Mỡ lợn 'lên ngôi': Người dùng cần biết điều này
Sử dụng mỡ lợn đang được nhiều người nội trợ chọn lựa. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nếu dùng sai cách có thể gây hại cho sức khỏe.
Mỡ lợn 'lên ngôi'
Thời gian gần đây, thông tin về dầu ăn tái chế, dầu ăn chăn nuôi bị biến thành thực phẩm cho người khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Trên các diễn đàn nội trợ, không ít người chia sẻ kinh nghiệm… quay về ăn mỡ lợn như cách để kiểm soát an toàn bữa ăn hàng ngày.
Chị Trần Quỳnh (phường Định Công, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây tôi chuyển hoàn toàn sang dầu thực vật vì nghĩ tốt cho tim mạch. Nhưng sau khi đọc nhiều thông tin về dầu giả, tôi bắt đầu mua mỡ lợn về tự rán. Ít nhất mình còn kiểm soát được nguồn gốc".

Nhiều bà nội trợ chọn cách tự mua mỡ lợn về chế biến để sử dụng.
Không chỉ chị Quỳnh, nhiều bà nội trợ khác cũng lựa chọn quay về với mỡ lợn – một phần vì tin tưởng vào sự tự tay làm ra, phần khác vì hương vị truyền thống mỡ mang lại trong các món chiên, xào.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, việc sử dụng mỡ lợn cần phải có sự hiểu biết và điều độ, bởi không phải cứ "tự chế" là an toàn tuyệt đối.
Không thể so sánh mỡ lợn với dầu thực vật
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, TS. Lê Thị Hương Giang – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện 19-8 cho biết, việc sử dụng dầu ăn tốt không chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn loại dầu phù hợp mà còn liên quan đến cách chế biến, bảo quản và liều lượng sử dụng hàng ngày.
TS. Giang cho hay, mỡ lợn, mỡ bò chứa nhiều acid béo bão hòa, nếu tiêu thụ thường xuyên và quá mức có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.


Mỡ lợn có những lợi ích nhất định, nhưng cần sử dụng hợp lý và kết hợp với chế độ ăn cân bằng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Bích Ngọc.
"Dù có thể cung cấp một số vitamin tan trong dầu như A và D, nhưng mỡ động vật không hề chứa các acid béo không bão hòa thiết yếu như omega-3, omega-6 trong khi dầu thực vật lại có. Do đó, không thể nói mỡ lợn tốt hơn dầu thực vật", TS. Giang nhấn mạnh.
Lo ngại về dầu ăn không rõ nguồn gốc là có cơ sở, song việc lựa chọn mỡ lợn như một giải pháp thay thế không nên theo trào lưu thiếu kiểm chứng. Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu chọn mua, bảo quản, chế biến và sử dụng đúng cách, đúng liều lượng.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày càng phức tạp, người tiêu dùng được khuyến cáo nên lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có kiểm định an toàn, thay vì tự "bắt bệnh" và xử lý bằng những biện pháp thiếu cơ sở khoa học.