Luật Thủ đô sửa đổi: Cần phân quyền mạnh hơn trong tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là trao quyền cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy Thủ đô phát triển, dự thảo Luật cần mạnh dạn hơn nữa trong trao quyền cho thành phố.
Các chuyên gia đánh giá, dự thảo đã thể hiện được các yêu cầu về phân quyền trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ của Thủ đô. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Ngọc Bích, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ thêm một số nội dung về vấn đề này.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, theo dự thảo chính quyền Hà Nội được xác định gồm ba cấp: cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, không tổ chức HĐND quận, phường giúp cho tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách hơn. Vì thế, Luật Thủ đô sửa đổi cần “mạnh dạn” xác định mô hình tổ chức chính quyền trong đó không tổ chức HĐND tại quận và phường. Khi không tổ chức HĐND ở quận thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận sẽ do HĐND TP. Hà Nội; UBND, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và UBND, Chủ tịch UBND quận thực hiện.
Hơn nữa, quy định về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội chỉ có những quy định về chính quyền đô thị mà không có quy định về chính quyền nông thôn là chưa bảo đảm toàn diện, thống nhất. Để bảo đảm toàn diện, tại Điều 9 dự thảo nên bổ sung quy định: “Chính quyền tại huyện, xã, thị trấn được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tại huyện, xã, thị trấn theo các quy định tương ứng của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và theo sự phân cấp, ủy quyền của HĐND, UBND TP. Hà Nội”, TS. Ngọc nói.
Cũng theo TS. Ngọc, việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị mới, ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển. Tuy nhiên, với các quy định như trong dự thảo thì chưa phản ánh được nét riêng đặc thù này. Chính vì vậy, HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa.
Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP. Hà Nội theo Điều 10 đang được dự thảo theo hai phương án. Nếu lựa chọn phương án 1: "Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã" thì HĐND chỉ được quyết định cơ quan chuyên môn về hai lĩnh vực. Nếu trong quá trình phát triển có lĩnh vực mới nảy sinh thì quy định này sẽ không còn đáp ứng được.
Còn phương án 2: "Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã" nếu lựa chọn sẽ thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố trong tổ chức bộ máy. Đồng thời, dễ thích ứng với sự thay đổi của tình hình thực tế hơn.
Cho phép thành phố được chủ động
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) đề nghị cần tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND. Đồng thời, cho phép thành phố được chủ động trong việc giao biên chế đủ đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước.
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh đề nghị cần điều chỉnh để tăng thẩm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, ngân sách và quản lý vốn đầu tư; Chủ động hơn trong quản lý việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và số tiền thu được từ bán tài sản trên đất. Ngoài ra, cần tăng tính chủ động của thành phố trong tạo nguồn vốn để đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn. Từ đó, phát huy vai trò chủ động trong việc thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư các dự án trên địa bàn theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND TP. Hà Nội và HĐND, UBND thuộc TP. Hà Nội, PGS. Trần Thị Diệu Oanh đề nghị.
PGS. Trần Thị Diệu Oanh cũng cho rằng, các quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở, nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm đồng bộ với các quy định hiện hành.
Đồng thời, cần quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ quan hành chính Nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Đi cùng với vấn đề ủy quyền là nhiều điều kiện, trong đó có thể kể đến điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện việc này để khả thi trong thực tiễn.