Người Hà Nam trên đất Bắc Giang
Hơn 60 năm về trước, theo chủ trương di dân đi làm kinh tế mới của Đảng, Nhà nước, một số người dân xã Hòa Hậu (Lý Nhân) đã tình nguyện rời quê đến với mảnh đất Tân Quang (Lục Ngạn, Bắc Giang) để khai hoang mở đất, xây dựng quê hương mới. Rời quê với hai bàn tay trắng, nhưng với óc sáng tạo, đức tính cần cù, chăm chỉ, những người dân Hòa Hậu năm xưa và thế hệ kế tiếp ngày nay đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào trở thành miền quê trù phú.
Những năm tháng gian khó
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, chúng tôi có dịp đến thăm, tìm hiểu cuộc sống của bà con xã Hòa Hậu tham gia xây dựng vùng kinh tế mới tại Bắc Giang. Từ thành phố Bắc Giang, chạy xe 70km theo quốc lộ 31 chúng tôi đã về tới thôn Đoàn Kết (xã Tân Quang). Trong câu chuyện ấm tình đồng hương, ông Trần Văn Bia (76 tuổi) cho biết: Những năm đầu thực hiện chính sách di dân làm kinh tế mới, tôi theo gia đình đến với mảnh đất Tân Quang lúc chừng 15 -16 tuổi. Tại Tân Quang, chính quyền địa phương giao cho mỗi hộ 1 nghìn m2 đất làm nhà ở, đất canh tác. Các hộ còn được nhận khoán một phần đất của Nông trường Kim để phát triển kinh tế gia đình. Có đất, các chủ hộ bắt tay ngay vào xây dựng nhà ở tạm; cày cuốc, làm nương. Đến tháng 2/1964, toàn bộ 63 hộ dân đã di chuyển cả gia đình lên định cư lâu dài tại đây, hình thành nên xóm Đoàn Kết với 312 nhân khẩu. Gọi là xóm chứ người dân địa phương thường gọi là "khu rừng khe”, bởi lúc đó nơi đây rất hoang sơ, toàn cây rừng, cỏ dại, thời tiết khắc nghiệt. Với suy nghĩ, đã ra đi thì phải thành công, dù khó khăn cũng không lùi bước, những người con Hòa Hậu bắt tay nhau đoàn kết, quyết tâm khai phá vùng đất mới. Tuy bộn bề khó khăn nhưng xóm Đoàn Kết lúc đó vẫn có tổ đảng với 15 đảng viên, có ban quản lý hợp tác xã Bắc Nam; có chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ... đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng giúp bà con ổn định dần tâm lý, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu các hộ lên đây, đất rừng sau cải tạo chủ yếu trồng mía cung cấp cho Nông trường Kim. Đến năm 1966, khi cây mía không còn hiệu quả, bà con chuyển đổi sang trồng chè...
Cùng đi với ông Trần Văn Bia thời điểm đó có ông Trần Huy Tranh (khi đó mới 9 tuổi). Trên quê hương mới, ông Tranh được học hành, nỗ lực phấn đấu, trưởng thành. Ông Tranh đã tham gia công tác ở thôn, rồi lên xã làm Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã cho đến khi nghỉ hưu. Ông Trần Huy Tranh cho biết: Sau khi cây mía kém hiệu quả, năm 1966 người dân chuyển sang trồng chè, đời sống ổn định hơn, nhưng phải từ những năm 1990 đến 2000, kinh tế xóm Đoàn Kết mới thực sự chuyển biến tích cực khi cây hồng Nhân Hậu, cây cam Canh được đưa vào canh tác. Người dân Đoàn Kết vốn hay lam, hay làm, có nghị lực vượt khó nên ở thời điểm đó, trong xóm đã có gia đình thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ cây trồng này... Sau hàng chục năm, giờ đây diện tích trồng hồng, cam đang thu hẹp dần, "nhường" diện tích trồng các cây trồng mới: chuối, táo, ổi... cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Rời thôn Đoàn Kết, di chuyển thêm 12km, chúng tôi đến thôn Trường Sinh (cùng xã Tân Quang), nơi có 35 hộ dân, gần 200 nhân khẩu cũng người quê hương Hòa Hậu lên lập nghiệp từ 1985. Theo địa chỉ có được, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Đăng Vinh, một trong những người Hà Nam có mặt trên mảnh đất này từ những ngày đầu. Theo lời ông Vinh kể, thôn Trường Sinh không phải là thôn mới mà đã được thành lập từ năm 1975 với đa số người dân đến từ các huyện Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh). Khi đó, nơi đây là vùng đất đồi núi hoang vu, cây cối rậm rạp. Khó khăn, thiếu thốn khiến một số hộ dân chán nản, có ý định quay lại quê cũ. Để mọi người yên tâm sản xuất, gắn bó với mảnh đất này, các hộ tập trung động viên nhau tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích sản xuất và hỗ trợ nhau xây dựng nhà ở. Dần dần, những khó khăn cũng vơi bớt, mảnh đất vốn hoang sơ dần trở lên màu mỡ, phủ một màu xanh bạt ngàn với những cánh đồng chè trải dài. Sau này, cũng những cánh đồng khai hoang đó có sự xuất hiện thêm của rất nhiều loại cây trồng: hồng, cam, vải, chuối… Những vụ mùa bội thu không chỉ giúp người dân có của ăn, của để, có thêm điều kiện đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm máy móc, nuôi con ăn học...
