Kỳ vọng ở Luật Nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.

Một Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Một Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Dự thảo Luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng… đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xin ý kiến rộng rãi. Các chính sách đề xuất bao gồm định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Cần có Luật riêng

Thống kê năm 2023 cả nước có 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên và khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong khối giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước, riêng lĩnh vực giáo dục chiếm đến 80%, biên chế của ngành giáo dục chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.

Dù nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất với tính chất nghề nghiệp đặc thù, nhưng hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan… Điều đáng nói là những văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả viên chức ở tất cả lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay hầu hết nhà giáo thuộc các trường công lập nên họ cũng là viên chức, chịu sự quản lý theo Luật Viên chức. “Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay” - ông Đức nói và nhấn mạnh, Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo - 1 trong 3 mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Cụ thể, hiện nay việc quản lý nhà nước về nhà giáo theo định hướng quản lý nhân sự - tức là quản lý các yếu tố hành chính liên quan đến việc sử dụng nhà giáo mà ít quan tâm đến tiềm lực và sự phát triển của nhà giáo, đây không phải là một phương thức phù hợp mà cần phải chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, để tạo môi trường, điều kiện cho mỗi nhà giáo được phát triển nhiều nhất, có động lực làm việc lớn nhất, đóng góp nhiều nhất nhằm đạt cùng mục tiêu của chính nhà giáo và mục tiêu giáo dục.

Sau hơn 2 tháng dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ GDĐT để xin ý kiến rộng rãi, đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến, góp ý của 63 sở GDĐT các địa phương, các bộ ngành liên quan. Cơ bản 9 nội dung trong dự thảo luật đã được ban soạn thảo thống nhất, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện; 800.000 nhà giáo - đối tượng tác động trực tiếp của dự án Luật đã có ý kiến, đồng tình với cấu trúc luật.

Dự kiến dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Giáo viên Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình, Hà Nội) tập huấn sách giáo khoa lớp 9 năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC.

Giáo viên Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình, Hà Nội) tập huấn sách giáo khoa lớp 9 năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC.

Luật hóa để tháo gỡ điểm nghẽn

Đồng tình về sự cần thiết phải ra đời Luật Nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những điểm nghẽn hiện nay như vị thế nhà giáo, tuyển dụng nhà giáo, chính sách tiền lương… đều đã được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. Riêng về giấy phép hành nghề dạy học, bà Doan ủng hộ nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều, mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này, rà soát các điều khoản trong dự thảo luật để tương thích…

Bà Nguyễn Thúy Hồng - nguyên Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GDĐT cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề không phải bây giờ mới đặt ra mà từ khi làm quy chế về thực hành sư phạm cũng đã đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, khi đó thời gian thực hành nghề của sinh viên sư phạm chưa đủ. Bà Hồng đặt câu hỏi có nên đẩy thời gian tập sự sư phạm cho các trường đào tạo giáo viên, tăng thêm thời gian thực hành từ 6 tháng đến 9 tháng? Lúc đó, các trường sư phạm có thể khẳng định sinh viên ra trường là đạt chuẩn nghề nghiệp và có chứng chỉ hành nghề luôn.

Trước tâm tư của nhiều giáo viên bày tỏ lo lắng về việc có thể phát sinh về thủ tục hành chính khi cấp chứng chỉ hành nghề, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, muốn khẳng định mình là nhà giáo chính danh thì phải chứng minh bằng chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ấy khẳng định được vị thế của nhà giáo trong xã hội.

“Chứng chỉ hành nghề giúp phân biệt giữa nhà giáo chính danh và nhà giáo tự xưng tràn lan trên mạng xã hội. Đó là lợi ích cơ bản với chính nghề nghiệp của nhà giáo và quản lý nhà nước” - ông Tiến khẳng định và cho rằng, việc tốt nghiệp sư phạm hiện mới là điều kiện cần để trở thành một nhà giáo, điều kiện đủ là phải có thời gian tập sự và được đánh giá sau khi hoàn thành thời gian tập sự. Đồng thời nhấn mạnh, việc này sẽ không có gì phát sinh so với điều kiện để nhà giáo được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hiện nay, cũng không có bất kỳ khó khăn nào về mặt hành chính, hay về cơ chế xin cho.

Để Luật không chỉ dừng lại ở văn bản

Theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, điều xã hội và các nhà giáo mong ngóng khi có Luật Nhà giáo là chính sách lương, thưởng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo. Thế nhưng, để Luật Nhà giáo giải quyết vấn đề thực tiễn trên, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, từ phổ thông đến hệ thống dạy nghề; gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

“Do đó, cần có tính toán cẩn trọng để bảo đảm Luật Nhà giáo sẽ thay đổi thực sự về lương, các tiêu chuẩn chế độ, đãi ngộ, tuyển dụng với nhà giáo, tránh để Luật Nhà giáo chỉ dừng lại ở văn bản về vị trí, vai trò của nhà giáo” - ông Phương mong mỏi.

Đây cũng tâm tư của nhà giáo cũng như các cựu giáo chức đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị ban soạn thảo Luật Nhà giáo cần cố gắng bảo vệ quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm thì phải có chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ví dụ, trước đây chúng ta có chính sách miễn học phí sư phạm, sau này khôi phục lại bằng chính sách hỗ trợ học phí với sinh viên sư phạm tại Nghị định 116. Năm đầu thực hiện nghị định này, Trường đã thu hút được sinh viên giỏi, nhưng ngay sau đó chính sách đã gặp phải lúng túng khi nguồn kinh phí hỗ trợ học phí về quá chậm, tác động rất lớn đến trường…

Khẳng định nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng GDĐT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến việc phát huy được trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, những nhà giáo có kinh nghiệm... là điều quyết định chất lượng khi xây dựng Luật Nhà giáo.

“Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý với lực lượng này. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích Luật đem lại cho nhà giáo, đồng thời yêu cầu đội ngũ phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng. Đó là yêu cầu của sự đổi mới, yêu cầu của thời đại” - ông Sơn nói.

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT:

Đổi mới để phát triển

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, một số nội dung đang cố gắng vượt lên chính sách hiện hành để đảm bảo sự phát triển đội ngũ. Ví dụ, đảm bảo sự quản lý thống nhất về đội ngũ của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây là sự thống nhất có phân cấp chứ không phải tất cả “ôm” về Bộ GDĐT. Việc tuyển dụng nhà giáo khi giao cho ngành giáo dục chủ trì sẽ quan tâm đến kỹ năng thực hành sư phạm của người dự tuyển, không chú trọng bài thi lý thuyết như hiện nay…

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-o-luat-nha-giao-10285999.html