'Mức thuế quan tuyệt đối không quan trọng bằng so sánh tương quan cùng các quốc gia cạnh tranh'

Ngành điện tử – lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức khi doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi các mức thuế quan mới từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại không nằm ở mức thuế tuyệt đối, mà là cách Hoa Kỳ thiết lập mức thuế đối với Việt Nam so với các quốc gia có năng lực cạnh tranh tương đương như Indonesia, Philippines hay Mexico.

Quang cảnh Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 - Ảnh: Mai Trang.

Quang cảnh Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 - Ảnh: Mai Trang.

Doanh nghiệp hồi hộp chờ mức thuế quan mới

Chia sẻ tại Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 diễn ra ngày 2/7, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI), cho biết, có 7 lý do cốt lõi lý giải tại sao Hoa Kỳ có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống thuế quan toàn cầu.

Đầu tiên là quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu, với tổng GDP danh nghĩa năm 2024 đạt 29.000 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Đồng thời, đồng đô la Mỹ là đồng tiền mạnh và phổ biến nhất trong thanh toán quốc tế, từ giao dịch dầu mỏ đến thanh toán thương mại điện tử. Khả năng in tiền của Mỹ không gây ra lạm phát tức thì bởi nhu cầu đô la toàn cầu luôn ở mức cao.

Tiếp đó, Hoa Kỳ nằm trong nhóm năm nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng với Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ. Sự cạnh tranh với Trung Quốc - một cường quốc mới nổi - cũng là một động lực thúc đẩy các chính sách bảo hộ kinh tế từ phía Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ sở hữu các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Apple, Microsoft, Google, Amazon, NVIDIA… là trung tâm của đổi mới sáng tạo và dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0.

Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao. Nước này là quốc gia đóng vai trò chi phối nhiều tổ chức quốc tế như IMF, World Bank, WTO... Đồng thời, Mỹ cũng là nơi đặt trụ sở của hơn 1,5 triệu tổ chức phi lợi nhuận, như USAID hay Gates Foundation, tạo ra ảnh hưởng mềm về giáo dục, y tế, nhân quyền và môi trường.

Chính sách tài chính - tiền tệ của Mỹ có tác động toàn cầu. Mỗi điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều ảnh hưởng đến các dòng vốn đầu tư và thị trường tài chính toàn thế giới. Và cuối cùng, thương hiệu quốc gia Mỹ với các giá trị tự do, sáng tạo, công bằng và công nghệ đã trở thành "quyền lực mềm" không quốc gia nào dễ dàng sánh được.

Cũng theo bà Hương, điện tử là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2024, đạt 126,7 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất (29%), trong khi Trung Quốc là nguồn cung linh kiện chủ yếu (80%).

Nếu Mỹ áp mức thuế 46% như tuyên bố ngày 2/4/2025, chi phí sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng mạnh, kéo theo giá thành cao, lợi nhuận giảm và suy giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng đối mặt với chi phí logistics tăng, thời gian giao hàng kéo dài, giảm khả năng đáp ứng kịp thời. Những ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép, gỗ... sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Các doanh nghiệp Việt còn đối diện rủi ro điều tra phòng vệ thương mại, buộc phải tìm thị trường thay thế, chịu áp lực nâng cao giá trị gia tăng, giảm lệ thuộc Trung Quốc, và có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu không đáp ứng được yêu cầu minh bạch và công nghệ.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI). Ảnh: Mai Trang.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI). Ảnh: Mai Trang.

Mức thuế quan tuyệt đối không quan trọng bằng so sánh tương quan thuế

Chia sẻ thêm với phóng viên bên lề sự kiện, bà Hương thông tin: “Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam đã đạt gần 60 tỷ USD, mức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động. Một phần nguyên nhân đến từ các đơn hàng được dồn về trong thời gian gia hạn 90 ngày trước các thay đổi về thuế quan từ Hoa Kỳ”.

“Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm, bức tranh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang rất hồi hộp chờ đợi các quy định về mức thuế quan mới. Tuy nhiên điều lo ngại nhất hiện nay không đơn thuần là mức thuế quan tuyệt đối, mà là sự tương quan của các mức thuế áp dụng cho Việt Nam so với các quốc gia có năng lực cạnh tranh tương đương như Indonesia, Philippines, Mexico hay Ấn Độ, những nước hiện đang được hưởng mức thuế thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi thế xuất khẩu của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị này nhấn mạnh.

 Mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp lên một số quốc gia cạnh tranh trong ngành điện tử với Việt Nam. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp lên một số quốc gia cạnh tranh trong ngành điện tử với Việt Nam. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Từ thời điểm 3/4 (theo giờ Việt Nam) - ngày Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 46% với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó theo từng mức thuế quan khác nhau. Ngành điện tử cũng không ngoại lệ.

"Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới. 8 nhóm giải pháp quan trọng đã được chúng tôi đưa ra cho các doanh nghiệp trong hiệp hội, bao gồm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, đầu tư vào R&D, đổi mới công nghệ, và nâng cao năng lực dự báo – nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu duy nhất", bà Hương thông tin.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện ngành, chuỗi cung ứng điện tử cũng không dễ dàng dịch chuyển trong ngắn hạn. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng và duy trì sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, kể từ ngày 1/7, Việt Nam đã chuyển sang mô hình quản lý nhà nước hai cấp, giúp tinh gọn bộ máy, cải thiện hiệu quả điều hành, và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

"Từ đầu năm đến nay, các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia và Qualcomm đã chính thức mở trung tâm đào tạo và trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang dần trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số, tăng cường nội địa hóa sản xuất và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho hay.

Đồng thời, bà Hương khẳng định ngành điện tử sẽ không có giảm giá để giữ chân khách hàng, bởi ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao với giá trị ổn định. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa sản xuất và minh bạch chuỗi cung ứng để giữ giá, không tăng giá và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây là chiến lược cốt lõi nhằm giữ vững vị thế trong thị trường toàn cầu.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/muc-thue-quan-tuyet-doi-khong-quan-trong-bang-so-sanh-tuong-quan-cung-cac-quoc-gia-canh-tranh.html