Lượng khí thải methane thực tế cao hơn 80% so với số liệu báo cáo chính thức

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố bản cập nhật hàng năm cho thấy lượng khí thải methane - một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu - vẫn ở mức cao trên toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố bản cập nhật hàng năm cho thấy lượng khí thải methane - một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu - vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù công nghệ cắt giảm loại khí này, đặc biệt trong ngành dầu khí, hiện đã có sẵn.

Ông Tomás Bredariol, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng và môi trường tại IEA, nhận định: “Vì methane là một loại khí nhà kính mạnh, việc cắt giảm khí này là tối quan trọng trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Methane có khả năng giữ nhiệt cao gấp khoảng 80 lần so với carbon dioxide, mặc dù chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ. Nồng độ khí methane trong khí quyển đã tăng gấp đôi trong 2 thế kỷ qua, chủ yếu do các hoạt động của con người.

Theo báo cáo mới công bố ngày 7/5 từ Global Methane Tracker, lượng khí thải methane từ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn ở mức khoảng 120 triệu tấn mỗi năm - ngang với mức đỉnh từ năm 2019, bất chấp nhiều cam kết toàn cầu về giảm phát thải.

Theo ông Bredariol, nếu xem xét các xu hướng hiện tại và nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, các hành động mạnh mẽ nhằm giảm phát thải methane có thể giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 0,1 độ C vào năm 2050.

Dù con số này nghe có vẻ nhỏ, nhưng trên thực tế, đây là mức giảm đáng kể – tương đương với việc loại bỏ toàn bộ lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp nặng toàn cầu như thép, sắt và hóa chất.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng nhiều quốc gia vẫn chưa triển khai các chính sách đủ mạnh để giảm phát thải methane.

Theo IEA, chỉ khoảng 5% sản lượng dầu khí toàn cầu đáp ứng tiêu chuẩn phát thải khí methane ròng bằng 0.

Tại Canada, nơi được đánh giá là "một trong những khu vực pháp lý hàng đầu" về kiểm soát methane, các nỗ lực đang được tăng cường.

Bà Janetta McKenzie, Giám đốc chương trình dầu khí tại Viện Pembina, nhấn mạnh: “Nếu Canada dẫn đầu trong việc giảm phát thải methane từ ngành dầu khí, nền kinh tế nước này cũng sẽ hưởng lợi.”

Canada có thế mạnh về công nghệ và chuyên môn - những thứ có thể trở thành giải pháp xuất khẩu cho thế giới.

Canada hiện đặt mục tiêu giảm 75% lượng khí thải methane từ ngành dầu khí vào năm 2030 so với mức năm 2012 – một mục tiêu tham vọng hơn cả cam kết methane toàn cầu, được công bố vào năm 2021, trong đó Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane so với mức năm 2020.

Bà McKenzie cho biết Canada đang hoàn thiện các quy định bổ sung để hỗ trợ đạt mục tiêu cắt giảm này và kêu gọi chính phủ sớm ban hành chính thức các quy tắc mới.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp hiện là nguồn phát thải methane lớn nhất do con người gây ra, tiếp theo là ngành nhiên liệu hóa thạch - lĩnh vực được cho là dễ giảm phát thải nhất.

Ông Bredariol khẳng định: “Không cần đột phá công nghệ để thực hiện điều này. Khoảng 70% lượng phát thải methane từ ngành năng lượng có thể được cắt giảm bằng các công nghệ đã được triển khai thành công ở nhiều nơi trên thế giới."

Phần lớn khí methane bị rò rỉ từ các cơ sở sản xuất dầu khí, đường ống, nhà ga và các cơ sở hạ tầng năng lượng khác. Các giải pháp kỹ thuật bao gồm việc bịt kín các điểm rò rỉ tại đường ống, van, bồn chứa và thiết bị.

Tuy nhiên, việc phát hiện rò rỉ không dễ dàng, vì methane là loại khí không màu, không mùi.

IEA ước tính lượng khí thải methane thực tế trên toàn cầu cao hơn khoảng 80% so với các số liệu được các quốc gia báo cáo chính thức trong các báo cáo phát thải khí nhà kính thường niên.

Báo cáo của IEA được công bố trong bối cảnh Mỹ - quốc gia phát thải methane lớn thứ hai thế giới - đang xem xét lại các quy định liên quan dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Các nước phát thải lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đến nay vẫn chưa tham gia cam kết methane toàn cầu, khiến triển vọng giảm phát thải khí này trên phạm vi toàn thế giới trở nên mù mịt.

Là thành phần chính của khí đốt tự nhiên, methane đóng vai trò lớn trong an ninh năng lượng. Báo cáo của IEA ước tính rằng việc cắt giảm khí methane có thể giải phóng thêm khoảng 100 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương tổng lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng năm của Canada.

Bà McKenzie nhận định rằng việc Canada tiếp tục thúc đẩy kiểm soát methane cũng mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.

Liên minh châu Âu đang có kế hoạch áp dụng các tiêu chuẩn phát thải methane đối với khí đốt nhập khẩu, và Nhật Bản cùng Hàn Quốc cũng đang xem xét các quy định tương tự.

Do đó, bà cho rằng hành động sớm của Canada sẽ giúp nước này duy trì lợi thế cạnh tranh khi mở rộng xuất khẩu khí đốt sang các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là châu Âu và châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luong-khi-thai-methane-thuc-te-cao-hon-80-so-voi-so-lieu-bao-cao-chinh-thuc-post1037522.vnp