Kỳ V: Ưu tiên củng cố quyền lực chính trị
Trung Quốc dường như đang chọn cách ưu tiên củng cố quyền lực chính trị kể từ nhiệm kỳ thứ 3, đồng nghĩa là sự hy sinh đáng kể về mặt kinh tế. Điều này sẽ là trở lực với kinh tế Trung Quốc.
Đối mặt với nhiều hệ lụy xã hội, môi trường, dân sinh sau 30 năm phát triển kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc, Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh tổng thể nền kinh tế, bắt đầu bằng việc loại bỏ các động lực tăng trưởng cũ như tài nguyên, vốn, nhân khẩu, dân số, bất động sản; kiểm soát gắt gao các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Các công ty kiếm tiền khổng lồ và gây ảnh hưởng lớn nhờ sử dụng nền tảng internet bị “tuýt còi”, hàng loạt CEO bị “phong sát”. Theo lý giải của nhà chức trách, các công ty này cần tăng cường trách nhiệm chính trị, nhường chỗ cho các lĩnh vực sáng tạo đón đầu.
Sự đổ bể Evergrande - đế chế bất động sản hơn 350 tỷ USD và khung khổ mới cho các đại tập đoàn công nghệ Huawei, Tencent, Ant, Alibaba,…đã triệt tiêu đáng kể sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn phải đau đầu mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Các tham vọng thế kỷ phải dựa trên sự tăng trưởng kinh tế thần tốc, nhưng sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế đe dọa khả năng lãnh đạo chính trị.
Cuối cùng, ông Tập Cận Bình chọn cách ưu tiên củng cố quyền lực chính trị kể từ nhiệm kỳ thứ 3, đồng nghĩa là sự hy sinh đáng kể về mặt kinh tế. Nói cách khác các tập đoàn kinh tế phải tuân thủ ý chí chính trị chủ quan nhiều hơn là các đòi hỏi từ thị trường khách quan.
Tuy nhiên trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc vẫn ưu tiên cho các ngành kinh tế được dự báo trở thành xu hướng chính của tương lai nhân loại, ví dụ: pin xe điện, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo, dữ liệu,… Do đó, các ngành này được dự báo sẽ là trụ cốt của kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Bản thân các ngành này là cuộc chơi “đốt tiền” vô kể, thậm chí một số lĩnh vực như xe điện, pin lithium đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa do đầu tư ồ ạt, chạy đua trở thành cường quốc số 1 về kinh tế tuần hoàn. Nói tóm lại, Trung Quốc đang trong giai đoạn tái đầu tư cho các ngành công nghiệp mới.
Hàng loạt biến động chính trị, đào sâu ngăn cách quan hệ Mỹ - Trung, sức ép của phương Tây, chiến sự Nga - Ukraine và sự thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Kinh đã góp phần khiến nước này chậm lại, vừa có tính chủ động, một phần nào đó bị động.
Cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ do cựu Tổng thống Mỹ D. Trump phát động nhằm vào Trung Quốc năm 2018 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống kinh tế của cường quốc châu Á. Nhiều công ty công nghệ khổng lồ bị bóc trần điểm yếu chết người về công nghệ lõi, ứng dụng mang tính toàn cầu.
Đặc biệt, hàng loạt lệnh cấm liên quan đến công nghệ lõi của Nhà trắng đã đẩy nhiều công ty Trung Quốc lùi lại với trình độ cách đây nhiều thập kỷ. Chính vì vậy, Bắc Kinh phải thiết kế lại chính sách theo hướng hạn chế mở cửa, trao đổi công nghệ, tự lực cánh sinh chế tạo và sản xuất chip.
Xung đột quan hệ Mỹ - Trung đến mức không thể tháo gỡ, khiến hàng loạt tập đoàn đa quốc gia của phương Tây tìm cách rút khỏi nền kinh tế Trung Quốc tìm đến Ấn Độ, Việt Nam và Đông Nam Á.
Thêm nữa, bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh nên môi trường đầu tư, kinh doanh tại Trung Quốc với các công ty phương Tây trở nên rủi ro, rất nhiều thương hiệu lớn bị cuốn vào vấn đề chính trị, nhân quyền.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-v-uu-tien-cung-co-quyen-luc-chinh-tri-693304.html