Người lớn mắc bệnh sởi nguy hiểm ra sao?
Bệnh sởi lây lan nhanh qua đường hô hấp nên không chỉ trẻ em mà cả người lớn nếu chưa có kháng thể mà tiếp xúc với nguồn lây cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
Vì tâm lý chủ quan nên khi có các triệu chứng của bệnh, nhiều người đã tự mua thuốc uống, vẫn đi làm, không đi khám bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh, trở nặng, có thể để lại nhiều biến chứng.
Nhiều ca diễn tiến nặng
Trước khi nhập viện 1 tuần, chị N.S.L., ngụ xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, ban nổi khắp người. Tưởng chỉ bị cảm cúm thông thường, chị L. ra tiệm thuốc để mua thuốc uống nhưng mãi không hết. Đến khi mệt quá gắng sức không nổi, chị L. được chồng đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, chị L. được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, viêm kết mạc. Sau 1 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe chị L. dần hồi phục và dự kiến sẽ được xuất viện trong ít ngày tới.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai có khoảng 150 bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên mắc bệnh sởi. Trong đó chỉ có 2 trường hợp đã tiêm vaccine phòng sởi, gần 100 trường hợp chưa tiêm vaccine, còn lại không rõ lịch sử tiêm chủng.
Trong khi đó, chị C.T.N., ngụ phường Tân Vạn (thành phố Biên Hòa) cũng “gắng gượng” nằm ở nhà điều trị 10 ngày trước khi nhập viện. Chị N. có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, thiếu máu, xơ gan, đến khi thấy mệt mỏi, người nóng lạnh thì tự ý đi chích thuốc ở một phòng khám tư bên ngoài. Khi nhập viện, chị N. được chẩn đoán bị sởi biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp.
Bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho hay từ cuối tháng 10 đến nay, số ca bệnh sởi nhập viện tăng nhanh, mỗi ngày khoảng 5-10 ca. Do bệnh đông nên khoa phải kê thêm giường ở ngoài hành lang để bệnh nhân nằm. Cộng dồn từ đó đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 ca bệnh sởi, độ tuổi từ 20-40. Trong số này có khoảng 10 ca cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy, 2 ca phải sử dụng máy thở HFNC, 1 ca bị suy đa cơ quan phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.
Do bệnh sởi có tốc độ lây lan nhanh, để tránh lây nhiễm cho những bệnh nhân khác, khoa đã tiến hành cách ly khu vực điều trị bệnh nhân mắc sởi, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp khác. Hiện tại, có 19 bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại khoa.
Còn tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng đang điều trị cho 9 bệnh nhân mắc bệnh sởi là người lớn. Một số bệnh viện khác như Đồng Nai - 2, Hoàn Mỹ Đồng Nai cũng có bệnh nhân mắc sởi đang điều trị.
Bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh khác
Theo bác sĩ Duy, bệnh sởi ở người lớn có các triệu chứng như ở trẻ em nhưng thường bị nhầm với một số bệnh khác. Người bệnh thường bị sốt cao, ho nhiều, tăng tiết đường hô hấp, viêm kết mạc mắt. Giai đoạn khởi phát, bệnh nhân có các hạt trắng bên trong má.
Thời gian từ khi khởi phát bệnh đến khi hết bệnh từ 10-15 ngày. Những ngày đầu khi bệnh mới khởi phát và chưa nổi các ban đỏ là giai đoạn virus sởi lây lan mạnh qua đường hô hấp hoặc qua kết mạc mắt. Nhiều người thường nhầm lẫn bệnh sởi với một số bệnh có nổi ban trên cơ thể như dị ứng, sốt phát ban. Các nốt ban ở người bệnh sởi nổi theo trình tự từ sau tai đến mặt, cổ, ngực, lưng, bụng, tay chân.
Về nguồn lây bệnh sởi, hầu hết các bệnh nhân mắc sởi là công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn tỉnh, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và không biết chính xác nguồn lây bệnh sởi từ đâu. Nhiều bệnh nhân nữ chăm sóc con bị bệnh sởi tại bệnh viện cũng bị lây nhiễm sởi, có thể lây bệnh tử con hoặc từ môi trường bệnh viện…
Bác sĩ Duy lưu ý, bệnh sởi ở người lớn nếu trở nặng có thể gây các biến chứng như: viêm phổi, viêm não, liệt tứ chi, động kinh, thậm chí mù lòa, trong một số trường hợp có thể suy tạng, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Phụ nữ mang thai bị bệnh sởi có thể đối mặt với các rủi ro như sinh non hoặc sảy thai.
“Có những bệnh nhân nhập viện trễ gặp phải các biến chứng khá hiếm gặp như giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết, viêm loét củng mạc kết mạc rất nguy hiểm. Có bệnh nhân điều trị không đáp ứng với thuốc, chụp phim thì thấy phổi trắng xóa, men gan tăng cao, suy thận… phải chuyển lên tuyến trên để được hỗ trợ điều trị chuyên sâu” - bác sĩ Duy nói.
Bệnh sởi hiện đã có vaccine phòng ngừa nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhằm tiêu diệt virus sởi. Do vậy, bệnh nhân khi nhập viện sẽ được điều trị nâng đỡ, điều trị triệu chứng. Nếu bệnh nhân bị biến chứng ở bộ phận nào thì bác sĩ sẽ điều trị để đáp ứng ở bộ phận đó.
Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc nam hay thuốc dân gian truyền miệng để điều trị bệnh sởi vì sẽ khiến cho bệnh ngày càng nặng thêm và có nguy cơ tử vong do không được điều trị kịp thời.
Khi có triệu chứng như sốt và phát ban, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt. Đặc biệt với những người mắc các bệnh nền hoặc bệnh nhân ung thư, đang điều trị bằng hóa chất khi có các triệu chứng trên cần hết sức lưu ý, không nên chủ quan và tự ý mua thuốc bên ngoài để điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, để ngăn ngừa bệnh sởi một cách hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vaccine sởi đơn và vaccine có thành phần sởi như sởi - rubella hay sởi - quai bị - rubella. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang ở những nơi đông người, thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cũng rất quan trọng.