Lưu giữ hồn quê Việt

Trong tiết trời vừa chớm Thu, chúng tôi tìm về Bảo tàng Đồng Quê nằm trên địa bàn xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đắm mình trong không gian yên bình của làng quê, được sống lại ký ức tuổi thơ, ký ức của một thời cha ông lam lũ và để lắng nghe băn khoăn, trăn trở của những người người sáng lập Bảo tàng. Đó chính là mong muốn sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương để duy trì, phát triển hoạt động của Bảo tàng Đồng Quê chuyên nghiệp, bài bản hơn, phát huy tối đa giá trị văn hóa để trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều thế hệ.

Từ tâm thư của một cử tri lão thành

Cuộc hẹn với Bảo tàng Đồng Quê diễn ra thật bất ngờ và đặc biệt: xuất phát từ một bức tâm thư của một vị cử tri lão thành. Trong thư, cụ Trần Anh Kim (80 tuổi) hiện đang sinh sống tại TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) đã giới thiệu về một “bảo tàng đặc biệt” - nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về Quân đội Nhân dân Việt Nam và hàng nghìn hiện vật tái hiện lại đời sống người nông dân vùng nông thôn Bắc Bộ qua nhiều thời kỳ; cụ Trần Anh Kim bày tỏ mong muốn, Bảo tàng Đồng Quê sẽ được nhiều độc giả biết đến. “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/Để cho con cháu mãi ngàn sau”, hai câu thơ này cũng là tâm tư, nguyện vọng của cụ Trần Anh Kim gửi đến cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định, mong nhận được sự quan tâm hơn nữa để bảo tàng thực sự trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của nhiều thế hệ.

Bảo tàng Đồng Quê hiện đang lưu giữ hơn 10.000 hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử. Ảnh: Đào Cảnh

Bảo tàng Đồng Quê hiện đang lưu giữ hơn 10.000 hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử. Ảnh: Đào Cảnh

Từ bức tâm thư, chúng tôi vượt hàng trăm kilomet từ Hà Nội về bảo tàng và được mục sở thị những hiện vật quý báu cùng nét văn hóa truyền thống ở Bảo tàng Đồng Quê. Vừa đặt chân tới đây, một khung cảnh nhà ở nông thôn vùng Bắc Bộ hiện ra; bước qua cánh cổng được thiết kế theo kiến trúc “tam quan, tứ trụ” là khuôn viên bình yên với hàng rào râm bụt bao quanh vườn cây, ao cá. Phía sâu bên trong, quanh chiếc sân rộng rãi, thoáng mát là căn nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ trong thời kỳ cải cách ruộng đất đã được phục dựng. Thiết kế bên trong và bên ngoài của từng kiểu nhà rất tỉ mỉ với “nội thất” đơn sơ, gợi nhớ những ký ức tuổi thơ. Các dụng cụ lao động được trưng bày trong những khu vườn với rất nhiều cây trồng quen thuộc với làng quê, như: cây sắn, cây chay, cây dành dành, hàng tre, luống rau thơm, cây khế… Tất cả tạo nên một không gian rất đỗi thân thuộc, yên bình.

Cụ Trần Anh Kim dường như đã là vị “khách quen” của bảo tàng và bỗng chốc trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp! Theo chân cụ, chúng tôi bắt đầu tham quan ngôi nhà 4 tầng ở chính giữa - điểm nhấn chủ đạo, nơi trưng bày các hiện vật đồng quê tiêu biểu của bảo tàng. Trong đó, tầng 1 là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu quý về Quân đội Nhân dân Việt Nam, điển hình là các chủ đề về Đường Trường Sơn - Biên giới phía Nam - Trường Sa - Công binh Việt Nam. Tầng 2 và tầng 3 được trưng bày hàng nghìn hiện vật liên quan đến đời sống, sản xuất, phong tục, tập quán của người dân nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, như: bộ sưu tập về các nông cụ làm đất, chăm sóc lúa, thu hoạch, chế biến lúa; công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối; bộ sưu tập các loại tiền xu theo thời kỳ, tiền giấy Đông Dương… Còn tầng 4 là thư viện mini gồm hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ năm 1945 mà nhiều thư viện khác không có.

