Lễ hội truyền thống - sản phẩm du lịch độc đáo ở Mèo Vạc
BHG - Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá, nơi sinh sống của 17 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 78%, còn lại là các dân tộc Lô Lô, Tày, Nùng, Dao, Giáy… Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây đó là các lễ hội truyền thống. Tiêu biểu như: Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, lễ hội rửa làng, cầu mưa của dân tộc Lô Lô, lễ hội múa trống của dân tộc Giáy.
Với quan điểm lấy văn hóa làm nguồn lực phát triển du lịch (DL), tạo nên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, những năm qua, huyện Mèo Vạc quan tâm bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống. Bình quân hằng năm, trên địa bàn huyện diễn ra từ 2 – 3 lễ hội cấp huyện, 5 – 7 lễ hội cấp xã và một số lễ hội tại các thôn. Thực tế, việc tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Mèo Vạc không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà còn mở ra tiềm năng lớn cho phát triển DL văn hóa, lễ hội - một loại hình hấp dẫn ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước. Thông qua các nghi lễ độc đáo, hoạt động văn nghệ dân gian, trò chơi truyền thống và không gian đậm đà bản sắc dân tộc, du khách có thể trải nghiệm sâu sắc đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương.

Dâng lễ miếu Ông, miếu Bà tại phiên Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025. Ảnh: Trần Kế
Vừa qua, trong các ngày từ 22 – 24.4, huyện Mèo Vạc tổ chức Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025. Đây là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc và hấp dẫn nhất vùng Cao nguyên đá. Lễ hội có nguồn gốc từ phiên chợ Phong Lưu Khâu Vai với lịch sử hình thành cách đây hơn 100 năm. Trong lễ hội có 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Ở phần lễ đã diễn ra hoạt động tâm linh, dâng hương lên miếu Ông, miếu Bà nhằm tưởng nhớ hai nhân vật huyền thoại là chàng Ba, nàng Út – một biểu tượng cho tình yêu thủy chung, son sắt, vượt qua rào cản xã hội; đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, trong phần hội đã diễn ra chuỗi các hoạt động hấp dẫn như: Giao lưu văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trình diễn múa khèn Mông, trải nghiệm ẩm thực truyền thống.
Chia sẻ về cảm nhận sau chuyến tham dự Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai, chị Trần Huyền Trang, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đã nghe nhiều về chợ tình nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp trải nghiệm. Ấn tượng đầu tiên là không khí rất đặc biệt, vừa nhộn nhịp vừa sâu lắng. Tôi xúc động khi chứng kiến lễ dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà, cảm nhận rõ nét sự thiêng liêng trong tín ngưỡng tình yêu của đồng bào nơi đây. Không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội, tôi còn được thưởng thức những điệu múa khèn Mông, giao lưu cùng bà con và thử các món ăn truyền thống. Chuyến đi này để lại cho tôi nhiều cảm xúc đẹp, và tôi chắc chắn sẽ quay lại Mèo Vạc vào mùa lễ hội năm sau”.

Đông đảo du khách đến với Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc). Ảnh: PV
Để bảo tồn bền vững các lễ hội truyền thống, huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, huyện tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tiến hành kiểm kê, tư liệu hóa các lễ hội truyền thống gắn với từng dân tộc, địa phương nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa phong phú. Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội.
Ngoài ra, huyện Mèo Vạc cũng quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; đầu tư, nâng cấp các làng văn hóa du lịch cộng đồng; huy động sự tham gia, vào cuộc của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để truyền dạy các nghi lễ, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian cho thế hệ trẻ. Đồng thời lồng ghép lễ hội với hoạt động DL, huy động sự tham gia của người dân trong công tác tổ chức và phục vụ du khách, qua đó tạo sinh kế từ chính giá trị văn hóa bản địa.
Có thể nói, với những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, huyện Mèo Vạc không chỉ giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH. Thực tế, trong những năm qua, lượng khách DL đến huyện không ngừng tăng; riêng trong quý I.2025, toàn huyện đón hơn 121.000 lượt người, đạt 183% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực để huyện phấn đấu đón 540.000 du khách trong năm 2025.