Linh hoạt cơ chế tài chính, tạo đột phá cho khoa học công nghệ
Việc chuyển hướng từ 'quản lý chi tiêu' sang 'quản trị theo kết quả' trong cơ chế tài chính dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá, góp phần thực thi hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW.
Ưu tiên ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội
Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN), Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa tinh thần chỉ đạo lớn của Đảng, đồng thời khẳng định vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong phát triển KHCN&ĐMST.
Cụ thể, Luật quy định Nhà nước ưu tiên bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho KHCN&ĐMST và tăng dần theo nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, các cơ chế thúc đẩy xã hội hóa được mở rộng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tài chính cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Đặc biệt, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới sẽ được “thưởng” thuế, tức cho phép trừ chi phí lên tới 200% khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà nước cũng khuyến khích thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Một trong những nội dung đột phá của Luật là chính sách giao quyền tự chủ trong khai thác kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Tổ chức chủ trì sẽ được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà không phải hoàn trả kinh phí, không ghi tăng vốn nhà nước đồng nghĩa với việc họ được toàn quyền tổ chức thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng bổ sung cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch giữa các bên đóng góp bao gồm tác giả, tổ chức chủ trì và nhà đầu tư nhằm tái đầu tư hoặc phục vụ các mục tiêu phát triển khác.
Đáng chú ý, Luật lần đầu tiên quy định rõ cơ chế chấp nhận rủi ro có kiểm soát: Nếu một nhiệm vụ KHCN&ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện đúng quy trình, đúng nội dung nhưng không đạt kết quả, Nhà nước vẫn chấp nhận chi phí đã đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, sáng tạo cao và đầu tư mạo hiểm cho startup.
Chuyển hướng quản lý theo kết quả
Cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách được chuyển từ “quản lý chi tiêu” sang “quản trị theo kết quả”. Nguyên tắc mới nhấn mạnh tính hiệu quả, đầu ra cụ thể, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của đơn vị sử dụng ngân sách.
Luật cũng cho phép áp dụng cơ chế khoán chi toàn phần hoặc theo từng phần giao quyền chủ động cho tổ chức thực hiện trong sử dụng kinh phí, thuê chuyên gia, quyết định mức chi để thu hút nhân lực chất lượng cao mà không phải qua quy trình hành chính rườm rà.
Song song, cơ chế tài chính linh hoạt được mở rộng thông qua việc thành lập hệ thống quỹ KHCN&ĐMST ở cả cấp quốc gia và địa phương. Cơ chế quỹ sẽ giúp chủ động phân bổ nguồn lực, giảm độ trễ trong cấp phát ngân sách, tạo thuận lợi cho triển khai nhiệm vụ KH&CN.
Một trong những điểm mới quan trọng là chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nhân lực làm khoa học. Luật quy định cụ thể các ưu đãi về tài chính, điều kiện làm việc, bố trí nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội cho nhà khoa học và gia đình họ.
Bên cạnh đó, những người thu hút được nhân tài sẽ được ưu tiên giao nhiệm vụ, hưởng cơ chế linh hoạt trong tổ chức thực hiện và sử dụng kinh phí. Tổng công trình sư trong các chương trình đặc biệt cũng được trao quyền chủ động cao nhất.
Luật đồng thời mở rộng quyền cho viên chức KH&CN trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu được góp vốn, điều hành doanh nghiệp mà vẫn giữ nguyên chế độ công lập. Thu nhập từ các hoạt động này cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Về quản lý nhà nước, Luật chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thiểu can thiệp hành chính vào quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học. Tổ chức, cá nhân thực hiện sẽ được tập trung vào kết quả đầu ra thay vì bị ràng buộc bởi quy trình kỹ thuật.
Cơ chế chấp nhận rủi ro được cụ thể hóa, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại, né tránh trong nghiên cứu đột phá từ đó khuyến khích sáng tạo, đổi mới thật sự.
Tạo nền tảng bền vững cho đổi mới sáng tạo
Theo đại diện Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), những đổi mới trong Luật KHCN&ĐMST lần này đã tháo gỡ nhiều rào cản tài chính vốn là một trong những điểm nghẽn kéo dài và mở rộng quyền tự chủ thực chất cho các tổ chức, cá nhân làm nghiên cứu.
Các cơ chế như: khoán chi toàn phần, thuê chuyên gia trong - ngoài nước, mua công nghệ trực tiếp với giá thỏa thuận, miễn đấu thầu đối với nhiệm vụ đặc thù… đều là những thay đổi mang tính thực tiễn cao, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Bên cạnh đó, các Quỹ phát triển KHCN&ĐMST cấp bộ, ngành, địa phương và của doanh nghiệp được phép tiếp nhận và sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí ngoài ngân sách, như viện trợ, tài trợ, hiến tặng hợp pháp, điều chưa từng có trong khung chính sách trước đây.
Luật cũng đặt ra yêu cầu mới về đánh giá nhiệm vụ KHCN&ĐMST theo đầu ra, chất lượng và hiệu quả, thay vì chỉ dựa vào quy trình. Đây là bước chuyển từ “xin - cho” sang “đặt hàng - giao quyền - đánh giá kết quả” trong toàn bộ hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Với hàng loạt cơ chế tài chính mới mang tính đột phá, Luật KHCN&ĐMST được kỳ vọng sẽ là cú hích thể chế mạnh mẽ, tạo lập môi trường hấp dẫn cho nhân tài và nhà đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Điều quan trọng tiếp theo là quá trình triển khai Luật cần được tổ chức đồng bộ, có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là bảo đảm quyền tự chủ thực chất cho tổ chức, cá nhân làm nghiên cứu.