Lợi thế thuế quan vượt trội, xuất khẩu sẽ tăng mạnh, GDP dự báo tăng tới 8%?

Các thông tin thuế quan gần đây đang có nhiều điểm lợi cho kinh tế Việt Nam, khi mức thuế chênh lệch của chúng ta với một số đối thủ cạnh tranh ở một số sản phẩm có thể lên đến 30%...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính của Techcombank trong cập nhật về thuế quan của Mỹ đã nhấn mạnh rằng gần như nghiêng hoàn toàn về kịch bản lạc quan với mức kì vọng tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7,68% và không loại trừ đạt 8% trong năm nay.

Theo nhóm phân tích, mức áp thuế nhập khẩu 20% - 40% của Mỹ lên Việt Nam đã và đang dần được làm rõ hơn.

Với mức thuế 20%-40% của Việt Nam, theo như buổi phỏng vấn diễn ra vào ngày hôm qua 8/7 của đài CNBC Mỹ với Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent, ông đã xác nhận mức thuế 20% của Việt Nam là mức tổng thay vì là mức cộng thêm.

Ví dụ mặt hàng quần áo may mặc (HS code 61) đang chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đến Mỹ là khoảng 14% trước 9/4, từ 9/4 đến nay mức thuế cho mặt hàng này là 24% (do cộng thêm 10% thuế đối ứng) và mức thuế mới nhất đã đàm phán thành công, có thể sẽ được áp dụng chỉ là 20%.

Mặc dù vậy, chỉ dựa trên những thông tin được viết trên mạng xã hội của Tổng thống Trump hay kể cả những lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mà chưa có con số cuối cùng chính thức từ các cơ quan Hải quan Việt Nam và Mỹ, thì có lẽ chúng ta vẫn cần đợi thêm để có được sự khẳng định rõ ràng cho điểm tích cực này.

Ngoài thông tin trên, hàng loạt các nước đối thủ của Việt Nam phải chịu mức thuế từ 1/8 như Malaysia (40%), Indonesia (32%), Bangladesh (35%), Thailand (36%), hay kể cả hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu mức 25%. Điểm quan trọng cần chú ý ở đây là trong văn bản trên website của Nhà Trắng nêu rõ đây là mức thuế Đối Ứng mới, tức đây sẽ là mức cộng thêm với mức thuế đã có sẵn trước ngày 9/4.

Lấy ví dụ cùng là mặt hàng may mặc HS code 61 như ở trên, Bangladesh cũng chịu một mức thuế MFN khoảng 14% giống Việt Nam, tuy nhiên điểm rất khác ở mức thuế mới này là trong khi Việt Nam sẽ chỉ chịu mức mới là 20%, thì mặt hàng này của Bangladesh có thể sẽ phải chịu lên đến 49% (do 14% thuế MFN + 35% thuế đối ứng).

Với việc chênh lệch lớn thế này, có thể kỳ vọng cho một sự chuyển dịch về đơn hàng xuất khẩu, hay thậm chí dòng vốn FDI trong thời gian tới vào Việt Nam và có thể còn mạnh mẽ hơn cả thời kỳ 2018-2019 khi chỉ có Trung Quốc chịu tác động từ Mỹ, còn bây giờ là cả những đối thủ trực tiếp khác.

Các thông tin tích cực trên một lần nữa thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong 3 tháng vừa qua, đã và đang mang lại vô cùng nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Sự chủ động của Chính phủ đã giúp cho thuế quan của Việt Nam ở mức gần như thấp nhất trong tất cả các quốc gia mà Mỹ đã, và sẽ áp dụng trong thời gian tới.

Một số dấu hiệu như đà tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu trong tháng 6 thấp hơn so với tháng 5, hay chỉ số nhà quản trị mua hàng báo hiệu rằng có thể sẽ ít đơn hàng trong thời gian tới, cho thấy một số hoạt động của nền kinh tế đã chậm lại.

Mặc dù vậy, với những thông tin tích cực nêu trên, bộ phận phân tích của Techcombank đang gần như nghiêng hoàn toàn về kịch bản lạc quan cho kinh tế Việt Nam. Thậm chí, tiếp tục nâng dự báo cho tăng trưởng xuất khẩu năm nay lên khoảng 14%-16%, mức tăng của FDI giải ngân sẽ duy trì trong vùng 8%-10% và tăng trưởng GDP cả năm 2025 lên 7,68% không ngoại trừ khả năng, có thể đạt/vượt mức 8% mục tiêu của Chính phủ.

Sự điều chỉnh này đến từ (i) thông tin tích cực thương mại như đã nói ở trên, (ii) tốc độ giải ngân đầu tư công tăng mạnh trong thời gian gần đây, (iii) tăng trưởng GDP quý 2 cao vượt kỳ vọng và (iv) chính sách tiền tệ được điều hành hợp lý bởi Ngân hàng Nhà nước như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, cho phép dư địa tăng trưởng tín dụng.

Đối với các chỉ số thị trường, Techcombank kỳ vọng tỷ giá USDVND sẽ đạt đỉnh trong quý 3 và xu hướng giảm dần về cuối năm. Các lý do bao gồm: dù cho thông tin tích cực về thuế quan có thể khiến đẩy mạnh nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng đơn hàng trong tương lai, tuy nhiên, đầu tư trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp nước ngoài có thể gia tăng, việc chuyển lợi nhuận về nước có thể ít đi để tập trung tái đầu tư tại Việt Nam.

Với tình hình kinh tế trong nước ổn định, kiều hối được kỳ vọng sẽ về nhiều hơn và có thể sớm hơn trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, vẫn cần cẩn trọng trước sự thay đổi liên tục của Chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề thương mại và sự khó đoán từ sức mạnh của USD trên thế giới.

Với sự dịch chuyển dần về hướng kịch bản lạc quan hơn, TCB cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ có thể tăng nhẹ, dù vậy, mức tăng sẽ không đáng kể và mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ Covid-19.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/loi-the-thue-quan-vuot-troi-xuat-khau-se-tang-manh-gdp-du-bao-tang-toi-8.htm