Lời Người dành cho cả mai sau

'Bác Hồ là vị Cha chung/Là sao Bắc đẩu, là vầng Thái dương', quê hương Quảng Bình còn có niềm hạnh phúc được Người dành cho những tình cảm riêng. Ngày 16/6/1957, giữa thời kỳ đất nước còn ngổn ngang gian khó, Bác Hồ kính yêu đã đến với Quảng Bình-Vĩnh Linh.

Chưa trọn vẹn 24 giờ ngắn ngủi nhưng hình ảnh của Người chạm khắc vĩnh viễn nối truyền trong ký ức của các thế hệ nhân dân Quảng Bình, lời dặn của Người là thông điệp cho cả mai sau, đồng hành cùng những bước đi lên của miền đất phơi phới gió Lào và mịt mù cát bỏng: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.

Ngắn gọn, súc tích mà bao quát toàn cảnh từ quá khứ đến hiện tại, từ tiềm năng nội lực, tài nguyên thiên nhiên đến tình hình thực tế và định hướng tương lai, lời Bác cách nay 67 năm đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng mang tính chiến lược, nhất quán cho con đường phát triển của Quảng Bình phía trước. Soi chiếu từng giai đoạn của quê hương và những đổi thay trong cuộc sống, mỗi người dân sẽ thấy mình đang từng ngày thực hiện lời Bác dặn.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình.

Nhớ lời Người “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng…”, hôm nay, Quảng Bình đang đi tới bằng tâm thế an nhiên và tự tin, linh hoạt và năng động, hợp thời và hợp thế, trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng nhân lực. Nông nghiệp 4.0 đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Ngư nghiệp phát triển hiệu quả, nhân rộng và chuyển giao mô hình chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại. Lâm nghiệp đột phá, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển gắn với quản lý rừng bền vững. Chẳng cần viện dẫn ra đây những con số thống kê cơ học, chỉ là một cuộc dạo chơi đi qua những cánh đồng Lệ Thủy, Quảng Ninh… sẽ được hít thở mùi hương dào dạt, sinh sôi của nguồn sống căng tràn dậy lên từ đất.

Cũng không cần kể lể hành trình vượt khó của mỗi ngư dân Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Hải Ninh (Quảng Ninh) hay Đức Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương, Quảng Phú (Quảng Trạch)… chỉ cần mỗi đêm dạo ven bờ sóng, thấy những ánh đèn gọi cá lấp lóa phía khơi xa, sẽ biết sớm mai sau có những đoàn thuyền trở về cùng khoang cá nặng. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên trên vùng đất từng khét lẹt mùi lửa khói chiến tranh nơi miền Tây Bố trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa… cánh rừng nối tiếp cánh rừng đang mỗi ngày thêm bát ngát xanh.

Thiên nhiên tươi đẹp, sơn hà lộng lẫy, biển trời bao la đẩy xa đau thương, mất mát bởi chiến tranh. Quê nhà trù phú, cuộc sống đầm ấm xóa mờ những tan hoang, đổ nát bởi gian nan, nghèo khó bao tháng ngày hậu chiến. Ấy là bởi, từ người nông dân chăm chỉ trên cánh đồng đến những ngư dân vượt gió rẽ sóng bám biển và tất cả mọi người đều đã làm tốt bổn phận bản thân. Cuộc sống vốn không phức tạp như ta thường nghĩ. Việc học tập lời Bác dạy cũng không có gì phải lớn chuyện, xa xôi. Chỉ là hãy sống tốt cuộc sống của mình, làm tốt công việc của mình, là đủ!

Dù trăm công nghìn việc, dù phải dành thời gian cho nhiều nhiệm vụ lớn lao của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên một địa phương nhỏ bé, gian nan thắt thẻo giữa miền Trung. Ngày về với Quảng Bình năm 1957, Người nói: “… Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có…”. Phải quan tâm lắm, thông tuệ lắm và có tầm nhìn sâu rộng lắm, Bác mới có đánh giá rất bất ngờ và mãi tươi mới về quê hương Quảng Bình như vậy vào thời điểm ấy. Nhìn về mặt tổng thể, Quảng Bình là một Việt Nam thu nhỏ với địa hình, địa vật đa dạng, phong phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng.

Quảng Bình còn có thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có, đó là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với hệ thống hang động hoành tráng và kỳ vĩ bậc nhất thế giới. Hôm nay, điều Người từng nhắc đến đang được khai thác hiệu quả, cùng với nghề ruộng, nghề biển, nghề rừng, Quảng Bình tập trung khai thác, phát triển du lịch, góp phần quan trọng tạo nên thế đứng vững chãi cho nền kinh tế, thu hút hàng nghìn lao động, mở ra cơ hội lớn quảng bá hình ảnh, văn hóa, quê hương và con người tới bạn bè trong nước và quốc tế, đúng như mong ước của Bác 67 năm trước “… nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.

67 năm, quê hương Quảng Bình đã trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, tình hình mọi mặt theo đó cũng có nhiều đổi thay, lời Bác dặn ngày về năm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn là đường lối chiến lược nhất quán trong hành trình phát triển của Quảng Bình. Vinh dự là một trong số ít địa phương được đón Bác Hồ về thăm, được Người dành cho những lời dặn dò sâu nặng ân tình và ý nghĩa, là món quà vô giá cho tất cả và với mỗi người.

Năm 2024, quê hương Quảng Bình kỷ niệm 35 năm trở về địa giới cũ. Những đổi thay ngoạn mục trên mọi phương diện của Quảng Bình hôm nay chính là bản báo công rộn rã của nhân dân kính dâng lên Bác cho cả 67 năm làm theo lời Người-Bản báo công không có dấu chấm hết, bởi lời Người dành cho cả mai sau.

Tùy bút của

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202406/loi-nguoi-danh-cho-ca-mai-sau-2218821/