Khi chúng tôi tham quan bảo tàng cũng là lúc “Chương trình trải nghiệm, khám phá Bảo tàng Đồng Quê” của Trung tâm ngoại ngữ Sunflower đang diễn ra thật náo nhiệt. Các bạn học sinh lứa tuổi tiểu học rất hào hứng khi được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về từng hiện vật ở bảo tàng; cô Thân Thị Thúy chia sẻ: Bảo tàng Đồng Quê đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với trung tâm trong nhiều năm qua. Đến đây, các bạn học viên, giảng viên trong nước và nước ngoài được tìm hiểu, khám phá không gian văn hóa đồng quê của Việt Nam để từ đó có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết hơn về lịch sử. Có những đồ vật, những loài cây, những câu chuyện các bạn chưa bao giờ được biết đến nên rất hứng thú. Bên cạnh đó, trong không gian rộng rãi, thoáng đãng các bạn nhỏ được tham gia các hoạt động như chơi các trò chơi dân gian, làm bánh trôi, bánh chay, làm các món ăn truyền thống,… Mỗi lần đến bảo tàng thực sự là một lần trải nghiệm đáng nhớ.

Đến sứ mệnh gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống

Tạm dừng chân bên bàn trà nhỏ, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng cụ Trần Anh Kim, Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Quê Hoàng Văn Khánh; Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng và một số cán bộ huyện Giao Thủy. Qua cuộc trò chuyện chúng tôi được biết đến vợ chồng Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Kiền - Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ là nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã sáng lập nên Bảo tàng Đồng Quê.

Câu chuyện từ những ngày đầu vượt khó để thành lập Bảo tàng của vợ chồng ông Kiền, bà Khiếu thật đáng trân trọng. Họ đều sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên thấu hiểu những vất vả, lam lũ người nông dân chân lấm tay bùn phải trải qua và trân quý cuộc sống của miền quê Bắc Bộ. Chứng kiến những vật dụng từng gắn bó với cuộc sống của người nông dân dần bị biến mất theo thời gian, ông bà cảm thấy tiếc nuối và lên ý tưởng thành lập một nơi lưu giữ những hình ảnh truyền thống cho các thế hệ sau.

Ông bà bắt đầu sưu tầm, phục chế, bỏ tiền túi mua lại những đồ truyền thống quý giá từ rất nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam. Năm 2011, sau khi được chính quyền huyện Giao Thủy ủng hộ, cho thuê 6.000m2 đất, ông bà xây dựng bảo tàng và đến năm 2013, bảo tàng chính thức mở cửa đón khách đến tham quan. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng Quê đầu tiên ở Việt Nam.

Đến nay, sau 10 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Đồng Quê hiện có hơn 10.000 hiện vật; đã đón hơn 250.000 lượt khách trên mọi miền đất nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Bình quân mỗi tháng, bảo tàng đón tiếp 2.000 lượt khách, có ngày cao điểm lên đến 500 lượt khách. Khách đến tham quan bao gồm mọi thành phần nhưng nhiều nhất là học sinh, sinh viên, bộ đội, cựu chiến binh.

Trong suốt cuộc trò chuyện, những người có mặt đều ghi nhận, ngợi ca tấm lòng, công lao to lớn của vợ chồng ông Kiền, bà Khiếu. Nhẽ ra ở độ tuổi nghỉ hưu, họ có thể an nhàn tận hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng họ lại bỏ rất nhiều công sức để làm những việc có ý nghĩa đối với cộng đồng, có giá trị văn hóa, lịch sử lâu bền, đóng góp cho quê hương. Qua lời kể của cụ Trần Anh Kim và ông Hoàng Văn Khánh chúng tôi được biết, điều khiến cặp vợ chồng quân nhân - nhà giáo hạnh phúc nhất chính là từ khi bảo tàng được thành lập đến nay, ngoài du khách đến tham quan, đã có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung chí hướng đem những kỷ vật, đồ vật cổ đến để đóng góp cho bảo tàng, làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật quý.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của ông Kiền, bà Khiếu là khi ông bà tuổi cao thì việc duy trì, bảo tồn phát triển Bảo tàng Đồng Quê sẽ như thế nào? Hai ông bà rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định để Bảo tàng Đồng Quê hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn, phát huy tối đa giá trị văn hóa, ý nghĩa thiết thực để trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều thế hệ.

Chia sẻ về Bảo tàng Đồng Quê, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt; việc bảo tồn, trưng bày các hiện vật có ý nghĩa trong tuyên truyền, giới thiệu cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, mảnh đất, con người, quê hương vùng đất ven biển Giao Thủy nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Những hiện vật ở Bảo tàng Đồng Quê đã trở thành những di sản văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, nhân văn. Đây còn là thiết chế văn hóa quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

“Những năm gần đây, Bảo tàng Đồng Quê đã kết nối du lịch với Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh... để phát triển hệ thống du lịch và hệ thống thư viện của bảo tàng. Trong Đề án phát triển du lịch của huyện Giao Thủy, Bảo tàng Đồng Quê cũng nằm trong quy hoạch phát triển và kết nối với các điểm du lịch của tỉnh” - ông Tùng nhấn mạnh.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/luu-giu-hon-que-viet-i341717/