Người trẻ tìm lối đi mới cho tranh Đông Hồ

Lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ, nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã dành 1 năm nghiên cứu để tìm ra giá trị ứng dụng mới.

Nhân vật trong tranh Đông Hồ khi 'bước ra' trở thành sản phẩm decor trang trí vẫn giữ nguyên đặc trưng văn hóa dân gian.

Nhân vật trong tranh Đông Hồ khi 'bước ra' trở thành sản phẩm decor trang trí vẫn giữ nguyên đặc trưng văn hóa dân gian.

Lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ, nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã dành 1 năm nghiên cứu để tìm ra giá trị ứng dụng mới, giúp lan tỏa vẻ đẹp di sản Kinh Bắc.

Khao khát lan tỏa giá trị di sản

Vượt qua hàng trăm dự án, nhóm 5 sinh viên đến từ Khoa Nội thất - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhì khối sinh viên với dự án “Đông Hồ mới - Bộ lưu niệm tượng 3D Đông Hồ và set tô tượng” trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND TP Cần Thơ tổ chức.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động tiếp tục triển khai Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023.

Với ý tưởng kết hợp truyền thống và in 3D hiện đại, tìm ra lối đi mới cho dòng tranh Đông Hồ trước sự mai một của thời gian, dự án “Đông Hồ mới - Bộ lưu niệm tượng 3D Đông Hồ và set tô tượng” của nhóm 5 sinh viên: Lưu Thủy Nguyên, Phạm Thị Dung, Nguyễn Phạm Thu Trang, Trần Thị Thủy Trang và Vũ Huy Hoàng đã xuất sắc giành giải Á quân.

Để đạt được thành quả này, nhóm sinh viên đã rất vất vả, nỗ lực tìm tòi và đưa ra những ý tưởng có thể hiện thực hóa di sản trong đời sống đương đại. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, việc làm hồi sinh hoặc vực dậy các giá trị bị quên lãng cũng được gắn với trách nhiệm của những người trẻ.

Nhóm 5 sinh viên Khoa Nội thất đã tập hợp và đi tìm cảm hứng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) và lập ra nhóm dự án lấy tên “Đông Hồ mới” để tìm hiểu cặn kẽ lịch sử, đặc trưng, giá trị để có thể chuyển hóa di sản trong hình hài mới, chất liệu mới nhưng vẫn giữ nguyên những hồn cốt tinh túy của cha ông.

Các bạn trẻ liên tục ngược xuôi với hành trình Hà Nội – Bắc Ninh để gặp gỡ nghệ nhân, thợ lành nghề, trực tiếp xem – nghe – làm tranh và đắm mình vào không gian di sản của những “Vinh hoa phú quý”, “Hái dừa”, “Đánh ghen”, “Mục đồng thổi sáo”, “Đám cưới chuột”... để rồi thực sự hiểu những mênh mông của văn hóa dân tộc, những ẩn ý thông điệp của di sản ngàn năm, như thi sĩ Hoàng Cầm đã viết: “Tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, các bạn trẻ thấy được cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc, tỏ tường được sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván.

Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh. Thế nên để nắm bắt được hồn cốt và những tinh túy di sản, nhóm “Đông Hồ mới” không chỉ phải chú tâm, tỉ mỉ mà thực sự phải đặt tất cả tâm trí và cả tâm hồn vào những đường nét, màu sắc mà dòng tranh di sản đã tạo ra.

“Sự mai một của tranh Đông Hồ đã đến mức báo động. Là người trẻ, trách nhiệm là phải bảo tồn, phát huy và lan tỏa rộng rãi tới mọi người. Từ đó, nhóm “Đông Hồ mới” chúng em đã quyết tâm tìm ra một lối đi mới có tính ứng dụng cao, để làm sao hồn cốt dân gian Đông Hồ được hiện diện trong đời sống đương đại”, bạn Phạm Thị Dung cho hay.

