Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Minh bạch để Việt Nam không lọt 'sách Đen FATF'
Cải cách Luật Doanh nghiệp nhằm siết kỷ cương pháp lý, minh bạch sở hữu doanh nghiệp và gìn giữ uy tín kinh tế quốc gia.
Tại phiên họp toàn thể Quốc hội khóa XV sáng 9/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, dự luật lần này còn mang trong mình sức nặng từ cảnh báo của các tổ chức quốc tế: nếu Việt Nam không hành động kịp thời, nguy cơ bị đưa vào Danh sách Đen FATF là hiện hữu, đồng nghĩa với việc đánh mất niềm tin thị trường toàn cầu.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: VPQH
Tác động của việc bị xếp vào nhóm quốc gia “rủi ro cao” không chỉ dừng lại ở tổn thất uy tín. Theo nghiên cứu của IMF, mỗi quốc gia khi rơi vào Danh sách Giám sát tăng cường sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm đầu tư nước ngoài lên tới 7,6% GDP. Với quy mô kinh tế Việt Nam hiện nay, tổn thất có thể lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, chưa kể đến chi phí bị đội lên trong giao dịch tài chính quốc tế, ngân hàng bị giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp mất cơ hội mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Dự thảo Luật lần này được trình theo trình tự rút gọn. Đó là cách Chính phủ thể hiện cam kết chính trị rõ ràng trong việc giải quyết điểm nghẽn thể chế và bảo vệ vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Không thể chậm trễ thêm nữa.
Minh bạch hóa doanh nghiệp
Một trong những điểm mấu chốt được sửa đổi trong dự luật là bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp. Khái niệm này không phải mới trên thế giới nhưng vẫn còn thiếu vắng trong hành lang pháp lý Việt Nam. Sự mập mờ trong sở hữu thực chất là mảnh đất màu mỡ để các hành vi như rửa tiền, lách thuế, chuyển giá, lừa đảo tài chính... nảy sinh.
Theo trình bày của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật yêu cầu mọi doanh nghiệp phải kê khai, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và chia sẻ dữ liệu này với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là bước đi quyết liệt nhưng cần thiết để minh bạch hóa thị trường, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo Việt Nam thực thi đúng cam kết quốc tế với FATF và các tổ chức tài chính toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trong báo cáo thẩm tra cũng khẳng định rõ: Nếu không quy định nội dung này, chi phí tuân thủ có thể tăng, nhưng thiệt hại quốc gia sẽ còn lớn hơn gấp bội nếu bị đưa vào Danh sách Đen. Đầu tư giảm sút, doanh nghiệp mất quyền tiếp cận vốn, ngân hàng bị siết chặt hoạt động xuyên biên giới… là kịch bản không viển vông.

Phiên họp sáng ngày 9/5. Ảnh: VPQH
Không chỉ vậy, sửa luật lần này còn bao hàm việc gỡ bỏ những quy định đã lỗi thời như việc sử dụng chứng minh thư nhân dân trong đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu lý lịch tư pháp, hay định danh bằng tài khoản đăng ký kinh doanh cũ. Thay vào đó, hệ thống quản lý hiện đại sẽ tích hợp với nền tảng dữ liệu quốc gia, đồng bộ hóa quản trị theo hướng số hóa và minh bạch hóa.
Sửa luật để giữ kỷ cương thị trường
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, không ít vụ việc gây chấn động đã xảy ra từ những doanh nghiệp “ma” được lập ra với vốn ảo, dùng pháp nhân để mua bán hóa đơn, lừa đảo đầu tư, phát hành trái phiếu trái quy định, hoặc “núp bóng” để thâu tóm các doanh nghiệp có vốn chi phối. Đây không còn là những trường hợp cá biệt mà đã trở thành lỗ hổng thể chế.
Dự luật lần này đã nhận diện và “điểm mặt chỉ tên” các hành vi như kê khai vốn ảo, góp vốn khống, không góp đủ vốn điều lệ… Đồng thời, quy định rõ hơn về trách nhiệm của cổ đông, nhóm cổ đông khi triệu tập Đại hội đồng cổ đông, phát hành trái phiếu riêng lẻ, góp phần tăng tính trách nhiệm và tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dự luật cũng cho phép viên chức trong các trường đại học công lập được tham gia góp vốn, điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện tư duy cởi mở và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Nghị quyết 193/2025/QH15, để tránh trùng lặp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
3 cải cách chính trong dự luật: Bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi để phòng chống rửa tiền, bảo vệ niềm tin thị trường; xóa bỏ thủ tục lỗi thời, đơn giản hóa quá trình gia nhập và rút lui khỏi thị trường; siết kỷ cương về quản trị, phát hành trái phiếu và góp vốn doanh nghiệp.