Làng nghề phục hồi từ phong trào mặc trang phục truyền thống
Phong trào chơi cổ phục hay tìm về trang phục truyền thống đang có những bước phát triển khá mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh khách du lịch khoác lên mình những bộ trang phục từ thời Lý, thời Trần, thời Lê, hay gần đây nhất là những bộ trang phục như áo dài ngũ thân, áo nhật bình thời Nguyễn, dạo bước trong những không gian di tích, di sản văn hóa lịch sử nổi tiếng.
Điều đó không chỉ làm tôn lên vẻ đẹp tổng thể những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại, mà phong trào này còn đem lại nguồn kinh tế ổn định cho chính những người tham gia gây dựng và phát triển phong trào; qua đó cũng mở ra hi vọng trang phục truyền thống của Việt Nam có thể tiếp cận với cánh cửa công nghiệp văn hóa.
Hai chiếc áo dài ngũ thân này đã có tuổi đời hơn 60-70 năm, được nghệ nhân Đỗ Minh Tám của làng Trạch Xá sưu tầm lại từ một cụ cao tuổi của làng. Nhờ vậy, ông có thêm căn cứ để có thể sản xuất ra những chiếc áo dài ngũ thân theo đúng truyền thống của cha ông, sau một thời gian dài gián đoạn.
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám cũng chia sẻ, trung bình một tháng gia đình ông sản xuất được tầm 50 -60 bộ áo dài. Điểm đặc biệt trong kĩ nghệ sản xuất áo dài của gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Tám là dùng kỹ thuật khâu tay, chính vì vậy con số 50-60 sản phẩm/1 tháng có thể coi là nhiều đối với một cơ sở sản xuất thủ công như thế này. Xuất phát điểm từ câu lạc bộ Đình làng Việt, sự phát triển của gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Tám cũng đã phần nào minh chứng hiệu quả của những sân chơi chung cho những người yêu văn hóa cổ truyền.
Từ một phong trào của những người yêu văn hóa cổ truyền, hi vọng về mặt kinh tế dần hiện hữu. Tuy nhiên, để biến những hi vọng thành sức bật thì vẫn cần có sự định hướng, cần có chính sách cũng như sự đầu tư bài bản từ các cơ quan quản lý nhà nước, để không chỉ mình nghề may phát triển mà nghề làm vải, nghề nhuộm hay sản xuất phụ kiện trang phục cũng được cùng hưởng lợi.
Anh Thư -
Văn Thắng -