Người trẻ tìm về 'nhà giam ký ức' trong tháng Tư lịch sử

Tưởng nhớ tháng Tư lịch sử, nhiều bạn trẻ lựa chọn ghé thăm Nhà tù Hỏa Lò không chỉ tham quan, mà còn để lắng nghe tiếng vọng quá khứ bằng cả trái tim, tìm lại bài học về lòng yêu nước và thêm trân trọng những giá trị của tự do, hòa bình hôm nay.

Dù không phải là cuối tuần hay nghỉ lễ, nhiều người trẻ đã có mặt tại Nhà tù Hỏa Lò để tìm hiểu về một phần lịch sử. (Ảnh: Diệu Yến)

Dù không phải là cuối tuần hay nghỉ lễ, nhiều người trẻ đã có mặt tại Nhà tù Hỏa Lò để tìm hiểu về một phần lịch sử. (Ảnh: Diệu Yến)

Tuy không giỏi trong việc ghi nhớ các sự kiện lịch sử, song Hải Ngân (sinh năm 2007, quê Hà Nam) khao khát đến gần hơn với lịch sử dân tộc. “Cụ mình từng là giao liên trong thời kháng chiến chống Pháp và là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Bác mình cũng tham gia quân ngũ. Chính vì vậy, mình rất muốn tìm hiểu những di tích lịch sử này”, Hải Ngân chia sẻ.

Truyền thống gia đình cách mạng thôi thúc Hải Ngân tìm về lịch sử của dân tộc. (Ảnh: Mỹ Lam)

Truyền thống gia đình cách mạng thôi thúc Hải Ngân tìm về lịch sử của dân tộc. (Ảnh: Mỹ Lam)

Cũng theo Ngân, mỗi bạn trẻ nên có trong mình lòng yêu nước nồng nàn và một tinh thần ham học hỏi về lịch sử gian lao. Từ đó, người trẻ sẽ thêm yêu quê hương và thêm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc ta.

Hồng Nhung (1996, Hải Dương) mong muốn đến Nhà tù Hỏa Lò từ lâu nên đã tranh thủ cận dịp 30/04 ghé thăm nơi này. Nhung cho rằng, đây chính là nơi củng cố thêm lòng yêu nước, tinh thần cách mạng ở thanh niên.

Hồng Nhung dành ngày nghỉ để đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Mỹ Lam)

Hồng Nhung dành ngày nghỉ để đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Mỹ Lam)

“Thời đại trước đây, nhân dân ta có thể cầm súng, cầm gươm lên mà chiến đấu. Còn đối với thời bình, chúng ta cần cống hiến bằng tất cả sức lực của mình qua lao động, học tập hăng say, sống tử tế và có ích cho đời”, Hồng Nhung cho hay.

Tranh thủ thời gian ngắn ngủi trong chuyến thăm thủ đô, Thiên Đỉnh (2003, Đà Nẵng) quyết định cùng bạn bè dành một buổi chiều tìm hiểu về khu di tích đặc biệt Nhà tù Hỏa Lò.

“Đọng lại trong tâm trí mình là hình ảnh tù nhân chính trị bị xử tử. Tại đây, các tư liệu được tái hiện một cách chân thực khiến mình càng thêm trân trọng quá khứ và cố gắng gìn giữ và dựng xây đất nước”, Thiên Đỉnh giãi bày.

Thiên Đỉnh mong muốn chia sẻ di tích này đến các bạn nước ngoài tại Mỹ và Philipin và sẽ tiếp tục dẫn bạn bè đến trải nghiệm nếu có cơ hội. (Ảnh: Diệu Yến)

Thiên Đỉnh mong muốn chia sẻ di tích này đến các bạn nước ngoài tại Mỹ và Philipin và sẽ tiếp tục dẫn bạn bè đến trải nghiệm nếu có cơ hội. (Ảnh: Diệu Yến)

Nhận thức được bản thân may mắn sinh ra trong thời bình, Thanh Trúc (2002, Đà Nẵng) không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm di tích lịch sử khi đến Hà Nội. Cô nàng từng thấy Nhà tù Hỏa Lò trên các phương tiện truyền thông và tò mò muốn ghé thăm. Ngay khi tới đây, Thanh Trúc không khỏi xúc động bởi những hình ảnh chân thực đến xót xa.

Thanh Trúc bất ngờ vì có nhiều người trẻ như mình tìm về di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Mỹ Lam)

Thanh Trúc bất ngờ vì có nhiều người trẻ như mình tìm về di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Mỹ Lam)

Thanh Trúc tâm sự: “Lúc thấy tên của những chiến sĩ cách mạng được ghi lại các tấm bia và khung ảnh lớn trong Nhà tù Hỏa Lò, mình đã nhận ra tên họ xuất hiện trên các biển chỉ đường ở Hà Nội”. Cô cũng động viên thế hệ trẻ nên ghé thăm các di tích lịch sử ít nhất một lần để hiểu hơn về lịch sử và tưởng nhớ cha ông ta đã quật cường đấu tranh giành độc lập, tự do ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Giữa lòng thủ đô, Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một “địa chỉ đỏ” không thể lãng quên trong trái tim người Việt, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với người trẻ.

Giữa lòng thủ đô, Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một “địa chỉ đỏ” không thể lãng quên trong trái tim người Việt, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với người trẻ.

Hồng Hoa - Mỹ Lam - Diệu Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-tim-ve-nha-giam-ky-uc-trong-thang-tu-lich-su-post1732880.tpo