Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số: Khát vọng lớn không đi cùng mô hình cũ
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong giai đoạn tới, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình cũ vốn phụ thuộc vào khai thác lao động giá rẻ, FDI và đầu tư công. Thay vào đó, cần một chiến lược phát triển mới dựa trên nền tảng thể chế vững chắc, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao...

Ảnh minh họa
Ngay sau khi được kiện toàn, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới đã xác lập mục tiêu chiến lược: tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và tiến tới bình quân hai con số trong giai đoạn 2026–2030. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh phức tạp của thế giới như hiện nay, việc hoàn thành được mục tiêu này là điều vô cùng khó khăn, thách thức.
KHÁT VỌNG LỚN NHƯNG THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, với thu nhập bình quân đầu người 1 năm hiện nay khoảng 4.000 USD, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng quan trọng.
Theo đó, quỹ đạo tăng trưởng trong 15 năm tới sẽ quyết định liệu Việt Nam có thể vươn mình để đi theo mô hình Đông Bắc Á, trở thành nước phát triển, hay tiếp tục lối mòn của Đông Nam Á, tăng trưởng vừa phải, thu nhập trung bình kéo dài.
“Nếu giữ mức tăng trưởng GDP 6%, Việt Nam sẽ chỉ đạt 15.000 USD thu nhập bình quân đầu người; nếu duy trì 7% sẽ tiệm cận ngưỡng dưới của nhóm nước có thu nhập cao; chỉ với mức 10% mới giúp Việt Nam chạm tới đích phát triển thu nhập bình quân đầu người 33.000 USD và gia nhập nhóm quốc gia phát triển”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay.
TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng với kịch bản tăng trưởng 7%/năm thách thức về tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là rất lớn. Theo kịch bản này, giai đoạn 2019-2030, tốc độ tăng TFP của Việt Nam phải đạt ở mức 4%, một con số không hề dễ để đạt được trong thời đại mới.
Hơn nữa, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cách đây 20 năm, tăng trưởng lực lượng lao động của nước ta là 2% thì giờ chỉ còn 0,5% và mấy năm nữa sẽ tăng trưởng âm. Già hóa dân số như vậy chỉ có thể được bù đắp bởi tăng trưởng năng suất. “Điều này là thách thức số một của Việt Nam”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Bài toán cốt lõi, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nằm ở việc chuyển hóa cơ cấu nền kinh tế và tái thiết thể chế phát triển. Trên cơ sở đó, vị chuyên gia đến từ Đại học Fullbright đề xuất ba trụ cột nền tảng, gồm: (1) kinh tế thị trường đầy đủ với khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng chính; (2) Nhà nước kiến tạo có năng lực chính sách và thực thi mạnh; (3) thể chế dung hợp – kết hợp giữa kiểm soát quyền lực và khuyến khích sáng tạo.
Ở trụ cột thị trường, TS. Vũ Thành Tự Anh đánh giá việc Bộ Chính trị lần đầu tiên xác định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất là bước tiến đáng kể; tuy nhiên, cần phải đi xa hơn, đưa khu vực này lên vai trò trung tâm trong phân bổ nguồn lực và dẫn dắt đổi mới sáng tạo.
Về trụ cột Nhà nước kiến tạo, TS. Vũ Thành Tự Anh chỉ rõ: “Muốn có phát triển đột phá, Nhà nước phải là người kiến tạo, không cản trở. Phải xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, liêm chính và có trách nhiệm giải trình”, đây là điều mà các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều đã làm được.
Ở trụ cột thể chế dung hợp, cần có sự cân bằng giữa tập quyền chính trị và tự do dân sự, giữa quản trị pháp quyền và năng động thị trường. Thể chế phải kiểm soát tham nhũng, đồng thời khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu.
THỂ CHẾ VÀ VỐN: ĐÔI CÁNH TĂNG TRƯỞNG
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), điều kiện tiên quyết để đạt tăng trưởng hai con số đó là đầu tư xã hội/GDP phải đạt tối thiểu 40%, hiệu quả đầu tư phải tăng, ICOR hiện nay phải giảm từ 6 xuống thấp hơn hoặc bằng 4.
Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng mạnh hiệu quả đầu tư, thúc đẩy tư nhân đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, không thể có đầu tư tư nhân mạnh nếu vẫn giữ rào cản thể chế như hiện nay.
TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị cần theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng; nếu bội chi giới hạn là không quá 5%, thì tiết kiệm của Chính phủ phải đạt ít nhất 3% bằng cách giảm, tiết kiệm chi thường xuyên. Tuy nhiên đây cũng là một thách thức trong bối cảnh có chủ trương miễn phí một số dịch vụ công thiết yếu như khám chữa bệnh, học phí phổ thông...
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng tình cao với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của Nhà nước trong điều tiết vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội; đồng thời, vị chuyên gia cho rằng đây cần được coi là định hướng cốt lõi để đột phá thể chế, là tiêu chí để rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp.
TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế. Luật pháp phải phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.
“Song hành với thu hút “đại bàng” cũng cần tạo những “cánh rừng”, “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy mật – tức phát triển đồng đều tất cả các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.
Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất thực hiện chương trình quốc gia về khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Đồng thời, hình thành các “điểm thể chế” đột phá vượt trội, thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao (nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ cao hiện có và đầu tư thành lập thêm các khu mới); ưu đãi về thủ tục hành chính, thuế, đất đai, chế độ visa, lưu trú...
Các hoạt động R&D, thử nghiệm, sản xuất được tự do trong phạm vi quy định rõ ràng; Nhà nước đồng hành bằng các cơ chế hỗ trợ nghiên cứu thông qua các quỹ quốc gia và ngành, địa phương.
NGUỒN NHÂN LỰC VÀ CÔNG NGHỆ: NỀN TẢNG CỦA SỰ CHUYỂN MÌNH
Một điểm then chốt khác được nhiều học giả đồng tình đó là nguồn nhân lực. Theo TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mọi vấn đề đều liên quan đến con người khi mọi điểm nghẽn, mọi hành động, mọi quyết định cuối cùng đều hướng tới con người.
Do đó, việc quan trọng nhất là chấn hưng nền giáo dục Việt Nam, theo đó tách bạch rõ giữa giáo dục và đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ sư phạm và thực hiện cơ chế “đặt hàng” giữa doanh nghiệp và nhà trường. Đồng thời, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành mũi nhọn và thực hiện chính sách đãi ngộ mới để thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Thực tế chỉ ra nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải tốn nhiều thời gian để đào tạo nhân sự mới, trong đó tốn nhiều thời gian nhất là đào tạo các kỹ năng, trong khi điều này hoàn toàn có thể đào tạo ngay từ ghế nhà trường. Do đó, phải nhìn nhận kỹ lưỡng chất lượng về giáo dục hiện nay không chỉ dừng lại ở việc trau dồi kiến thức, mà còn là tư cách, trách nhiệm, đảm bảo tiêu chuẩn ngày một tăng của xã hội số.
Để làm được điều đó thì chương trình đào tạo phải hướng tới hiện đại hóa, nâng cao đổi mới sáng tạo, tư duy phản biện. Đồng thời, nâng cao chuẩn mực, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Song hành với đó là những chính sách tiền lương, đãi ngộ phù hợp với đội ngũ giáo viên để hạn chế tiêu cực, thêm động lực để theo nghề.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, bên cạnh đào tạo, các chuyên gia nhấn mạnh đến vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam đã có nhiều chủ trương đúng nhưng chưa có chiến lược tổng thể hiệu quả. Vì vậy, Việt Nam cần hợp nhất các chiến lược hiện có thành “Chiến lược quốc gia thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đến 2045”, với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, tăng đầu tư R&D và phát triển hạ tầng số quốc gia.
Các chuyên gia cũng đồng tình rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam phải tự thiết kế một mô hình phát triển của riêng mình, không sao chép mô hình đi trước. Đã đến lúc từ bỏ tư duy “bắt chước”, thay vào đó là “vượt trần công nghệ” – tận dụng thời cơ công nghiệp mới để chuyển bậc phát triển.
Tăng trưởng hai con số không phải là phép màu. Đó là kết quả của một chiến lược tái cấu trúc tổng thể, được dẫn dắt bởi Nhà nước có năng lực, thị trường vận hành hiệu quả, khu vực tư nhân năng động, và một thể chế pháp lý thân thiện với đổi mới. Khát vọng đã có. Điều cần thiết là quyết tâm và hành động nhất quán trong giai đoạn then chốt hiện nay...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2025, phát hành ngày 12/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
