Nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để phát huy vai trò đối với hệ thống các tổ chức tín dụng

Trong những năm qua, vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ngày càng được khẳng định là một tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Vai trò này không chỉ thể hiện qua các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên mà còn qua việc tham gia quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém, đặc biệt là trong bối cảnh xử lý các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bị kiểm soát đặc biệt (KSĐB) hiện nay đặt ra nhiều thách thức.

Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tăng cường năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ và áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố hệ thống QTDND cũng nhấn mạnh vai trò của BHTGVN trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các QTDND; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường phối hợp với BHTGVN trong kiểm tra, giám sát và đề xuất sửa đổi Luật BHTG để cho phép sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm trong xử lý TCTD yếu kém.

Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: “Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG”.

Luật Các TCTD năm 2024 đã có những quy định mới, cụ thể hơn về vai trò của tổ chức BHTG. Theo đó, BHTG sẽ tham gia vào quá trình can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các TCTD thông qua các hoạt động như: đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng vốn góp; cho vay đặc biệt đối với NHTM, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, tổ chức tài chính vi mô; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản và phối hợp chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền. Những quy định mới này đòi hỏi BHTGVN phải được tăng cường năng lực cả về tài chính và hoạt động để thực hiện vai trò được giao.

Trước hết, năng lực tài chính của BHTGVN cần được hiểu là khả năng đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Theo quy định hiện hành, vốn hoạt động của BHTGVN bao gồm: (1) Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và nguồn hợp pháp khác; (2) Quỹ dự phòng nghiệp vụ được hình thành từ 6 nguồn: phí BHTG hàng năm, thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi, khoản bảo hiểm không có người nhận, số tiền còn lại (nếu có) sau thanh lý tài sản của TCTD tham gia BHTG, chênh lệch thu – chi còn lại hàng năm, thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các TCTD được KSĐB; (3) Quỹ đầu tư phát triển; (4) Vốn khác như vốn tài trợ, đánh giá lại tài sản, vốn hợp pháp khác…

Tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN tính đến 31/12/2024 là 126.268,2 tỷ đồng, tương đương 1,37% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Trong đó, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 119.418,5 tỷ đồng (94,6%), tương đương 1,3% tổng tiền gửi được bảo hiểm. Tỷ lệ này còn khá thấp so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Một số thách thức lớn đặt ra trong việc nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN gồm:

(1) Tỷ lệ giữa tổng nguồn vốn, quỹ dự phòng nghiệp vụ và tổng số tiền gửi được bảo hiểm còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả khi xảy ra sự cố.

(2) Cơ chế bổ sung vốn chưa linh hoạt, chưa có hướng dẫn cụ thể về tiếp cận vốn vay khẩn cấp từ NHNN hay các tổ chức tài chính khác.

(3) Các kênh đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi còn hạn chế, chủ yếu là mua – nắm giữ trái phiếu Chính phủ hoặc gửi NHNN, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và thiếu linh hoạt khi cần thanh khoản.

Để giải quyết những thách thức trên, phát huy vai trò của BHTGVN đối với hệ thống TCTD, một số giải pháp được khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả nhiệm vụ

Dự án Luật BHTG đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, dự kiến đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 10, soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn. BHTGVN đang phối hợp cùng NHNN xây dựng chính sách pháp lý liên quan đến:

Chính sách về nguồn vốn hoạt động của tổ chức BHTG: Sửa đổi, bổ sung quy định về các thành phần nguồn vốn hoạt động gồm: (i) Vốn điều lệ do Nhà nước cấp; (ii) Vốn vay; (iii) Quỹ dự phòng nghiệp vụ; (iv) Quỹ đầu tư phát triển; (v) Quỹ dự phòng tài chính; (vi) Các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, hoàn thiện quy định về chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán theo hướng: làm rõ khoản thu – chi của tổ chức BHTG; quy định xử lý chênh lệch thu – chi âm khi chi trả bảo hiểm, tham gia can thiệp sớm và KSĐB; giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ tài chính.

Chính sách về hoạt động đầu tư của tổ chức BHTG: Đề xuất mở rộng danh mục đầu tư từ nguồn vốn hoạt động tương tự như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bao gồm: mua – bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, tín phiếu NHNN; trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần có trên 50% vốn Nhà nước; gửi tiền tại NHNN và các NHTM nêu trên.

Quản lý rủi ro đầu tư: Bổ sung quy định nhằm kiểm soát rủi ro đầu tư, trong đó xác định rõ trách nhiệm tổ chức BHTG, yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro, quy trình kiểm soát, cơ cấu và tiêu chí danh mục đầu tư do Chính phủ quy định. Đồng thời, cho phép tổ chức BHTG mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN.

Thứ hai, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài và đi vay trong trường hợp khẩn cấp để chi trả BHTG

Nhà nước đã có quy định cơ chế tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và đi vay trong trường hợp khẩn cấp để chi trả BHTG, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Do vậy, cần có quy định rõ ràng, phương án, quy trình, thủ tục về cơ chế bổ sung vốn cho tổ chức BHTG trong trường hợp khẩn cấp. Việc cho phép tổ chức BHTG tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ NHNN Việt Nam sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính để chuẩn bị ứng phó, xử lý trong trường hợp có rủi ro và có sự cố.

Trong tình hình mới, BHTGVN sẽ nghiên cứu hợp tác với khu vực tư nhân, các NHTM nhà nước tham gia góp vốn, các NHTM vốn góp tư nhân, các tổ chức tài chính tư nhân dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép, giúp giảm gánh nặng tài chính cho Ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đối số trong công tác quản lý tài chính

BHTGVN đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số trong công tác quản lý tài chính, kết nối đồng bộ với hệ thống quản lý Nhà nước, với các TCTD nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý trong công tác quản lý tài chính.

Thứ tư, chủ động, tích cực, đổi mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, hội nhập toàn cầu

BHTGVN cần mở rộng hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính từ các nước, nghiên cứu mô hình vay vốn từ các tổ chức tài chính đa phương để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, ngăn ngừa hiệu ứng lây lan hệ thống.

Nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức BHTG là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng biến động, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức BHTG để xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, thích ứng và phát triển bền vững.

PV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-nang-luc-tai-chinh-cho-to-chuc-bao-hiem-tien-gui-de-phat-huy-vai-tro-doi-voi-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung-167936.html