Thành quả từ sự chung sức, đồng lòng
Tới thôn Đoàn Kết hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sức sống mới của vùng quê này. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa. Dọc hai bên đường là những cánh đồng chuối, cam, vải, ổi, táo... xanh tươi, những ngôi nhà cao tầng tươi màu sơn mới... tạo cho nơi đây sinh khí và diện mạo của một vùng quê bình yên, trù phú.
Ông Trần Trọng Trường, một người dân thôn Đoàn Kết chia sẻ: Trong thôn, các gia đình đều có thuận lợi trong phát triển kinh tế do được nhận và khai thác diện tích đất đồi rừng khá rộng. Gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều hộ có thu nhập khá từ vùng vườn đồi chuyên canh... Ông Trường là một trong những hộ dân đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế của thôn. Hiện tại, với 2 mẫu vườn chuyên trồng cam Canh, chuối ngự Đại Hoàng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập hàng tỷ đồng. Gia đình ông Trần Văn Sử, cũng là một trong những hộ đã vươn lên khá giả ở thôn Đoàn Kết. Với hơn 2 mẫu đất, ngoài trồng vải, ổi, táo, những năm gần, đây ông Sử tiếp tục đưa cây hồng, chuối về trồng xen canh nhằm tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, kinh tế vườn đồi giúp ông Sử có mức thu nhập 500 - 700 triệu đồng.
Ông Trần Doãn Thăng, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: Từ một xóm nhỏ, đến nay, cộng đồng dân cư thôn Đoàn Kết dần phát triển lên 225 hộ, với trên 1 nghìn nhân khẩu; trong đó, 90% là người quê hương xã Hòa Hậu, Hà Nam. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thôn Đoàn Kết có hàng trăm người tình nguyện tham gia chiến đấu tại các chiến trường; trong đó, 11 người đã anh dũng hy sinh, trên 20 người là thương, bệnh binh. Hiện nay, chi bộ thôn có 48 đảng viên. Trong phát triển kinh tế, từ việc trồng và nhân một số loại cây giống như ổi, táo, chuối, hồng cung cấp ra thị trường giúp tăng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2024 của thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn dưới 2%. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể với gần 70% số hộ dân có nhà cao tầng; 95% hộ có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, trong đó 20% hộ có ô tô. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhân dân trong thôn đã hiến hàng nghìn m2 đất để hoàn thành trên 20 km đường giao thông; đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng khu trung tâm văn hóa. Hằng năm, trên 95% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thôn giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa. Năm 2016, thôn Đoàn Kết là một trong ba thôn đầu tiên của huyện Lục Ngạn được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện tại, cùng với hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp trên, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, thôn Đoàn Kết đang tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí, phấn đấu năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao.
Với những người con Hòa Hậu ở thôn Trường Sinh, cũng phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo Trưởng thôn Trường Sinh-Trần Thế Khu, toàn thôn có 235 hộ, trên 1.200 nhân khẩu (50% là người Hòa Hậu). Sau 40 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, với bản chất chịu thương, chịu khó, cần cù học hỏi, người Hòa Hậu góp phần giúp Trường Sinh “lột xác” từ vùng rừng núi lút trong lau, sậy trở thành vùng cây ăn quả đứng đầu toàn xã. Hiện đời sống nhân dân trong thôn ngày càng cải thiện. Hằng năm, tỷ lệ con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn ở mức cao. Đó chính là nguồn nhân lực không chỉ làm rạng danh thêm cho đất và người nơi đây mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
Thắm đậm tình quê hương
Xa quê lập nghiệp trên vùng đất mới trong những năm qua, người dân Hà Nam ở Bắc Giang luôn nỗ lực phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Hằng năm, cứ vào ngày 24/2, ngày bà con "lên vùng kinh tế mới", nhân dân thôn Đoàn Kết, thôn Trường Sinh lại tụ họp về nhà văn hóa thôn để gặp mặt, ôn lại truyền thống quê hương, thông tin tình hình quê hương đổi mới, chia sẻ, nhắc nhở nhau phấn đấu vượt qua khó khăn để trở thành những người năng động, làm ăn giỏi, là những công dân tốt, gương mẫu. Trong ngày vui này, Hội đồng hương đã mời cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Lý Nhân, xã Hòa Hậu lên dự họp. Đây là sự động viên kịp thời và cũng là "cầu nối" để bà con nhân dân Hòa Hậu luôn hướng về quê hương, tích cực đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương thứ hai.
Đồng chí Trần Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Quang (cũng là một người con quê Hòa Hậu) cho biết: Đoàn Kết, Trường Sinh là hai thôn điển hình của xã trong phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm qua. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cán bộ, đảng viên, nhân dân hai thôn luôn gương mẫu, đi đầu, hiến đất làm đường giao thông; đóng góp tiền của, ngày công lao động để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Về phát triển kinh tế, bà con nhân dân 2 thôn năng động, nhạy bén, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo từng giai đoạn. Nhờ đó, số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ lớn. Không những làm kinh tế giỏi, các gia đình còn luôn đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ khó khăn, vướng mắc, hướng tới giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Rời hai thôn Đoàn Kết, Trường Sinh với những bắt tay siết chặt, những lời chúc sức khỏe, thành công để lại cho chúng tôi một tình cảm đặc biệt, một kỷ niệm khó quên về những người con quê hương Hà Nam nơi đây, những thế hệ người Hòa Hậu, người Hà Nam đã và đang góp một phần sức mình xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Bắc Giang ngày một phát triển.