Người lính quân hàm xanh nơi miền biên viễn
'Miệng nói, tay làm' và gần với dân bản, nhiều năm qua Đại úy Đào Nguyên Túc (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát) đã gắn bó với bà con dân tộc Khơ Mú bản Đoàn Kết (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát). Với trách nhiệm đối với đồng bào nơi đóng quân, người chiến sĩ quân hàm xanh này đã góp phần mang đến một diện mạo mới cho mảnh đất nơi đây.
Đại úy Đào Nguyên Túc trong vai trò thầy giáo với tiết học biên cương giảng về Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh.
Cuối năm 2013, trước tình hình đời sống của dân bản Đoàn Kết gặp muôn vàn khó khăn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đã quyết định cử Thiếu úy Đào Nguyên Túc tăng cường vào cắm bản. Lúc bấy giờ, cuộc sống của bà con dân bản phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, thường xuyên đối mặt với đói khát, dịch bệnh cùng với các hủ tục khiến cuộc sống của bà con ngày một thêm bế tắc.
Do thói quen sống phụ thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức, nên quá trình vận động đồng bào thay đổi tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm gặp nhiều khó khăn. Nhưng bằng tình cảm gắn bó và lòng kiên nhẫn, Đại úy Đào Nguyên Túc cùng Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đã vận động người dân trong bản đi tìm nguồn nước và triển khai làm hệ thống thủy lợi. Bước đầu bà con tiếp cận với việc trồng lúa nước hai vụ và đã cho năng suất cao. Cũng bắt đầu từ đó, niềm tin của dân bản Đoàn Kết đối với bộ đội biên phòng được khơi dậy và phấn khởi tự nguyện làm theo hướng dẫn của bộ đội.
Đại úy Đào Nguyên Túc nhớ lại: Thời điểm bắt đầu triển khai các mô hình kinh tế, tôi đã cùng với dân bản dọn đất, cất nhà, ổn định nơi ăn chốn ở, tập trung khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, hướng dẫn cho bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây lúa nước nhằm đảm bảo tự túc lương thực cho người dân. Ngoài ra, anh cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng. Trong đó, chú trọng phát triển đàn trâu, bò và trồng các loại cây như luồng, lát và xoan cho hiệu quả kinh tế cao.
Trăn trở với việc nâng cao dân trí cho bà con vùng đồng bào, Đại úy Đào Nguyên Túc đã tham mưu cho đơn vị và địa phương phối hợp mở lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào ở bản Đoàn Kết.
Khi bắt đầu lớp học, anh đã tới từng nhà vận động, thuyết phục bà con đi học và lớp học bắt đầu với 38 học viên. Sau một thời gian học tập, các học viên của lớp xóa mù chữ đã biết đọc, biết viết. Cũng từ đây, cái tên “Thầy Túc biên phòng” được bà con dân bản đặt cho anh. Bên cạnh đó, để đảm bảo học sinh không bỏ học, không bị đói khi đến trường, Đại úy Đào Nguyên Túc đã cùng đơn vị phối hợp với các nhà hảo tâm hàng tuần duy trì chương trình bữa sáng yêu thương cho 150 em học sinh, giúp các em có thêm dưỡng chất, nâng cao thể lực để học tập được tốt hơn.
Đến khu phố Đoàn Kết hôm nay, cuộc sống của người dân tộc Khơ Mú đang đổi thay từng ngày; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được củng cố. 100% hộ dân đã có phương tiện nghe, nhìn; 90% có xe máy; các công trình điện, đường, trường, trạm y tế phục vụ đời sống dân sinh đã và đang phát huy hiệu quả.
Mới đây, trong chuyến công tác nơi miền biên viễn, chúng tôi được chứng kiến Đại úy Đào Nguyên Túc trong vai trò thầy giáo với tiết học biên cương giảng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đại úy Đào Nguyên Túc đã trực tiếp đứng lớp dẫn dắt và giảng giải cho các học viên về tác hại của rượu bia. Xen trong những quy định có phần khô cứng, thầy Túc thêm vào những câu chuyện dí dỏm, tạo ra một không khí vui tươi, sôi nổi cho tiết học. Đặc biệt, ngoài những tiết học diễn ra tại trường học, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn còn tổ chức nhiều tiết học thực tế tại cột mốc 281 trên cửa khẩu Tén Tằn với chủ đề “Chủ quyền biên giới”.
Đại úy Đào Nguyên Túc cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi xây dựng một chủ đề và một tuần thì sẽ đến một trường trên địa bàn để giảng dạy cho các em học sinh. Tiết học biên cương mang tính trực quan, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng sống, với mong muốn các em học sinh hiểu hơn công tác, vai trò của lực lượng biên phòng nơi biên giới của Tổ quốc cũng như phổ biến pháp luật về an ninh biên giới. Sau mỗi tiết học, các em học sinh lại trở thành những tuyên truyền viên, chia sẻ thông tin học được với gia đình, người thân, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với chủ quyền của đất nước”.
Từ những hành động, việc làm ý nghĩa, thiết thực, Đại úy Đào Nguyên Túc đã góp phần củng cố niềm tin, thắt chặt tình cảm gắn bó máu thịt của đồng bào dành cho bộ đội biên phòng, cùng những người lính biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.