Làm gì để ngăn hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục?
Môi trường giáo dục bao gồm nhiều thành tố, trong đó, chủ thể của môi trường giáo dục chính là giáo viên và học sinh. Nếu chủ thể có hành vi lệch chuẩn, môi trường giáo dục đó sẽ không còn là môi trường lý tưởng. Vậy cần làm gì để ngăn chặn hành vi lệch chuẩn đối với cả giáo viên và học sinh, tạo dựng môi trường sư phạm mô phạm?
Học sinh Trường THCS Triệu Thị Trinh (Triệu Sơn) trong giờ ra chơi.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi quay video, đăng tải lên mạng xã hội. Gần đây nhất là vào đầu tháng 10/2023, một nhóm nữ sinh của nhiều trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa đã tham gia đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa). Sau khi nắm bắt thông tin, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) có 1 học sinh là em N.N.B.A. học sinh lớp 9 có tham gia đánh học sinh H.G.N. lớp 8 Trường THCS Điện Biên, ban giám hiệu nhà trường đã mời nữ sinh B.A và phụ huynh của em B.A lên làm việc.
Thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan, cho biết: Theo tường trình của học sinh B.A. thì em này có chơi với bạn L.A. - học sinh một trường THCS khác trên địa bàn TP Thanh Hóa. Bạn L.A. có mâu thuẫn với 1 bạn nữ tên N. ở trong trường nên đã hẹn nhau ra công viên nói chuyện. Tuy nhiên, gia đình 2 nữ sinh L.A. và nữ sinh N. đã phát hiện, ngăn chặn nên 2 nữ sinh này không tới nơi hẹn. Trong khi nhóm bạn của L.A. vẫn tới điểm hẹn dẫn tới sự việc đánh nhầm bạn G.N. nữ sinh Trường THCS Điện Biên cũng đi chơi tại công viên. Theo quy định, nhà trường đã cho tạm dừng học 1 tuần, đồng thời hạ hạnh kiểm học kỳ 1 đối với nữ sinh B.A.
Cũng vào đầu tháng 10/2023, do nảy sinh mâu thuẫn với bạn, một nữ sinh Trường THCS Quảng Đông (TP Thanh Hóa) đã bị đánh, lột đồ rồi quay video đăng tải lên mạng xã hội... Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc nữ sinh đánh bạn rồi quay video tung lên mạng xã hội. Mặc dù xảy ra ngoài nhà trường nhưng tính chất nghiêm trọng và hành vi của các nữ sinh đã dấy lên lo lắng về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Không chỉ đánh nhau, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử, học sinh “xin đểu” tiền của các bạn lớp dưới cùng trường hoặc khác trường cũng trở nên khá phổ biến hiện nay ở nhiều trường học tại TP Thanh Hóa, khiến dư luận xã hội hoang mang, bất an.
Nhận thức rõ mức độ nguy hại, tính cấp thiết của việc đẩy mạnh giáo dục học sinh, giáo viên về các quy định, chuẩn mực đạo đức trong môi trường giáo dục, thầy Lê Nhật Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Thị Trinh (Triệu Sơn) cho biết: Mặc dù chưa có tình trạng học sinh, giáo viên vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà trường, của ngành. Tuy nhiên, để ngăn chặn sớm những hành vi lệch chuẩn, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề... Bên cạnh đó, trường cũng thành lập ban nền nếp do một phó hiệu trưởng nhà trường làm trưởng ban, cô tổng phụ trách làm phó ban. Học sinh vi phạm quy chế sẽ cho làm tường trình để xem xét mức độ vi phạm, nếu nặng sẽ cho mời phụ huynh và học sinh lên làm việc với ban giám hiệu nhà trường để cùng phối hợp, giáo dục học sinh.
Tương tự, tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) - ngôi trường có bề dày thành tích trong giảng dạy và học tập, thầy Lê Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ chia sẻ: Mặc dù đại đa số học sinh của nhà trường đều là những học sinh ngoan, giáo viên được tuyển chọn có năng lực, phẩm chất tốt, nhưng công tác tuyên truyền nội quy, quy định, quy chế trong bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường vẫn được thường xuyên đẩy mạnh để học sinh và giáo viên thấm nhuần. Mỗi sáng khi học sinh đến trường, nhà trường thường mở các bài hát truyền thống để vừa cảm hóa, vừa giáo dục học sinh, hướng các em đến những điều tốt đẹp, khơi dậy lòng tự trọng, đam mê cống hiến của học sinh và giáo viên nhà trường. Ngoài ra, việc phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức các chương trình ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử trong trường học, phòng chống bạo lực học đường cũng là cách để nhà trường xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.
Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa, cho biết: Tiếp thu các văn bản của ngành, của Sở GD&ĐT về các quy định hành vi chuẩn mực của giáo viên, học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các nhà trường về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học... Trong đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người thầy bởi người thầy không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức mà còn là người vun đắp cả tâm hồn cho học sinh. Người thầy phải là những tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho học sinh noi theo.
Để ngăn chặn hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục, ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04. Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định: Giáo viên các cấp thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo... Đây chính là định hướng để những người làm việc trong môi trường giáo dục rèn luyện, tu dưỡng, xứng đáng với sự tôn trọng và kỳ vọng của toàn xã hội.