Lại 'nóng' chuyện sách giáo khoa

Một lần nữa, vấn đề sách giáo khoa (SGK) lại 'nóng' trên nghị trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khi nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với đề nghị Bộ GD-ĐT quay trở lại biên soạn 1 bộ SGK.

Phần lớn các ý kiến phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đều cho rằng, việc xã hội hóa biên soạn SGK là một trong những điểm nhấn và thành công khi triển khai đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông. Điều này phù hợp với chủ trương “1 chương trình, nhiều bộ SGK” mà ngành Giáo dục đang thực hiện và là hướng đi đúng, tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Thực tế, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều bộ SGK thời gian qua, dù bước đầu có lúng túng nhưng đang đi vào nề nếp, từng bước cho thấy được hiệu quả. Quan trọng nhất là công tác dạy và học tạo chuyển biến tích cực, phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của cả thầy và trò.

Việc đề nghị Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK như trước đây, theo ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là đang quay lại tình trạng độc quyền, đi ngược xu thế quốc tế. Việc này không phù hợp với thực tế chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi; đồng thời vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị thay vì đi biên soạn 1 bộ SGK, thời điểm này, nên giao cho Bộ GD-ĐT tập trung nghiên cứu và triển khai phương án lựa chọn và sử dụng hiệu quả các bộ SGK đã và đang sử dụng hiện tại. Hoặc chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số…

Phát biểu tranh luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm, cần phải có một bộ SGK để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống, nhất là không lo xảy ra tình trạng thiếu SGK khi bước vào năm học mới. Bà Hoa cũng cho biết, kết quả của quá trình xã hội hóa SGK, hiện chúng ta có 5 bộ sách lớp 1 và 3 bộ sách bắt đầu từ lớp 2. Có 1.574 tác giả tham gia viết sách cho thấy đã huy động được một lực lượng rất lớn các nhà khoa học, nhà giáo tham gia để có thể xây dựng ra những cuốn SGK có chất lượng; đồng thời ghi nhận việc thành công trong xã hội hóa SGK là cần thiết.

“Tuy nhiên, cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, SGK” - bà Hoa nhấn mạnh.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/lai-nong-chuyen-sach-giao-khoa-c4754e9/