Lễ cầu mưa của người Lô Lô đen và những giá trị nhân văn

Quy mô không lớn, các nghi lễ cũng không cầu kỳ nhưng lễ cầu mưa của người Lô Lô huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng. Qua buổi lễ cho thấy những giá trị nhân văn sâu sắc của người Lô Lô về quan niệm nhân sinh; mối quan hệ xã hội, cộng đồng, làng xóm; nghệ thuật diễn xướng các giá trị văn hóa độc đáo… của người Lô Lô.

Quan niệm nhân sinh về “vạn vật hữu linh”

Người Lô Lô ở Cao Bằng canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Do đó, với quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa. Vì vậy, nghi lễ cầu mưa ra đời và đến nay vẫn được người Lô Lô lưu giữ.

Trong quan hệ con người và thế giới tự nhiên, trên cơ sở tín ngưỡng đa thần, đời sống tâm linh của người Lô Lô luôn hướng về cái cao cả, thiêng liêng được tôn thờ, đó là thế giới thần linh. Các nghi lễ trong đời sống đóng vai trò quan trọng khi tạo niềm tin vững chắc rằng những nghi lễ được thực hiện sẽ giúp cộng đồng và gia đình mỗi người nhận được sự che chở của thần linh, tổ tiên nhằm đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc, không ốm đau, hoạn nạn, thiên tai, hạn hán…

Lễ cầu mưa phản ánh và tái hiện lại lịch sử, cội nguồn của mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Qua lễ cầu mưa, người Lô Lô bày tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao che chở, phù hộ của thần mưa. Đây là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân, cộng đồng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, được lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày hội của cộng đồng

Nghệ nhân Lý Văn Dung, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Trang, xã Hồng Trị rất am hiểu văn hóa truyền thống của người Lô Lô và là thầy cúng trực tiếp tham gia thực hành lễ cầu mưa, cho biết: Việc tổ chức cầu mưa không thể tùy tiện, không phải năm nào cũng làm lễ mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, người dân trong vùng mới tập trung lại mời người đứng ra làm lễ (trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng). Lễ cầu mưa được tổ chức vào các ngày lẻ trong tháng 3 âm lịch. Để làm lễ, người Lô Lô đến nhà thầy cúng xem ngày lành để tổ chức và mời thầy cúng về làm lễ. Sau khi thầy cúng chọn được ngày giờ đẹp sẽ báo để mọi người chuẩn bị.

Để nghi lễ diễn ra suôn sẻ, trưởng xóm, các vị cao niên họp bàn với người dân trong bản về công tác chuẩn bị. Mỗi người, mỗi nhà đóng góp mua lễ vật, thực hiện các công việc được giao như: phát quang bãi đất trống làm lễ, phụ giúp thầy cúng trong quá trình làm lễ, phụ nữ đảm nhiệm công việc nấu nướng sau thời gian tổ chức lễ...

Nghệ nhân Lý Văn Dung (thứ 2 từ trái sang) xem ngày để tiến hành lễ cầu mưa.

Nghệ nhân Lý Văn Dung (thứ 2 từ trái sang) xem ngày để tiến hành lễ cầu mưa.

Ngày diễn ra lễ cầu mưa, người dân tập trung đến nơi tổ chức lễ. Nơi thực hiện lễ thường là bãi đất rộng, cao, thoáng ngay cạnh nương rẫy. Đồ lễ gồm chó, gà (còn sống), 4 chén rượu, 4 chén nước, bánh kẹo, hoa quả, giấy bản… Nhạc cụ không thể thiếu trong lễ cầu mưa là trống đồng và nhị.

Lễ cầu mưa có phần lễ và phần hội, phần lễ là những nghi lễ do thầy cúng tiến hành dưới sự tham gia hỗ trợ và chứng kiến của người dân tại nơi làm lễ. Thầy cúng khấn bằng tiếng Lô Lô với nội dung: Hôm nay ngày lành tháng tốt, bà con xóm, bản làm lễ dâng lên thần với rất nhiều lễ vật. Mong các vị thần hãy cho mưa xuống để người dân gieo hạt, trồng cây, cho suối chảy cá lội, cây rừng đâm chồi, nảy lộc, bà con trồng lúa lúa tốt, trồng bầu bầu leo, nuôi lợn lợn béo, vịt gà đầy sân, thóc gạo đầy bồ… mùa màng tốt tươi, làng bản no ấm. Sau khi khấn xong thầy cúng sẽ đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vảy rượu ra bốn phương tạ ơn trời đất.

Phần hội diễn ra sau khi các nghi lễ hoàn thành, dân bản quây quần cùng nhau uống rượu, chế biến đồ ăn từ mâm lễ vừa dâng cúng cùng nhau ăn uống. Các cô gái, chàng trai xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống múa các điệu múa đặc sắc, hát vang những khúc hát dân ca đằm thắm. Các bà, các mẹ cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những điều trong cuộc sống, lao động sản xuất.

Bà Chi Thị Hà, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) chia sẻ: Lễ cầu mưa mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu nên chúng tôi háo hức mong chờ đến ngày này. Đây là tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, gắn kết tình cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.

Những sắc màu văn hóa độc đáo

Các nghi lễ thực hiện cầu mưa là tổng hòa những sắc màu văn hóa độc đáo của người Lô Lô khi kết hợp các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, ẩm thực đa dạng… Trong đó, độc đáo nhất, hấp dẫn nhất là những điệu múa trên nền nhạc trống đồng - cầu nối giữa con người với thần linh. Những cô gái Lô Lô đẹp rạng ngời, rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ, đôi chân linh hoạt nhảy theo nhịp trống lúc dồn đập, khi nhịp nhàng, uyển chuyển, đặc sắc. Những bài hát dân ca cất lên vang vọng núi rừng, kể lại lịch sử hình thành của dân tộc, ước mong mùa màng bội thu, no ấm, hạnh phúc cho xóm làng.

Tại lễ cầu mưa, ẩm thực cũng là nét văn hóa đặc sắc với những món từ các nguyên liệu quen thuộc: gạo nếp, gạo tẻ, thịt gà, thịt lợn, cá… được chế biến từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ tạo hương vị rất riêng. Trong đó, không thể thiếu món gà luộc, thịt lợn treo gác bếp, cá nướng, rau rừng, canh chuối. Đặc biệt có món bánh chi ma (bánh nếp) truyền thống được làm từ bột gạo nếp giống như bánh rán nhưng trộn với bột lá của cây rừng và đường nên màu sắc bánh nâu đen, khi ăn ngọt thơm nhưng không ngấy.

Ngày nay, dưới tác động của kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống của người Lô Lô đã có nhiều đổi thay, sản xuất nông nghiệp không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên mà đồng bào biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Vì thế, nghi lễ cầu mưa cũng có sự biến đổi, tích hợp, bổ sung thêm giá trị văn hóa mới để phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên giá trị cót lõi truyền thống của nghi lễ vẫn được người Lô Lô bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Xuân Lam

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-cau-mua-cua-nguoi-lo-lo-den-va-nhung-gia-tri-nhan-van-3170059.html