 Nhóm 5 sinh viên Khoa Nội thất – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt giải Nhì cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024'.

Nhóm 5 sinh viên Khoa Nội thất – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt giải Nhì cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024'.

Đưa di sản thành vật phẩm hiện hữu

Trong hồ sơ dự án “Đông Hồ mới - Bộ lưu niệm tượng 3D Đông Hồ và set tô tượng” được mô tả: Nhân vật trong tranh dân gian Đông Hồ kết hợp các phần mềm dựng hình (3dsmax, blender...) và công nghệ in 3D trên nền đa chất liệu ưu tiên nhựa resin (anycubic).

Trong đó, sản phẩm sản xuất bằng vật liệu làm từ thực vật - thân thiện môi trường, công nghệ in 3D có độ chi tiết sắc nét, bề mặt hoàn thiện, đa dạng hóa mẫu mã trong bối cảnh thị trường có rất ít dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ trong trang trí nội thất mang nét văn hóa Việt Nam.

Bạn Lưu Thủy Nguyên – trưởng nhóm “Đông Hồ mới” cho biết, 3D hóa tranh Đông Hồ từ tranh 2D thông thường còn mang đến góc nhìn mới, tâm hồn mới, thú vị và hấp dẫn nhưng vẫn giữ được đường nét đặc trưng các nhân vật trong tranh. Hình thức tô tượng 3D đem lại trải nghiệm để công chúng hiểu hơn về câu chuyện các nhân vật trong tranh qua tấm thiệp ý nghĩa tặng kèm.

Nhóm 'Đông Hồ mới' chuyển thể bức tranh 'Đám cưới chuột' thành tác phẩm tượng decor.

Nhóm 'Đông Hồ mới' chuyển thể bức tranh 'Đám cưới chuột' thành tác phẩm tượng decor.

“Không chỉ mang đến bộ sản phẩm trang trí nội thất mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam, dự án còn hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc bằng cách đưa sản phẩm dân gian Đông Hồ gần gũi hơn với mọi người. Đồng thời, tạo công việc cho sinh viên nghệ thuật, lao động phổ thông và một phần nhóm người khiếm khuyết trong xã hội”, bạn Lưu Thủy Nguyên bày tỏ.

Xuất phát từ đề án cấp trường, sau 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm, thay vì chỉ nhìn bề mặt 3D thì sản phẩm có thể cầm nắm và cảm nhận được. Sau in 3D, nhóm bạn trẻ thực hiện phủ màu, dát vàng và hoàn thiện để sản phẩm thực sự trở thành những tác phẩm hiện hữu mang hình hài và cốt cách Đông Hồ.

Chú lợn trong tranh giờ đây có thể đứng độc lập như một decor đẹp mắt; chú gà, con trâu hay cậu bé thổi sáo... cũng trở thành những vật dụng nội thất trang trí tinh xảo thấm đẫm tinh thần văn hóa dân gian.

Nhóm “Đông Hồ mới” cho biết, nhóm đã có 8 bộ tranh - là những bộ tranh nổi tiếng, gần gũi và dễ nhận diện nhất. Hiện tại, nhóm đã đưa các bộ tranh này ra thị trường để từng bước phát triển dự án và đưa văn hóa dân gian Đông Hồ phủ rộng khắp các vùng miền.

“Vẫn là từ cái gốc của tranh dân gian Đông Hồ, nhưng qua lăng kính cũng như góc nhìn mới trẻ trung hiện đại hơn, dễ tiếp cận với công chúng, sản phẩm có tính ứng dụng cao trong nội thất của nhà ở hiện đại. Bản thân chúng tôi cũng như các bạn sinh viên cũng rất hài lòng với dự án, và ban giám khảo của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cũng nhất trí trao giải Nhì cho dự án này”, PGS.TS Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội thất (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tre-tim-loi-di-moi-cho-tranh-dong-ho-post685569.html