Người giữ lửa cho nghề thủ công
Tổng giám đốc Craft Link Trần Tuyết Lan dành trọn tâm huyết hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa và phát triển hàng thủ công để nâng cao thu nhập, đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế.
Trong một văn phòng và cửa hàng nhỏ khiêm tốn nép mình bên cạnh không gian cổ kính của di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà Trần Tuyết Lan nâng niu từng sản phẩm thổ cẩm, say sưa kể cho khách nghe câu chuyện về những người phụ nữ Mông ở vùng cao Sa Pa và Hà Giang.
Từ việc nối những sợi chỉ lanh đầu tiên đến việc nhuộm màu chàm tự nhiên, mỗi đường nét, mỗi họa tiết trên sản phẩm đều thể hiện sự kỳ công, đôi bàn tay khéo léo. Kho kiến thức mà bà Lan và các đồng nghiệp tích lũy suốt gần ba thập kỷ làm việc với người dân tộc thiểu số không chỉ khiến khách hàng ngẩn ngơ trước những món hàng thủ công đặc biệt, mà còn khiến họ cảm nhận được sức sống của một nền văn hóa từ miền núi xa xôi đang lan tỏa ra đô thị phồn hoa.
Đối với bà Lan, công việc này không chỉ là hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số phát triển và tiêu thụ sản phẩm; đó là sứ mệnh của một người gìn giữ và truyền tải những giá trị văn hóa độc đáo.
Vậy điều gì đã thôi thúc một người phụ nữ nhỏ nhắn và duyên dáng dành gần cả cuộc đời để biến những món đồ thủ công thành di sản sống, nối dài câu chuyện của những tộc người thiểu số?
Gieo mầm hy vọng
Craft Link, tên gọi rút gọn của Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ - tiền thân của Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Craft Link ngày nay, được thành lập vào năm 1996 với sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số nâng cao năng lực, lưu giữ truyền thống văn hóa và tăng thu nhập thông qua việc tiến hành các Dự án phát triển hàng thủ công, tập huấn và đào tạo phát triển nghề truyền thống, đưa những sản phẩm thủ công của họ đến tay người tiêu dùng.
Phần lớn nguồn vốn khiêm tốn ban đầu của Craft Link chỉ có 10.000 USD được hỗ trợ từ một tổ chức phi chính phủ quốc tế, được dùng để thuê một cửa hàng nhỏ tại số 43 Văn Miếu, Hà Nội và duy trì các hoạt động trong giai đoạn đầu. Sau khi thành lập 2 năm, Craft Link đã trả lại số tiền này và hoàn toàn tự chủ về tài chính.
Lợi nhuận hàng năm trong hoạt động kinh doanh của Craft Link được sử dụng để tài trợ cho các dự án hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và các nhóm khuyết tật gặp khó khăn.
Duyên phận đưa đẩy, dù chỉ gia nhập Craft Link hơn một năm sau khi tổ chức được thành lập, tình yêu của bà Lan dành cho các nghề thủ công truyền thống đã sớm “ngấm vào máu”.
Bà Lan chia sẻ: “Không chỉ là cái duyên với nghề, tôi đã yêu thích các nghề thủ công truyền thống này từ khi còn bé. Tôi lớn lên trong một gia đình có bà ngoại làm nghề dệt thủ công ở vùng đất Hà Tây xưa. Ngày nhỏ được mẹ gửi về quê ở với bà, tôi từng phụ bà dệt và khâu những đôi bít tất. Nơi đó cũng là vùng đất của rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống, vì thế, tôi có cơ hội được tiếp xúc và cảm nhận sự tinh xảo trong từng sản phẩm từ rất sớm”.
Trước khi trở thành giám đốc của Craft Link vào cuối năm 1997, bà Lan đã có thời gian 5 năm gắn bó với ngành du lịch, nơi duyên số lại đưa bà đến với mảng hàng thủ công của công ty mình. Khi bắt đầu công tác tại Craft Link, bà Lan và các đồng nghiệp nhanh chóng nhận ra đây là thời điểm thích hợp để hỗ trợ các hợp tác xã thủ công, làng nghề truyền thống, và các hộ kinh doanh cá thể. Họ đang có mong muốn chuyển mình, tách ra tự kinh doanh độc lập nhưng lại loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu.
