Liên kết trong nông nghiệp: khó, nhưng phải đi
Liên kết- yêu cầu bắt buộc để sản phẩm ngành nông nghiệp đảm bảo về mặt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thế nhưng, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa thể bền vững và ổn định lâu dài.

Liên kết sản xuất trong ngành nông nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Ảnh: Trung Chánh
Hai lần liên kết thất bại!
Trong liên kết sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu chính đáng của các chủ thể tham gia. Thế nhưng, mối quan hệ này có được duy trì bền vững và ổn định hay không kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc chia sẻ “lợi ích lẫn rủi ro” là yếu tố quyết định quan trọng, nhất là hợp tác liên kết sản xuất của ngành nông nghiệp.
Được thành lập năm 2020, nhưng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trung Hiếu Phát (tỉnh Hậu Giang) đã hai lần “thất bại” trong hợp tác liên kết sản xuất với doanh nghiệp vào năm 2021 và cuối 2023 đầu 2024.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trung Hiếu Phát, cho biết lý do thất bại là doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nhằm mục đích bán vật tư đầu vào, không chú trọng thu mua sản phẩm đầu ra của nông dân.
Minh chứng cho vấn đề nêu trên, theo ông Hiếu, cả hai lần “thất bại” xuất phát từ việc doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua sản phẩm thấp hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg. “Bên ngoài lái mua 6.500 đồng/kg, trong khi doanh nghiệp mua 6.200-6.300 đồng/kg, thì làm sao nông dân bán", ông nói và cho biết, điều khoản nông dân có quyền bán ra bên ngoài nếu doanh nghiệp mua thấp hơn thị trường chính là “đường thoát” được doanh nghiệp tính toán trước.
Kết quả từ những lần thất bại là uy tín của người đứng đầu hợp tác xã suy giảm, thành viên rút lui, diện tích sản xuất giảm từ hơn 200 héc ta, xuống còn 170 héc ta. “Doanh nghiệp làm ăn mà không vì chữ tâm, chỉ biết lợi ích riêng sẽ không thành công được”, ông Hiếu đúc kết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Organic Agri, cho biết đơn vị này thành công trong liên kết nhờ chọn hướng đi riêng, tức khai thác thị trường ở phân khúc cao cấp. Đồng thời doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ lợi ích với người nông dân cùng tham gia.
Theo đó, hợp đồng được Organic Agri ký có giá chuẩn (12.000 đồng/kg) cho một vụ hoặc cả năm, giúp nông dân biết khi tham gia liên kết đạt lợi nhuận ra sao, chứ không phải đến khi thu hoạch mới ấn định.
Dĩ nhiễn, việc liên kết thu mua giá cao cho nông dân dựa trên cơ sở có đầu ra ổn định từ đối tác khách hàng. “Chúng tôi định hướng là chất lượng, chuẩn mực sản phẩm và bây giờ đã làm được. Doanh nghiệp cũng áp dụng chính sách đảm bảo nông dân không lỗ, tức trường hợp năng suất thấp do mất mùa, Organic Agri vẫn thanh toán cho nông dân tối thiếu 1,7-2 triệu đồng/công (1.000m2).
Qua câu chuyện nêu trên, cho thấy thành công của mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã (nông dân), đòi hỏi các chủ thể tham gia phải biết chia sẻ lợi ích và rủi ro với nhau một cách hài hòa.

Nhân rộng khó, nhưng phải làm vì là xu hướng tất yếu. Ảnh: Trung Chánh
Khó mở rộng, nhưng phải làm
Lợi ích của liên kết là doanh nghiệp có được sản phẩm an toàn, chất lượng để kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, trong khi người nông dân, tức người trực tiếp sản xuất, sản phẩm có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng.
Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết khi áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong liên kết sản xuất giúp giảm sử dụng phân thuốc hóa học, tức bảo vệ được sức khỏe người nông dân.
Trong ngành nông nghiệp, hiện nay có hai hình thức liên kết được Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thực thi, bao gồm thứ nhất, liên kết sản xuất do doanh nghiệp dẫn dắt; thứ hai, liên kết do hợp tác xã làm trung tâm sản xuất.
