Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường

Những năm qua, việc khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, mà còn mở ra hướng để phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho người dân ở xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc).

Những năm qua, việc khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, mà còn mở ra hướng để phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho người dân ở xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc).

Người dân xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường.

Xóm Cóm có trên 150 hộ, hầu hết là bà con dân tộc Mường. Bản Mường không còn nhiều nếp nhà sàn truyền thống nhưng đồng bào vẫn đang miệt mài lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2017, xóm được công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nay đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm truyền thống xã Đông Lai. Chúng tôi đến thăm HTX vào một buổi sáng đầu tháng 6/2024 khi các bà trong xóm đang hăng say bên khung cửi. Bà Bùi Thị Tuổm (74 tuổi) là một trong hai người cao tuổi nhất tham gia dệt thổ cẩm tại HTX. Cụ Tuổm kể rằng, xưa người con gái Mường khi 10 tuổi đã bắt đầu học dệt thổ cẩm; độ 15, 16 tuổi đã dệt thành thạo. Dệt thổ cẩm có ý nghĩa rất quan trọng với người Mường nên hầu như nhà nào cũng trồng bông, dệt vải, trong mỗi nếp nhà đều có một khung cửi. Nhưng khi cuộc sống đủ đầy hơn, các sản phẩm quần áo may sẵn phổ biến thì nghề dệt dần mai một.

Bẵng đi hơn chục năm không động vào khung cửi, từ khi được công nhận làng nghề, rồi thành lập HTX, bà Tuổm và bà con xóm Cóm đang từng ngày khôi phục lại nghề dệt truyền thống. "Hàng ngày, chúng tôi tập trung dệt vải vừa để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, vừa luyện tập sức khỏe, lại có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình” - bà Tuổm chia sẻ.

Trong HTX, bà Bùi Thị Mỉa là một trong những người đảm nhiệm khâu bán hàng. Theo bà Mỉa, từ khi khôi phục làng nghề, bà con chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài các sản phẩm truyền thống được dệt từ vải bông như chân váy, cạp váy, khăn còn có túi, mũ… Tuy nhiên, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn vì chưa có liên kết hay các đầu mối. Do đó, HTX mang sản phẩm đến các lễ hội để giới thiệu, tiêu thụ, còn kênh bán hàng chủ yếu là tại các chợ phiên. Việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn nên HTX hoạt động cầm chừng, chủ yếu là các bà, các cụ tham gia dệt. Nếu đầu ra thuận lợi sẽ đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân, nhất là người cao tuổi nhàn rỗi.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm truyền thống xã Đông Lai cho biết: Việc khôi phục nghề dệt có ý nghĩa lớn trong bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mường, tạo sinh kế cho người dân. Thực tế, nếu bà con dệt liên tục có thể thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Để đa dạng sản phẩm, HTX đã trồng dâu, nuôi tằm để lấy sợi dệt. Song hiện còn nhiều khó khăn do chưa có trụ sở làm việc, chưa có xưởng để sơ chế tằm. HTX phải đem kén vào tỉnh Thanh Hóa để kéo thành sợi. Vì vậy, HTX mong được hỗ trợ vốn, xây dựng nhà xưởng, liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/190241/luu-giu-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-cua-nguoi-muong.htm