Bà Lan cùng các cộng sự đã nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường cũng như giá trị đặc biệt từ những sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy nhiên, khi ấy, chưa có tổ chức nào đứng ra hướng dẫn các cơ sở này cách tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ý thức rõ về tiềm năng đó, Craft Link đã nhanh chóng kết nối với các cơ sở sản xuất, hướng dẫn họ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ba mục tiêu lớn được các sáng lập viên đặt ra cho Craft Link. Thứ nhất, cam kết hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số, làng nghề, nhóm người khuyết tật và các nhóm nghề nghiệp lưu giữ truyền thống văn hóa của họ thông qua việc lưu giữ các nghề thủ công truyền thống. Thứ hai, hỗ trợ cho nhóm cộng đồng và các nghệ nhân tăng thêm thu nhập thông qua việc sản xuất và tiếp thị các sản phẩm thủ công truyền thống của họ. Cuối cùng là nâng cao nhận thức của các nhóm dân tộc thiểu số, nghệ nhân, làng nghề truyền thống về giá trị văn hóa cũng như các kỹ năng truyền thống của họ.
Bà Lan chia sẻ rằng, chính ba mục tiêu cốt lõi của Craft Link đã trở thành động lực thôi thúc tổ chức bảo tồn và lưu giữ các nghề truyền thống. Thực tế, nhiều kỹ năng thủ công truyền thống đang dần bị mai một, thậm chí không ít cộng đồng đã từ bỏ việc sản xuất hoàn toàn. Một số nhóm dân tộc thiểu số chỉ còn giữ nghề trong phạm vi tự cung tự cấp hoặc để đổi lấy hàng hóa và vật dụng cần thiết cho gia đình.
Bà Lan nhấn mạnh: “Họ có kỹ năng, họ cực kỳ thông minh và sáng tạo, nhưng tiếc rằng chưa có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ để biến những kỹ năng ấy thành hàng hóa có giá trị kinh tế. Nếu được hỗ trợ đúng cách, họ không chỉ tăng thu nhập cho cá nhân mà còn cải thiện đời sống của gia đình. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững và lâu dài, họ cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác nữa, không chỉ dừng lại ở việc sản xuất hàng thủ công”.
Ý tưởng cao đẹp nhưng thử thách cũng không kém phần cam go. Không ít lần bà đã nghĩ đến việc từ bỏ vì công việc quá đỗi khó khăn. Những ngày đầu đi vào hoạt động, Craft Link phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ sự thiếu thốn tài chính, hạn chế về thị trường, cho đến việc thuyết phục các cộng đồng hợp tác đều là những thách thức không nhỏ, đôi khi khiến bà Lan và các đồng nghiệp cảm thấy chùn bước.
Thế nhưng, chính niềm tin mãnh liệt vào những giá trị mà dự án có thể mang lại cho cộng đồng, cùng tình yêu sâu sắc dành cho các nghề thủ công truyền thống của dân tộc, đã trở thành động lực để họ kiên trì nỗ lực, không ngừng vượt qua mọi trở ngại.
Craft Link hoạt động trên hai mảng chính. Thứ nhất là mảng kinh doanh, giúp các nhóm sản xuất tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống bán sỉ, bán lẻ và xuất khẩu. Thứ hai là mảng phát triển, tập trung vào việc hỗ trợ và tập huấn cho các nhóm dân tộc thiểu số, làng nghề, cũng như nhóm người khuyết tật, cung cấp các kỹ năng cần thiết để họ có thể tự duy trì sản xuất, tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường.
Hành trình xây dựng Craft Link là chuỗi ngày nỗ lực không ngừng để cân bằng giữa dòng chảy tài chính và khát vọng sẻ chia cùng cộng đồng. Bà Lan chia sẻ: “Điều khó nhất là phải cân bằng giữa hai mảng kinh doanh và phát triển. Hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận và khoản lợi nhuận này sẽ được dùng để hỗ trợ cho mảng phát triển và giúp đỡ cộng đồng.”
