Làng ven đô

Nơi tôi mới chuyển đến sinh sống là vùng ngoại ô TP. Pleiku. Không khí ở đây trong lành và gần làng đồng bào Bahnar.

Ban đầu, tôi còn e ngại trong giao tiếp với hàng xóm. Bởi tôi chẳng biết sẽ bắt đầu câu chuyện thế nào. Vả lại, vì đang trong thời gian xây nhà nên tôi cũng khá bận rộn. Nhưng lũ trẻ nhà tôi thì khác, khi nhìn thấy những người bạn cùng tuổi thập thò bên hàng rào, chúng đã rất hào hứng để làm quen.

Không gian sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông làng Ốp, TP. Pleiku. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp

Không gian sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông làng Ốp, TP. Pleiku. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp

Hơn 1 tuần sau, 2 đứa con trai tôi đã trốn ngủ trưa để đi chơi cùng đám trẻ trong làng. Nhìn các con lấm lem bùn đất, tôi muốn phát cáu lên. Những đứa trẻ nhà hàng xóm như hiểu được cái nhíu mày khó chịu của tôi liền ra dấu cho con tôi chạy theo chúng xuống phía ruộng lúa dưới nhà. Tôi sống ở đây đã gần cả tháng nhưng vẫn chưa đi được nhiều nơi nên khi theo chân lũ trẻ tới nơi ruộng lúa xanh mát, tôi đã khá ngỡ ngàng.

Đám trẻ dắt các con tôi tới bên giọt nước ở ngay đầu ruộng để tắm rửa. Nhìn lũ trẻ nhảy nhót dưới dòng nước mát, tắm rửa sạch sẽ, tôi mới thở phào. Lúc này, những người hàng xóm cũng đi làm đồng về và tập trung tại đây để rửa tay chân. Họ vui vẻ gật đầu chào tôi và kể lại rằng, họ biết tôi là hàng xóm mới nhưng thấy nhà thường đóng cửa nên mọi người ngại ghé vào. Nay có dịp gặp nhau ở đây, thấy các con tôi vui vẻ hòa đồng với đám bạn nên họ mới bắt chuyện làm quen.

Từ đó, tôi và mọi người trong làng dần trở nên thân thiết. Làng nhỏ nhưng rất ngăn nắp sạch đẹp, nhà nào cũng cổng ngõ sạch sẽ, cây cối cắt tỉa gọn gàng, ngay ngắn. Người dân ở đây hầu hết là làm nông nên sống rất tiết kiệm. Mặc dù nhà ai cũng có giếng nước nhưng mỗi khi đi làm về, họ đều ghé lại giọt nước đầu làng để rửa tay chân và giặt giũ trước khi về nhà. Nước ở giếng chỉ dành để nấu ăn, tắm rửa.

Cả làng chỉ có nhà tôi và 2 nhà nữa là có wifi. Vì vậy, người làng đều thuộc mật khẩu wifi của 3 nhà để mỗi khi ăn tối xong lại tập trung vừa trò chuyện, vừa tranh thủ dùng mạng internet.

Hàng xóm thân thiện lại an ninh nên nhà tôi không còn phải sống trong cảnh cửa đóng then cài như ngày đầu mới tới. Ngược lại, cánh cổng luôn mở rộng và đặt sẵn bộ bàn ghế đá ngoài sân để bà con ghé ngồi chơi, trò chuyện.

Con tôi học bạn cách nấu bếp củi, cũng về nhà hăm hở nhờ bố kê gạch làm bếp nhỏ, sẵn tiện nấu thêm ấm nước hoặc khi cần hầm đồ ăn thì bếp củi rất tiện. Hàng xóm thấy nhà tôi dùng bếp củi nên mỗi lần đi rẫy về lại ghé cho bó củi nhỏ. Thành ra, có bếp gas nhưng chỉ khi cần thiết tôi mới bật bếp nấu. Còn khi thong thả thì cứ dùng bếp củi cho tiết kiệm.

Lũ trẻ cũng học bạn mắc võng ngoài sân để ngủ cho mát chứ không chịu vào phòng bật quạt. Mỗi khi nghịch bẩn thì tự chạy xuống giọt để tắm rửa sơ qua rồi mới về tắm lại cho đỡ tốn nước. Dường như các con tôi học rất nhanh thói quen tiết kiệm của hàng xóm. Không chỉ vậy, nhờ có bạn chơi cùng nên 2 đứa con tôi vừa dạn dĩ lại bỏ được thói quen nằm cả ngày trong nhà xem ti vi hay dùng điện thoại. Chúng thích vận động nhiều hơn: tập xe, chơi đuổi bắt, chuyện trò cùng chúng bạn mà chẳng chút e dè.

Nhìn con và các bạn vui vẻ chơi đùa cả ngày mà chẳng biết mệt, khiến tôi cảm thấy việc có nhà ở một nơi yên bình như này quả là một điều tốt.

Ở giữa làng còn có một cái chợ nhỏ. Đây là nơi để chiều chiều bà con tụ họp bán những sản phẩm do mình tự làm ra hay mớ cua, con cá bắt được ngoài đồng nên vừa rẻ lại rất tươi ngon. Nhưng nhà tôi chẳng mấy khi phải mua đồ ăn vì những người hàng xóm vẫn nhớ để phần tôi khi thì xâu cá rô đồng tươi rói, khi thì mớ cua, mớ ốc. Đáp lại tấm chân tình ấy, tôi thường xin bạn bè sách vở, truyện tranh và quần áo cũ để cho lại người làng.

Cho đi và nhận lại như một điều tự nhiên và tất yếu, chẳng cần so đo, tính toán. Những người hàng xóm mới đã cho tôi có cảm giác ấm áp vô cùng. Cũng chẳng phải là những điều to tát hay những món quà giá trị mà chính từ những sự quan tâm tưởng như nhỏ nhặt, giản dị như vậy mà tình làng nghĩa xóm lại càng thêm bền chặt.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-ven-do-post285303.html