bỏ chính sách Zero Covid.

Theo Wind, GDP có thể tăng liên tục trong hai quý cuối năm 2022, nhưng tăng trưởng cả năm có thể vào khoảng 4,2%.

"Con bài" lớn nhất

Các hạn chế về đại dịch Covid-19 được coi là "con bài" lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong sáu tháng tới.

Nhà phân tích cấp cao He Jun của Anbound, một tổ chức tư vấn độc lập đa quốc gia nhận thấy, một cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học để kiểm soát Covid-19 là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định nền kinh tế trong năm nay.

Ông He Jun nói: "Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc liệu Trung Quốc có thể thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tiêu dùng và đảm bảo sản xuất bình thường hay không? Cả thế giới đang phục hồi và mở cửa trở lại, Trung Quốc không nên tự cô lập với thị trường thế giới".

Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% của chính phủ trong năm nay và mục tiêu thực tế cho quý II/2022 chỉ đơn giản là đạt được tăng trưởng tích cực.

Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cũng nhận định, Bắc Kinh có thể duy trì chính sách Zero Covid cho đến tháng 3/2023 với một số điều chỉnh do áp lực kinh tế gia tăng.

Nhà kinh tế Lu Ting bày tỏ quan điểm: “Đừng đánh giá thấp rủi ro sau tháng 7/2022. Một kiểu chu kỳ kinh doanh mới đang xuất hiện ở Trung Quốc, dao động giữa việc áp đặt và dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn Covid-19".

Chính quyền trung ương đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với cả du khách quốc tế đến Trung Quốc vào cuối tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong tuần này, chính quyền một số địa phương đã áp dụng lại biện pháp nghiêm ngặt ở đồng bằng Trường Giang để dập tắt các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Đồng thời, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chính sách Zero Covid, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Một mức tăng trưởng kinh tế nhất định là yếu tố rất quan trọng đối với việc tạo ra việc làm mới. Với số lượng kỷ lục sinh viên đại học tốt nghiệp trong năm nay, vấn đề tạo thêm các việc làm mới là cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo một báo cáo tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc do Đại học nhân dân Trung Quốc tổ chức mới đây, quốc gia này cần đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 4,6% trong năm nay để đáp ứng nhu cầu việc làm.

Thách thức chất chồng

Nhóm nghiên cứu cho biết, sự phục hồi kinh tế hiện tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với năm 2020.

Cụ thể như các rủi ro tiềm ẩn bao gồm sự bùng phát bùng phát Covid-19 bùng phát trở lại, suy thoái kinh tế toàn cầu lan tỏa từ xung đột Nga-Ukraine kéo dài, lĩnh vực bất động sản suy thoái, xuất khẩu giảm mạnh và rủi ro tín dụng tại các công ty phi tài chính.

Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội khoa học chính sách Trung Quốc nhận định, tình hình bên ngoài đang có vẻ tồi tệ hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.

Ông Xu Hongcai nhấn mạnh: "Hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm bởi những tác động không mong muốn từ thế giới. Giá năng lượng thế giới tăng có thể tiếp tục đè nặng lên các công ty nhỏ của Trung Quốc và khiến việc làm gặp rủi ro. Bắc Kinh phụ thuộc nhiều vào dầu và khí đốt nhập khẩu. Không chỉ thế, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn ở mức thấp và nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng".

Nhiều tháng bị đóng cửa bởi Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác đã dẫn đến việc các công ty nước ngoài liên tục kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt lập trường Zero Covid và cung cấp rõ ràng hơn về việc hoạch định chính sách.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang trong tình trạng cảnh giác với tác động của chính sách tiền tệ Mỹ. Một số nhà phân tích cho hay, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát sẽ hạn chế khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thực hiện nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những biện pháp kích thích tài khóa tích cực hơn.

Ông Xu Hongcai nói: “Trái phiếu kho bạc có thể phát hành nhiều hơn và thâm hụt ngân sách, với mức giới hạn khoảng 2,8% chắc chắn bị phá vỡ".

Wang Yiming, một cố vấn của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã đề xuất tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách và phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt để giúp mở rộng chi tiêu của chính phủ.

(theo SCMP, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-co-the-loi-hen-muc-tieu-tang-truong-189870.html