Mê đắm phong vị ẩm thực Hà thành
Hà Nội có nhiều quán ăn trải từ ngõ xóm cho tới những con phố lớn. Đặc biệt, những món ăn ngon thường gắn với địa danh và được coi là 'biểu tượng' ẩm thực của Hà thành như phở Lò Đúc, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh, chả cá Lã Vọng, cốm Làng Vòng,...
Ẩm thực Hà Nội có nhiều, nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình trương lên cái biển Phở Hà Nội.
Không biết phở Hà Nội có tự bao giờ, chỉ biết rằng, phở đã đi vào trang viết của rất nhiều nhà văn như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn hay Vũ Bằng,… Phở dưới những ngòi bút ấy, gần như chẳng còn ai có thể tả hay hơn nữa, và cũng chẳng cần ai phải tốn công mà viết thêm về Phở nữa vì nó đã quá đủ đầy, đã quá nổi tiếng rồi.
Thạch Lam trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” viết: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Nguyễn Tuân, nhà văn của “Vang bóng một thời” đã có một tùy bút xuất sắc về phở. Ông cho phở có một “tâm hồn”, phở là “một miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt Nam chân chính”.
Cuộc sống càng hiện đại, con người luôn sáng tạo để chế biến những món ăn ngon, hợp với văn hóa ẩm thực trong nước và thế giới nhưng món phở Hà Nội chắc chắn sẽ luôn là sự lựa chọn tin cậy đối với những người dân Hà thành và các du khách khi đặt chân đến Hà Nội.
Đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, một thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Không biết tự bao giờ, cốm làng Vòng đã quyện hòa với sắc thu Hà Nội, để trở thành nỗi nhớ của người Hà Nội lúc đi xa.
Cốm được làm từ hạt thóc non của lúa nếp hoa vàng cấy ở cánh đồng làng Vòng. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quầy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.
Nhắc đến phố cổ Hà Nội người ta không thể quên Hàng Than, con phố nhỏ có nhiều nhà hàng bánh cốm. Mỗi độ thu sang hương cốm say lòng du khách. Với những bí quyết riêng, món đặc sản này không thể thiếu trong gói quà gửi người xa xứ, cưới hỏi, giỗ chạp.
Mùa thu Hà Nội thật đẹp vừa có chút man mác của những ngọn gió se lạnh, lẫn vào hương thơm thoang thoảng của hương cốm mới, tất cả tạo nên một khung cảnh Hà Nội thật nhẹ nhàng, nên thơ như ngưng đọng lại trong dòng ký ức của người dân Hà Thành. Bánh cốm Hà Nội, một thức quà quê đong đầy tuổi thơ của mỗi người con Hà Nội, nay đã trở thành một món đặc sản nổi tiếng mà bất cứ ai đến với Thủ đô cũng đều muốn nếm thử.
Rời nội đô Hà thành, tới huyện Thường Tín để thưởng thức món bánh dày Quán Gánh. Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó.
“Dù cho chồng rẫy, vợ chê/ Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau”. Câu ca dao trên vẫn luôn được người dân Quán Gánh truyền tai nhau và coi như một phần không thể thiếu trong lịch sử lâu đời của mảnh đất Thường Tín. Có dịp ngang qua đây, ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp màu xanh của những hàng bánh dày xếp chồng lên nhau dọc bên đường làng Quán Gánh như mời gọi khách qua đường.
Bánh dày Quán Gánh có ba loại khác nhau: bánh chay, bánh ngọt và bánh mặn. Mỗi loại lại có một hương vị khác nhau rất đặc biệt. Bánh ngọt thì dẻo thơm quyện cùng nhân đỗ xanh xào đường ngọt sắc. Bánh mặn thì thơm lừng mùi hạt tiêu, béo béo của thịt ba chỉ, bùi bùi của đỗ xanh. Bánh chay thường được ăn kèm với giò hoặc chả.
Dù làng nghề làm bánh dày đã xuất hiện hàng trăm năm nay nhưng vẫn thu hút khách khắp nơi đổ về. Không chỉ là tấm bánh ăn lót dạ cho khách bộ hành lỡ đường mà nhiều gia đình ở tận nội thành Hà Nội vẫn xuống làng để đặt mua trong những dịp cưới xin hay lễ lạt. Vào mùa cưới, nhiều gia đình còn chủ ý đặt bánh dày Quán Gánh thay xôi.
Người đã từng biết đến thì hồ hởi như gặp lại người quen. Người chưa từng thử thì thận trọng nhâm nhi thưởng thức. Dù được đón nhận với cung bậc tình cảm như thế nào đi chăng nữa thì không thể phủ nhận, món ăn lạ miệng này bất kỳ ai cũng phải trầm trồ khen ngợi món ngon độc đáo, giản dị mà cũng không kém phần tinh tế của người Tràng An.
Với người Việt Nam, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay. Trên khắp mọi miền đất nước, có nhiều nơi làm giò chả, song thứ giò chả mang đậm phong vị ẩm thực Việt, chứa cả hồn xuân thì chỉ có ở Ước Lễ ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.
Nếm hương vị của giò chả Ước Lễ dù chỉ một lần cũng khó mà quên được. Vị ngầy ngậy của thịt quyện với mùi chan chát đặc trưng của lá chuối đọng lại trên lưỡi một hương vị đặc biệt khó tả. Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của thực khách, người Ước Lễ còn sáng tạo ra nhiều loại giò khác như giò bò, giò gà, giò xào, hay chả quế, chả rán... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa, chả quế. Mỗi loại giò, chả có một vị ngon khác nhau, song đều mang thi vị đậm đà của làng Ước Lễ bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, không hóa chất, lại đẹp mắt.
Nhắc đến những món ngon nổi tiếng ở Hà Nội không thể không kể đến bánh cuốn Thanh Trì, món ăn chỉ có riêng của người Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Trì không chỉ là nét văn hóa ẩm thực của người Hà thành mà còn trở thành món ngon cho mọi thực khách, từ sang trọng đến bình dân.
Không như những địa phương khác, bánh cuốn khác thường có thịt, mộc nhĩ, bánh cuốn Thanh Trì truyền thống không có nhân. Lá bánh mỏng manh thường được phết một lớp mỡ hành. Hương thơm mỡ hành quyện vào miếng bánh tráng nóng hổi thơm nức, rất kích thích khứu giác, vị giác của người thưởng thức. Bánh cuốn Thanh Trì khi ăn dẻo dai mà không bị nát. Vị ngọt bùi của gạo tẻ ngon quyện với hương thơm mỡ hành chấm một chút nước mắm pha chế khéo léo thực sự là một hương vị khó quên.
Còn rất nhiều những món ăn tinh hoa của Hà Nội không dễ gì kể hết. Với mảnh đất Thăng Long giàu truyền thống văn hóa, ẩm thực cũng mang nét đặc trưng hiếm nơi nào có được.
“Bánh cuốn Thanh Trì/bánh dày Quán Gánh/bánh đúc làng Kẻ/bánh tẻ làng Diễn/giò Chèm, nem Vẽ...”. Câu ca dao cho thấy sự phong phú của các món ăn và sự sành sỏi của người Kẻ Chợ xưa. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ẩm thực Hà thành thêm phong phú với những thức quà ở vùng văn hóa xứ Đoài.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/me-dam-phong-vi-am-thuc-ha-thanh-154132.html