Lan tỏa hình ảnh làng nghề qua mạng xã hội

Nhiều bạn trẻ đã và đang mang hình ảnh làng nghề Việt đến gần hơn với cộng đồng chỉ với chiếc điện thoại và tình yêu văn hóa truyền thống.

Yêu thích pháp phục và văn hóa truyền thống, chị Mai Thùy Trang - một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội thường xuyên tìm đến các làng nghề để trải nghiệm và chia sẻ. Với chị, mỗi clip, mỗi hình ảnh không chỉ là câu chuyện đẹp, mà còn là cách để lan tỏa giá trị văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.

Những video được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội như của chị Trang đã trở thành cầu nối đưa du khách quốc tế tìm đến các làng nghề để tham quan, trải nghiệm. Không chỉ dừng lại ở lượt xem, điều đó đang góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh làng nghề truyền thống Hà Nội ra thế giới.

"Chúng tôi được biết tới địa điểm này trên mạng xã hội. Khi đến đây và được tham quan làng nghề truyền thống của các bạn, tôi thực sự cảm thấy rất ấn tượng. Ở đất nước tôi, hầu hết mọi thứ đều được sản xuất bằng máy móc, vì vậy đây cũng là lần đầu tiên tôi được tự tay trải nghiệm quy trình làm hương thủ công. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc mới lạ và thú vị. Tôi thực sự rất thích", chị Olivia - Du khách Bỉ cho hay.

Chị Nguyễn Thu Phương - chủ cơ sở sản xuất và du lịch trải nghiệm Từ Bi Hương, TP. Hà Nội cho biết: "Từ niềm yêu nghề và sự đam mê, tôi có lượng khách hàng vững chắc, họ rất yêu sản phẩm của tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng được địa phương hỗ trợ để xây dựng điểm du lịch trải nghiệm, tôi cảm thấy rất may mắn. Bằng sự nhiệt tâm của mình, nhiều du khách đã cảm nhận được và đến với cơ sở của tôi".

Từ những chiếc điện thoại thông minh và những thước phim dung dị, mạng xã hội đang trở thành chiếc cầu nối đầy hiệu quả đưa văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Không chỉ giúp lan tỏa hình ảnh đẹp của Hà Nội, những nhà sáng tạo nội dung còn góp phần tạo thêm sức sống mới cho làng nghề - nơi lưu giữ tinh hoa của bao thế hệ.

Thu Trà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lan-toa-hinh-anh-lang-nghe-qua-mang-xa-hoi-349456.htm