Sau 5 năm đầu nỗ lực cố gắng kể từ ngày thành lập, Craft Link đã hoàn thiện được mô hình hoạt động, bộ máy tổ chức và cách thức làm việc hiệu quả với các nhóm cộng đồng. Bắt đầu từ một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi, Craft Link được thành lập dưới tên gọi Trung tâm Nghiên cứu liên kết và phát triển hàng thủ công mỹ nghệ.
Thông thường, mỗi dự án của Craft Link kéo dài khoảng hai năm với nhiều hoạt động tập huấn, từ 6 đến 7 đợt mỗi năm. Mỗi đợt kéo dài từ 1 đến 2 tuần, tập trung vào các nội dung cơ bản như kỹ năng quản lý nhóm, thành lập nhóm với các vai trò như nhóm trưởng, nhóm phó, người phụ trách kế toán và sản xuất. Ngoài ra, còn có các kỹ năng tiếp thị sản phẩm và nâng cao kỹ thuật trong may, thêu, dệt, nhuộm - những kỹ năng mà các nhóm còn thiếu hoặc chưa thành thạo.
Bà Lan chia sẻ rằng, trong những ngày đầu triển khai dự án, công việc rất nhiều khó khăn và cần “mò mẫm” từ thực tế. Nhiều nhóm dân tộc, như người Mông, thời điểm đó còn mù chữ.
Bà kể lại: “Khi chúng tôi hỗ trợ nhóm người Mông ở San Sả Hồ, người có trình độ học vấn cao nhất cũng chỉ học đến lớp 4. Có chị thậm chí không biết hàng nghìn có mấy số 0. Vì vậy, chúng tôi phải mở lớp học xóa mù, tập huấn cho ban quản lý nhóm cách ghi chép sổ sách với mẫu đơn giản nhất, thay vì áp dụng nguyên một hệ thống kế toán phức tạp.”
Bên cạnh nội dung quản lý nhóm, đội ngũ dự án Craft Link còn chú trọng tập huấn cho các nhóm về thiết kế và phát triển sản phẩm. Đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đối với các chuyên gia thiết kế.
Ban đầu, cần tiếp cận cộng đồng, thu thập và tài liệu hóa các hoa văn, họa tiết truyền thống đặc trưng của từng nhóm dân tộc thiểu số. Những họa tiết này không chỉ được ghi chép và hệ thống hóa mà còn kèm theo các câu chuyện văn hóa của họ, giúp lưu giữ giá trị phi vật thể trong hoạt động sản xuất của mỗi nhóm. Có những dự án chúng tôi cần có sự hỗ trợ của các cán bộ dân tộc học để quá trình thu thập thông tin được chính xác và bài bản hơn.
Nhờ sự kiên trì hỗ trợ theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” từ đội ngũ Craft Link, các dự án dần đi vào hoạt động hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể đời sống kinh tế của người dân. Chính những thành quả đó đã trở thành động lực mạnh mẽ để bà Lan và các đồng nghiệp lăn lộn với nghề suốt gần 30 năm qua, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Những hố sâu ngăn cách
Công việc này đã mở ra cho bà Lan và đồng nghiệp cơ hội đi đến khắp mọi miền đất nước, tiếp xúc với nhiều cộng đồng và nền văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, hành trình đó cũng đi kèm với không ít thử thách. Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 50 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại mang trong mình một nền văn hóa độc đáo, một ngôn ngữ riêng và lối sống khác biệt.
Việc vượt qua rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán, cũng như xây dựng sự thấu hiểu để có thể làm việc cùng nhau là một trong những thách thức lớn nhất ngay từ những ngày đầu triển khai dự án. “Mỗi cộng đồng đều có cách nghĩ, cách làm rất riêng. Để giúp họ mở lòng đón nhận sự hỗ trợ, trước tiên chúng tôi phải học cách lắng nghe và tôn trọng văn hóa của họ,” bà Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Lan cũng tâm sự rằng việc thuyết phục các nhóm dân tộc thiểu số tham gia vào dự án không hề đơn giản. Mặc dù dự án hứa hẹn cải thiện kinh tế qua việc duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống, nhưng nhiều nhóm đã từ chối ngay từ đầu vì chưa hiểu hết về Craft Link và những gì dự án thực sự có thể mang đến cho họ.
