Lưu ý tập luyện cho người bệnh lupus ban đỏ
Tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho người bệnh lupus ban đỏ. Để đảm bảo tập luyện đúng cách, người bệnh cần lưu ý một số điều sau...
1. Tập luyện mang lại lợi ích gì cho người bệnh lupus ban đỏ?
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như da, cơ xương khớp, thận, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh... Do đó, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần chú ý đến dinh dưỡng, thay đổi lối sống nhằm kiểm soát tốt bệnh lupus.
Để có thể trạng tốt, cùng tinh thần phấn chấn, lạc quan, người bệnh lupus ban đỏ nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn tăng cường đề kháng cho cơ thể. Tùy theo từng tình trạng sức khỏe của mỗi người, có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp.
Tập luyện thể dục không chỉ giúp tăng thể lực mà còn có tác dụng giảm mệt mỏi, giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc chính là yếu tố quyết định để bạn chiến thắng bệnh tật và đối với lupus ban đỏ cũng vậy. Nếu lạc quan thì chắc chắn việc ức chế tình trạng bệnh trong cơ thể sẽ dễ dàng hơn.
Có nhiều dạng bài tập khác nhau để người bệnh lupus ban đỏ lựa chọn. Hình thức tập luyện phù hợp nhất là bộ môn dựa trên thể trạng, mức độ triệu chứng bệnh và sở thích của mỗi người. Nếu không chắc chắn bài tập nào phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện.
2. Người bệnh lupus ban đỏ nên tập luyện thế nào?
Cố gắng kết hợp nhiều hình thức tập luyện khác nhau vì một số bài tập có thể giúp tăng tính linh hoạt, trong khi nhiều bài tập chuyển động giúp duy trì hoặc cải thiện tính linh hoạt của khớp và các cơ lân cận, sẽ giúp giữ cho các khớp vận động bình thường và giảm bớt tình trạng cứng khớp. Tập thể dục còn giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp, cung cấp sự ổn định cho khớp và cải thiện khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
- Thể dục nhịp điệu (chẳng hạn như đi bộ, bơi lội và đạp xe) sẽ giúp cải thiện sức khỏe của tim, phổi và cũng có thể giúp tăng sức bền, kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác như bệnh đái tháo đường.
- Các bài tập yoga, thiền giúp người tập thư giãn tâm trí, tập trung vào hơi thở. Các bài tập yoga thường có nhịp độ chậm rãi, nhẹ nhàng mà người tập có thể vừa thực hành, vừa lắng nghe cơ thể. Đây cũng là hoạt động phù hợp với người bệnh lupus ban đỏ với mục tiêu duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và khả năng vận động.
- Ngoài ra, có thể áp dụng nhiều hình thức tập thể dục có thể giúp tăng cường sức mạnh và thể chất tổng thể cùng một lúc như khiêu vũ, bơi lội, tập thể dục dưới nước, thái cực quyền... Tốt nhất nên lựa chọn bài tập mà người bệnh yêu thích và kiên nhẫn thực hiện.
3. Những lưu ý giúp người bệnh lupus ban đỏ tập thể dục an toàn
Đôi khi người bệnh lupus ban đỏ có thể khó vận động do cảm giác đau. Khi các khớp bị viêm, nóng hoặc đau cần được nghỉ ngơi, nhưng vận động quá ít có thể gây yếu cơ, đau và cứng khớp. Do đó, tìm sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập thể dục là điều rất quan trọng.
Trong quá trình tập luyện, cần tuân thủ các lưu ý sau:
- Không vận động khớp bị đau, thay vào đó, nhẹ nhàng di chuyển khớp trong phạm vi chuyển động của nó để giúp giảm cứng và cải thiện tuần hoàn.
- Bắt đầu nhẹ nhàng và tăng cường độ tập luyện dần dần trong nhiều tuần hoặc vài tháng.
- Làm ấm cơ thể trước khi tập và hạ nhiệt sau khi tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng.
- Chú ý đến kỹ thuật tốt và cố gắng di chuyển nhịp nhàng, không ép khớp quá phạm vi cử động thoải mái.
- Không tập quá sức, cần điều chỉnh cường độ tập đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dừng tập khi có bất kỳ triệu chứng nào đặc biệt.
- Chú ý uống nhiều nước trong và sau khi tập thể dục.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, đảm bảo an toàn, thoải mái trong quá trình tập.