Liên Hợp Quốc áp dụng phí khí thải tàu biển tối thiểu 100 USD/tấn

Ngày 11/4, tại hội nghị của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên Hợp Quốc, hơn 60 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp dụng mức phí tối thiểu 100 USD cho mỗi tấn khí nhà kính do tàu thải ra vượt ngưỡng quy định.

Đây được xem là loại thuế toàn cầu đầu tiên nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính trong ngành vận tải biển.

Theo kế hoạch, mức phí này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2028, sau khi được phê duyệt tại cuộc họp tiếp theo của IMO vào tháng 10. Số tiền thu được từ khoản phí này, ước tính đạt 11-13 tỷ USD mỗi năm, sẽ được sử dụng để đầu tư vào nhiên liệu sạch, công nghệ xanh, và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc chuyển đổi sang vận tải biển thân thiện với môi trường.

Áp dụng phí khí thải tàu biển tối thiểu 100 USD/tấn nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính trong ngành vận tải biển.

Áp dụng phí khí thải tàu biển tối thiểu 100 USD/tấn nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính trong ngành vận tải biển.

Ngoài ra, IMO cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải ròng từ vận tải biển quốc tế xuống 20% vào năm 2030 và tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050. Các tiêu chuẩn nhiên liệu hàng hải sẽ được thiết lập nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn, đồng thời khen thưởng các tàu có mức phát thải thấp.

Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Arsenio Dominguez khẳng định sự đồng thuận của các quốc gia thành viên là một dấu ấn quan trọng trong nỗ lực đối phó với những thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu và tiến trình hiện đại hóa ngành vận tải biển. Mặc dù việc áp dụng phí carbon được nhiều nhà môi trường coi là "quyết định lịch sử," họ vẫn cho rằng mức phí tối thiểu 100 USD/tấn chưa đủ cao để thúc đẩy các hãng tàu chuyển đổi sang nhiên liệu sạch.

Emma Fenton, Giám đốc cấp cao về ngoại giao khí hậu tại tổ chức Opportunity Green, bày tỏ quan ngại rằng mức phí thấp có thể khuyến khích các hãng tàu chọn trả phí thay vì đầu tư vào việc giảm phát thải carbon. Ông cũng lưu ý rằng mức phí này sẽ khó tạo ra đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc chuyển đổi vận tải biển sang công nghệ xanh.

Bên cạnh đó, các thành viên IMO đã thông qua đề xuất chỉ định khu vực kiểm soát khí thải ở Đông Bắc Đại Tây Dương, nơi các tàu sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát ô nhiễm. Khu vực bao gồm các cảng thuộc Bắc Đại Tây Dương, như Vương quốc Anh, Greenland, Pháp và Quần đảo Faroe, buộc các tàu đến từ Bắc Mỹ, châu Á và nhiều điểm đến khác phải giảm lượng khí thải đáng kể.

Mỹ đã không tham gia các cuộc đàm phán về phí carbon tại London, và chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi các quốc gia khác từ chối thông qua mức phí này. Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp "có đi có lại" nếu tàu của họ bị áp phí.

Khi được hỏi về lập trường của Mỹ, Tổng thư ký Dominguez nhấn mạnh rằng các tàu di chuyển giữa các quốc gia phải tuân thủ các quy định do IMO đặt ra. Ông khuyến nghị các quốc gia có quan ngại về mức phí nên hợp tác với tổ chức để cùng phát triển những giải pháp phù hợp hơn trong tương lai.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lien-hop-quoc-ap-dung-phi-khi-thai-tau-bien-toi-thieu-100-usdtan-97914.html