Bà Lan nhớ lại năm 1998, Craft Link bắt đầu hỗ trợ hai nhóm người Mông và Dao ở Tả Phìn, Sa Pa trong một dự án phát triển sản phẩm hàng thủ công, xuất khẩu sản phẩm và giúp cải thiện rõ rệt cuộc sống cho chị em nơi đây.
Sau thành công này, vào năm 2000, Craft Link tiếp tục đề xuất hỗ trợ một nhóm người Mông đen ở San Sả Hồ, một vùng sâu của Sa Pa. Tuy nhiên, khi tới họp và nghe về mục tiêu dự án, nhóm Mông nơi đây đã từ chối thẳng thừng. Họ cho rằng họ không có nhu cầu và không cần sự hỗ trợ nào cả.
Bà Lan và đội ngũ không khỏi cảm thấy buồn, nhưng thay vì bỏ cuộc, đội dự án đã nghĩ ra một sáng kiến. Khi đó đội dự án tổ chức một chuyến khảo sát cho khoảng 30 chị em người Mông ở San Sả Hồ đến thăm các nhóm đã tham gia dự án thành công ở Tả Phìn. Sau chuyến đi đó, Craft Link trở về Hà Nội, chấp nhận việc nhóm này chưa sẵn sàng tham gia.
Tuy nhiên, một tuần sau, một chị trong nhóm người Mông ở San Sả Hồ đã chủ động liên hệ với bà Lan, mặc dù giao tiếp bằng tiếng Kinh còn khó khăn. “Các chị hãy đến đi, đến để giúp chúng tôi. Chúng tôi muốn được giống như các chị em ở Tả Phìn, muốn tham gia dự án của Craft Link,” chị ấy nói với sự nhiệt tình.
Chỉ sau một chuyến tham quan, họ đã nhận ra lợi ích rõ rệt mà dự án có thể mang lại cho cuộc sống của họ - vừa được gặp gỡ giao lưu để làm các sản phẩm thủ công, vừa có thêm thu nhập ổn định mà không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào công việc đồng áng.
Trong suốt hành trình dài của mình, Craft Link đã hỗ trợ nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, các làng nghề truyền thống và một số nhóm người khuyết tật. Để đạt được thành quả này, các cán bộ của dự án không chỉ thực hiện công tác hỗ trợ mà còn phải tìm hiểu sâu sắc về hoàn cảnh thực tế và nhu cầu của từng nhóm, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho họ. Thành quả mang lại sau mỗi dự án là nhiều làng nghề, nhiều bà con dân tộc đã có thể tự duy trì, lưu giữ và phát triển được nghề thủ công truyền thống của cộng đồng mình.
Một trong những câu chuyện đáng nhớ là dự án hỗ trợ cộng đồng người Mông ở Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang từ năm 2000, giúp họ khôi phục kỹ thuật trồng cây lanh và dệt vải lanh truyền thống, một nghề đang bị mai một dần tại thời điểm đó. Dự án đã hoàn thành và giờ đây mô hình trồng lanh dệt vải truyền thống đã được duy trì và phát triển rộng khắp trong huyện Quản bạ, trở thành mô hình điểm của tỉnh Hà Giang.
Câu chuyện thành công khác là dự án phục hồi nghề thêu của nhóm dân tộc Lô Lô đỏ ở Hà Giang. Người dân nơi đây vốn chăm chỉ làm ăn và có đời sống kinh tế khá ổn định, nhưng do sự phát triển kinh tế, họ dần lơ là với nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.
Nhận thấy nguy cơ mất mát của một giá trị văn hóa quý báu, bà Lan và các đồng nghiệp đã thuyết phục bà con nhận thức lại về giá trị của nghề thêu không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Kết quả là nghề thêu của cộng đồng dân tộc Lô Lô đỏ không những được duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nơi đây. Thông qua những dự án như vậy, Craft Link giúp bà con thấy được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc chứ không chỉ đơn thuần là mang lại giá trị kinh tế.
Bà Lan và các đồng nghiệp luôn tự hào về hiệu quả mà mỗi dự án của Craft Link mang lại. Đó không chỉ là sự ấm no về kinh tế hay gìn giữ giá trị văn hóa nghề truyền thống, mà còn đem lại sự tự tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp họ hiểu hơn về giá trị bản thân, về giá trị văn hóa truyền thống và tiềm năng của nghề truyền thống của chính họ.
