Ngành GTVT sau nửa nhiệm kỳ: Giấc mơ 3.000km cao tốc không còn xa
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 tổng chiều dài đường cao tốc đạt 3.000km, trong 3 năm tới, yêu cầu đặt ra là phải triển khai thêm khoảng 1.300km
Ngành GTVT làm được gì sau nửa nhiệm kỳ?
Với quyết tâm nỗ lực không ngừng nghỉ, việc triển khai đầu tư các dự án giao thông đang bám sát kế hoạch, từng bước cụ thể hóa mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc vào năm 2025.
Ba năm thần tốc
Những ngày đầu tháng 6/2023, 3 dự án cao tốc trục ngang trọng điểm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu đang được gấp rút hoàn thiện các bước cuối cùng, tiến tới lựa chọn nhà thầu, đảm bảo điều kiện khởi công.
“
Đón đầu cho những dự án cao tốc sắp hoàn thành, TP Cần Thơ đã quy hoạch những khu vực để phát triển kinh tế. Khi cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành, thời gian di chuyển lên TP.HCM sẽ rút ngắn còn hơn 2 giờ, giao thương sẽ thuận lợi, góp phần cho việc phát triển cụm cảng Cái Cui của TP Cần Thơ.
Cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là động lực cho địa phương phát triển khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đang hình thành với quy mô khoảng 900ha.
TP Cần Thơ cũng đang tập trung cao độ quyết tâm hoàn thành công tác GPMB dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 6, tập trung triển khai dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo đúng tiến độ.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ
”
Nhớ về khoảng thời gian cả trăm cán bộ, chuyên viên Bộ GTVT “ăn nằm” với đống hồ sơ chất chồng, cùng địa phương tăng tốc thủ tục, ông Phùng Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Đường cao tốc VN kể: “Đó là một khối công việc khổng lồ”.
Theo ông Dũng, nếu trong 16 năm (2004 - 2020), cả nước mới có khoảng 1.163 km đường cao tốc (bình quân mỗi năm đưa vào khai thác 72km) thì để hoàn thành mục tiêu 5.000km đến năm 2030 theo mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra, trong khoảng 9 năm (2021 - 2030), chúng ta phải đầu tư khoảng gần 4.000km (bình quân mỗi năm đưa vào khai thác khoảng 312km).
Ông Dũng cho hay, với vai trò, nhiệm vụ của Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Tổ chức triển khai đầu tư các tuyến cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng, tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với các dự án cao tốc do cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Trong vòng 2 tháng (tháng 4 và 5/2023), yêu cầu đặt ra đối với các Cục, cơ quan tham mưu của Bộ GTVT là phải đảm bảo thời gian thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán để các địa phương triển khai các thủ tục, đáp ứng thời gian khởi công 3 tuyến cao tốc trục ngang trước ngày 30/6/2023.
Cùng thời điểm ấy, Cục Đường cao tốc VN phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu thuộc các dự án cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang…
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai chuẩn bị đầu tư các cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành.
“Áp lực rất lớn. Riêng Cục Đường cao tốc VN ròng rã 2 tháng liên tục, các phòng chức năng gần như làm việc 24/7”, ông Dũng kể.
Nhiệm vụ càng thêm áp lực khi một số địa phương thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy tiến độ khởi công sớm hơn (dự kiến ngày 17/6/2023 thay vì 30/6/2023 theo kế hoạch ban đầu), đòi hỏi kế hoạch thẩm định phải rút ngắn tối đa.
“Theo quy định, thời gian thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán tối đa khoảng 45 ngày, thực tế chúng tôi phải rút ngắn xuống 15 ngày. Song, không vì tiến độ mà cắt giảm khối lượng. Đó là tinh thần luôn được lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Đường cao tốc VN quán triệt”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Với nỗ lực không mệt mỏi của Bộ GTVT, các Bộ chuyên ngành và địa phương, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đã ghi nhận kết quả ấn tượng.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến hết năm 2020, cả nước có 1.163km đường cao tốc thì chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây, đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 566km.
Trong đó, có 166km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản, nâng tổng số km đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729km.
Đột phá cơ chế phân cấp
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, tổng chiều dài đường cao tốc đạt 3.000km, trong 3 năm tới, yêu cầu đặt ra là phải triển khai thêm khoảng 1.300km đường cao tốc.
Để đạt mục tiêu ấy, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô) với tổng chiều dài khoảng 1.300km.
Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700km; Thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900km, đáp ứng nhiệm vụ đến năm 2030, chiều dài đường bộ cao tốc Việt Nam đạt đến 5.000km.
Với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được Chính phủ chỉ đạo, trong nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030, vai trò của địa phương ngày càng được khẳng định.
Minh chứng là trong 1.300km thuộc 6 dự án cao tốc trọng điểm, có khoảng 500km được giao địa phương triển khai.
Trong khoảng 700km đường cao tốc chuẩn bị khởi công xây dựng, có 400km được phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản.
Trong 900km đường bộ cao tốc dự kiến triển khai sau năm 2025, chiều dài được phân cấp cho các địa phương thực hiện chiếm đến hơn 80% (khoảng 750km).
“Cơ chế phân cấp, phân quyền sẽ vừa giúp Bộ chuyên ngành được chia lửa áp lực, vừa tăng tính trách nhiệm trong huy động nguồn lực triển khai dự án”, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhận định.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Đường cao tốc VN cho rằng, thực tế, việc phân cấp địa phương triển khai trong thực tiễn đã thành công. Địa phương không chỉ làm tốt công tác đầu tư xây dựng mà cả trong giai đoạn vận hành khai thác, điển hình là một số dự án cao tốc như: Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; Bắc Giang - Lạng Sơn…
“Sẽ không có cơ quan nào làm tốt hơn địa phương trong công tác GPMB, tái định cư; thu hồi đất; nguồn cung vật liệu… Đây là các nội dung hết sức quan trọng, quyết định tiến độ, thậm chí cả chất lượng của các dự án cao tốc”, đại diện Cục Đường cao tốc VN chia sẻ.
Dự kiến, trong năm 2023, 5 dự án giao thông lớn sẽ được đưa vào khai thác gồm: QL45 - Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), cầu Mỹ Thuận 2 (6,6km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km), Tuyên Quang - Phú Thọ (40km).
Năm 2024 thêm 2 dự án gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt (49km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (78km).
Năm 2025 hoàn thành các dự án cao tốc giai đoạn 2 (729km) và phấn đấu hoàn thành một số dự án khác như: Bến Lức - Long Thành (58km); Hòa Liên - Túy Loan (12km); Hữu Nghị - Chi Lăng (43km)… với tổng chiều dài hơn 800km. Trong 2 năm nữa, tổng số km đường cao tốc sẽ được nâng lên gần 3.000km.
Theo tiến độ, đến năm 2026 sẽ đưa vào khai thác 5 dự án cao tốc trục Đông - Tây và đường Vành đai (Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô) do các địa phương triển khai với tổng chiều dài 549km.
Cùng các dự án khác đang chuẩn bị đầu tư, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc, phân bổ đồng đều trên các khu vực, các vùng miền.