Theo đó, với mô hình thứ nhất, doanh nghiệp sẽ dẫn dắt quá trình sản xuất, có nhiệm vụ đầu tư, cung ứng vật tư, công nghệ, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra, trong khi đó, hợp tác xã ký hợp đồng với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình doanh nghiệp đưa ra và giám sát tuân thủ của nông dân.
Với mô hình thứ hai, hợp tác xã đóng vai trò "trung tâm" trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tức vừa tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường vừa tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ cho bà con nông dân, trong đó, đối tác thương mại có thể là thương lái.
Tuy nhiên, có một thực tế, việc mở rộng các mối quan hệ liên kết sản xuất trong ngành nông nghiệp vẫn không hề dễ dàng, dù không ít lần đề cập.
Là đơn vị tám năm tham gia liên kết sản xuất với nông dân, nhưng diện tích bao tiêu mỗi năm của Công ty Đại Dương Xanh cũng chỉ dừng lại ở mức 4.000-5.000 héc ta/năm, chiếm 10% doanh số của công ty, không thể mở rộng thêm được.
Ông Mai Văn Tùng, đại diện Công ty Đại Dương Xanh, thừa nhận doanh nghiệp liên kết bao tiêu đa phần là doanh nghiệp nhỏ, xuất khẩu thị trường ngách với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, nhưng doanh số không lớn. “Doanh nghiệp ở phân khúc này đứng ra bao tiêu thành công, nhưng không thể mở rộng được là vậy”, ông giải thích.
Vị đại diện của Đại Dương Xanh đặt câu hỏi, với ngành hàng lúa gạo vì sao Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2)- những đơn vị xuất khẩu cả triệu tấn gạo mỗi năm nhưng đứng bên ngoài cuộc chơi liên kết?
Rõ ràng, những đơn vị mạnh về số lượng đang bán cho thị trường không yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Trong khi để thực hiện liên kết phải đầu tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, kể cả đầu tư về nhân lực, trang thiết bị máy móc…, nên họ chọn mua gạo qua nhà kho để tiết kiệm chi phí, dễ dàng và nhanh hơn thay vì gia nhập cuộc chơi liên kết đầy tốn kém.
Kết quả của câu chuyện nêu trên là chuỗi liên kết ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và lúa gạo nói riêng dừng lại ở mức độ gần như là… “con số không”. Điều này, đã dẫn những hậu quả to lớn, mà dễ thấy nhất là với ngành cây ăn trái, sản phẩm liên tục bị thị trường nhập khẩu cảnh báo về chất lượng.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nêu con số cho thấy liên kết mang lại lợi ích rất lớn, đó là cùng loại gạo Đài Thơm 8, nhưng Trung An liên kết đem sản phẩm bán đi châu Âu với giá 700 đô la Mỹ/tấn, trong khi những đơn vị không liên kết, bán đi Philippines cao lắm chỉ 540 đô la Mỹ/tấn.
Theo thừa nhận của ông Bình, nhìn tổng thể của ngành nông nghiệp cũng như lúa gạo, liên kết vẫn ở con số chẳng có gì. “Cuối cùng liên kết ở ĐBSCL đa số chỉ là đặt cọc, hợp đồng thương mại thôi. Trong khoảng 130 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) được cấp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, chỉ được một, hai đơn vị tham gia liên kết” ông Bình cho hay.
Quá thực tế nêu trên, rõ ràng liên kết phụ thuộc rất lớn vào thị trường, tức từ yêu cầu thị trường, doanh nghiệp quay lại đặt hàng nông dân sản xuất. Tuy nhiên, với phân khúc này, dung lượng thị trường vẫn khiêm tốn so với phân khúc không đòi hỏi khắc khe về mặt chất lượng. Do đó, liên kết đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn là câu chuyện khó, nhưng đây là con đường bắt buộc phải đi khi xu hướng tiêu dùng an toàn là tất yếu.
Như vậy, muốn đẩy nhanh hơn, thì cần thêm chính sách hỗ trợ, nhất là về mặt thị trường và nguồn lực để doanh nghiệp đầu tư...
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lien-ket-trong-nong-nghiep-kho-nhung-phai-di/