Kuwait chi bộn tiền để thúc đẩy sản lượng dầu mỏ
Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC) dự kiến chi khoảng 10 tỷ dinar (33 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới để nâng cao công suất khai thác dầu, đặt cược vào nhu cầu ổn định trong nhiều thập kỷ tới.
“Chúng tôi đang hướng tới việc thực hiện các khoản đầu tư lớn”, Giám đốc điều hành Sheikh Nawaf Al-Sabah cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Điều này không chỉ nhằm duy trì công suất khai thác hiện tại, mà còn phát triển theo chiến lược đã đề ra”, ông nói.
Quan điểm lạc quan của Kuwait về nhu cầu dầu phù hợp với nhiều nhà khai thác khác như TotalEnergies SE và Vitol Group. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ ngừng tăng vào năm 2030 khi xu hướng chuyển sang xe điện và năng lượng tái tạo tăng tốc.
Kế hoạch chi tiêu của KPC nằm trong chương trình đầu tư trị giá 20 tỷ dinar bắt đầu từ tháng 4/2024, bao gồm các hoạt động từ lĩnh vực thượng nguồn đến hóa dầu. Bộ phận thăm dò và khai thác của công ty nhà nước này đặt mục tiêu đạt công suất 3,2 triệu thùng/ngày vào năm tới và 4 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
“Nhu cầu thị trường đối với dầu, từ nay đến năm 2050 và xa hơn nữa, sẽ duy trì ở mức gần như hiện tại”, ông Sheikh Nawaf nhận định. “Ai sẽ cung cấp lượng dầu đó? Chúng tôi là nhà khai thác có chi phí thấp nhất và phát thải carbon ít nhất, và chúng tôi dự định giữ vững vị trí đó”, ông chia sẻ.
Kuwait hiện nằm trong top 10 quốc gia khai thác dầu hàng đầu thế giới, với sản lượng gần 2,5 triệu thùng/ngày, vượt qua các thành viên OPEC khác như Nigeria và Libya. Khi các mỏ dầu ở nhiều quốc gia suy giảm, nhu cầu đối với những nguồn cung ổn định sẽ tăng lên, theo lời CEO của KPC.
“Mỗi năm, thế giới cần thay thế ít nhất 3 triệu thùng/ngày công suất khai thác từ các mỏ hiện có”, ông nói. Điều này có nghĩa là “phải tạo ra một Kuwait mới mỗi năm”.
Kế hoạch tài chính
Chương trình đầu tư đòi hỏi KPC phải tăng cường vay nợ. Tập đoàn này sử dụng quỹ tín dụng quay vòng cho các hoạt động hàng ngày và đang nghiên cứu các phương án tài chính khác, bao gồm khả năng thỏa thuận bán cổ phần trong các đường ống của mình để tài trợ cho các dự án trong tương lai.
“Tôi đang tìm nguồn vốn rẻ nhất có thể”, ông Sheikh Nawaf cho biết. “Nếu đó là thông qua các thỏa thuận bán và thuê lại đường ống, mở cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước - như những gì Adnoc và Aramco đã làm gần đây - thì tôi sẽ theo đuổi điều đó”, ông nói tiếp.
Ông cho biết thêm rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy có thể sẽ được thực hiện thông qua mô hình “bán và thuê lại”.
KPC có nhiều nguồn tài chính đa dạng, mặc dù việc tham gia thị trường cổ phiếu, như Saudi Aramco đã làm, không nằm trong kế hoạch hiện tại của công ty. Một ý tưởng mà công ty đang theo đuổi là cho phép các công ty tư nhân địa phương đảm nhận nhiều hoạt động không cốt lõi, như khai thác một số loại hóa chất, theo ông Sheikh Nawaf.
Ban đầu, Kuwait đặt mục tiêu đạt công suất 4 triệu thùng/ngày vào năm 2020, nhưng mục tiêu này đã bị hoãn lại nhiều lần. Quốc gia này từng đạt công suất 3,2 triệu thùng/ngày, nhưng sau đó đã giảm xuống do giá dầu sụt giảm và thiếu chuyên môn kỹ thuật. Hiện tại, Kuwait đang quay trở lại các mục tiêu này với niềm tin rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ diễn ra rất chậm rãi.
Chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch mà không có sự thay thế dồi dào và đáng tin cậy chẳng khác nào “yêu cầu nhân loại nhảy khỏi máy bay và sau đó cố gắng phát minh ra dù trên đường rơi xuống”, ông Sheikh Nawaf ví von.
Hạn ngạch của OPEC+
Một trở ngại đối với kế hoạch mở rộng của KPC là hạn ngạch khai thác theo thỏa thuận từ OPEC+, hiện ở mức khoảng 2,4 triệu thùng/ngày. Nhóm này dự kiến sẽ bắt đầu một loạt đợt tăng sản lượng hàng tháng vào đầu năm sau, nhưng các đợt tăng này sẽ khá khiêm tốn.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần có năng lực khai thác đó”, ông Sheikh Nawaf cho biết. Ông nhấn mạnh rằng việc duy trì một nguồn cung dự phòng là rất quan trọng trong trường hợp xảy ra sự cố ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Một quốc gia Vùng Vịnh khác và cũng là thành viên OPEC, UAE, đã chi hàng tỷ USD để tăng công suất, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn với lãnh đạo OPEC là Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đã tạm dừng kế hoạch mở rộng lớn hơn nhiều của riêng họ.
Để minh chứng cho triển vọng nhu cầu lạc quan của KPC, 2 năm trước, công ty đã khai trương một nhà máy lọc dầu khổng lồ. Tổ hợp Al-Zour, với công suất 615.000 thùng/ngày, nằm ở phía nam thủ đô Kuwait, hiện đang vận hành hết công suất. Theo ông Sheikh Nawaf, nhà máy này đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn sản phẩm dầu tới 67 khách hàng trên toàn cầu.
Nhằm nhấn mạnh yếu tố thân thiện với môi trường của nhà máy, ông nói: “Xu hướng hiện nay là hướng tới khai thác chi phí thấp nhưng cũng giảm thiểu carbon”. Bên cạnh chương trình đầu tư 20 tỷ dinar, KPC dự kiến chi khoảng 110 tỷ USD cho chiến lược đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó một phần sẽ dành cho công nghệ thu giữ carbon và năng lượng mặt trời.
Ông Sheikh Nawaf cũng chia sẻ: “Trong nỗ lực nâng cao hiệu quả, KPC sẽ hợp nhất một số đơn vị trong vòng 2 năm tới. Các bộ phận thượng nguồn sẽ được sáp nhập, cũng như hai đơn vị hạ nguồn. Một đơn vị kinh doanh nhiên liệu mới đặt tại Dubai dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2025”.
Năm nay, KPC đã thử nghiệm bán lô hàng giao ngay không có điểm đến cố định cho dầu thô siêu nhẹ và dầu thô nặng, do sản lượng của hai loại này không đủ lớn để ký hợp đồng cung cấp dài hạn. “Chúng tôi vẫn đang đánh giá kết quả”, ông Sheikh Nawaf nói.
Kuwait hiện là nhà cung cấp nhiên liệu máy bay chính cho Liên minh châu Âu, đáp ứng hơn 12% trong tổng nhu cầu 40 triệu tấn hàng năm của khối này.