Ngôi chùa hàng trăm năm tuổi có vườn tháp lớn nhất Việt Nam
Chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa bởi vẻ cổ kính hàng trăm năm tuổi và có vườn tháp lớn nhất Việt Nam chôn giữ tro cốt của hơn 1.200 vị tăng, ni từ 300 năm trước. Chùa Bổ Đà cùng với các thành phần khác nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận hành chính của xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nay là phường Vân Hà, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự. Chùa tọa lạc ở vị trí phong thủy đắc địa, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.


Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, khoảng thế kỷ thứ XI. Vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) đã được tu tạo lớn. So với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt.

Chùa được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc. Vì điều ấy mà vẻ thanh tĩnh, u linh càng trở nên rõ nét.




Chùa của hiện tại gồm 16 tòa nhà lớn nhỏ với 92 gian đầy đủ chức năng như nhà tạo soạn, nhà tổ, nhà pháp, nhà khách, tòa tam bảo... Vẫn được ứng dụng lối kiến trúc truyền thống, tòa tam bảo xây lối chữ Đinh, hậu cung gồm 5 gian, tiền đường 7 gian. Bậc thềm lát đá xanh. Những dấu vết bạc màu thời gian cho thấy công trình khởi dựng thời Lê - Nguyễn đến nay vẫn nguyên vị trí ban đầu.



Ngôi chùa toát lên vẻ cổ kính của vùng quê Kinh Bắc xưa. Từ xa xưa, trong dân gian thường truyền miệng nhau câu "Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích" đã vang lên từ đời này sang đời khác, thể hiện vị thế vững chắc của chùa Bổ Đà trong lịch sử miền Bắc Việt Nam.

Tại khu di tích chùa Bổ Đà, có thể ngắm nhìn các mảng chạm khắc tinh xảo trên các hạng mục kiến trúc.



Tất cả thể hiện nhiều đề tài phong phú như hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, linh thú và đề tài tứ linh, tứ quý...




Xung quanh khu nội tự của chùa là hệ thống tường đất sỏi son khá độc đáo. Tất cả đều được xây dựng với độ cao tầm 1,8-5 m theo lối tường trình. Trên các đỉnh tường được che bằng nhiều vật liệu như chum, vại, gốm của Thổ Hà

Trải qua biết bao thăng trầm, các bức tường trình này đều đã thấm bao mùa mưa gió. Có nơi thì đã ngả màu, có nơi lại bám đầy rêu phong. Thế nhưng điều đó không hề làm lu mờ đi vẻ đẹp độc đáo này. Vẻ đẹp cổ kính của những bức tường cứ thế tô điểm thêm cho tổng thể chùa Bổ Đà, khiến không gian nơi đây càng thêm lắng đọng.




Vườn tháp của chùa gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm, tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni Phật tử thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Những ngôi tháp này được xây bằng gạch và đá với kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía. Mỗi tháp ít nhất an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài và đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc.

Với diện tích gần 8.000 m2, khu vườn tháp được bao bọc bởi một bức tường dài xây từ đá núi và gạch chỉ. Được hun đúc từ "xương cốt" núi Bổ Đà, dường như điều ấy mang đến cho khu vườn vẻ u tịch, trầm lắng của nơi thâm sơn. Chùa Bồ Đà hiện là nơi có vườn tháp lớn nhất Việt Nam



Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 22/12/2016 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg . Ngày 12/7/2025, chùa Bồ Đà Quần nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với nội dung "Nơi tu tập, đào tạo tăng chúng, nổi bật với hệ thống thư tịch cổ và vườn tháp độc đáo".