Các dự án của Craft Link đã góp phần nâng cao vị thế và nhận thức về phụ nữ dân tộc thiểu số, tạo ra những hình mẫu tiên phong cho sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Bà Lan chia sẻ, hiệu quả của các dự án có thể tóm gọn trong hai điểm chính: Thứ nhất là niềm tự hào về bản sắc văn hóa được củng cố và phát triển, thông qua sự kính trọng và trân trọng mà những người phụ nữ nhận được từ khách hàng, du khách và những người yêu mến sản phẩm thủ công truyền thống.
Thứ hai, các dự án phát triển kinh tế đã mở ra cơ hội mới, giúp những người phụ nữ có thể tạo dựng một cuộc sống sung túc, vững vàng, và xây dựng tổ ấm hạnh phúc từ chính đôi tay khéo léo của mình. Hình ảnh người phụ nữ tự chủ kinh tế, chăm sóc gia đình không chỉ được chồng trân trọng, mà còn tỏa sáng trong mắt cộng đồng và xã hội.
Bà Lan nhấn mạnh: “Từ những công việc làm thủ công khiêm nhường, họ đã trở thành những nhà lãnh đạo tài ba, kiên cường. Từ trưởng nhóm đến giám đốc hợp tác xã, mỗi vị trí đều phản ánh nỗ lực phi thường của mỗi cá nhân và đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội.”
Trăn trở với thị trường nội địa
Từ khi thành lập đến nay, Craft Link đã thực hiện thành công hơn 40 dự án tại các tỉnh trên khắp cả nước và đang hỗ trợ 70 nhóm sản xuất, mang lại lợi ích cho hơn 6.000 người dân. Những sản phẩm thủ công truyền thống như tấm vải vẽ sáp ong của người Mông, hay khăn họa tiết dệt tay của phụ nữ dân tộc Mường, tưởng chừng chỉ quanh quẩn ở vùng núi, giờ đã hiện diện tại 48 thị trường ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.
Thực tế, mảng xuất khẩu ra thị trường quốc tế luôn là nguồn thu chính của Craft Link. Bà Lan cũng không giấu nổi xúc động khi kể về đơn hàng xuất khẩu đầu tiên: “Đó là đơn hàng 50 vỏ gối của một nhóm Thái đen ở Yên Châu, Sơn La vào năm 1998. Lúc đó tôi đã mừng đến chảy nước mắt vì đã bắt đầu có thể xuất khẩu được sản phẩm của nhóm dân tộc thiểu số ra thị trường quốc tế sau nhiều công sức mày mò giới thiệu sản phẩm theo cách thủ công, thô sơ thời chưa có internet.”
Kể từ đó, hoạt động xuất khẩu phát triển và duy trì liên tục cho đến khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Bà Lan khẳng định: “Covid chính là quả bom đối với ngành du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm. Từ những thời điểm doanh thu mảng xuất khẩu chiếm tới 80% trong hệ thống, thì sau Covid tình hình kinh doanh trở nên vô cùng khó khăn, kém đi rất nhiều.”
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch, thói quen mua sắm online đã trở thành một xu hướng phổ biến. Điều này khiến Craft Link phải xây dựng lại hệ thống khách hàng, đồng thời mở thêm các kênh thương mại điện tử mới để thích ứng với sự thay đổi này. Hiện tại, tỷ trọng doanh thu giữa xuất khẩu và nội địa đang ở mức 65-35.
Craft Link, dưới sự dẫn dắt của bà Lan, đã trải qua gần 30 năm đầy khó khăn và thử thách để tạo dựng những cộng đồng dân tộc thiểu số tự phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và gìn giữ những tinh hoa của nghề thủ công dân tộc.
Con đường đó vẫn tiếp tục được nối dài, với những cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đang còn khó khăn và cần hỗ trợ, cũng như những làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một và các nghệ nhân đối mặt với nguy cơ thất truyền nghề. Bà Lan và đội ngũ Craft Link chính là những người nâng niu từng nét hoa văn thủ công, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nguoi-giu-lua-cho-nghe-thu-cong-d38845.html