Nhà thầu cao tốc qua Bình Định phải vào Khánh Hòa mua đá

Nhà thầu cao tốc qua Bình Định vượt hàng trăm km vào Khánh Hòa tìm nguồn đá đảm bảo chất lượng.

Chủ động nguồn đá chất lượng

70km cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn qua tỉnh Bình Định liên tục có mưa lớn, nhiều hạng mục chính không thể thi công nhưng nhà thầu vẫn không nhàn rỗi.

Ngoài linh hoạt ứng phó mưa lũ, bảo vệ khối lượng đã đạt được và chuyển sang các hạng mục phụ, các nhà thầu cũng đang khẩn trương tìm kiếm nguồn đá phù hợp để sẵn sàng thảm nhựa mặt đường khi thời tiết thuận lợi.

Nhà thầu cao tốc qua Bình Định tìm nhiều nguồn đá đảm bảo để thi công cao tốc.

Nhà thầu cao tốc qua Bình Định tìm nhiều nguồn đá đảm bảo để thi công cao tốc.

Tại gói thầu 12-XL, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đảm nhận thi công gần 7km, đoạn từ Km 50+465 - Km 57+460. Hiện nay, đơn vị này đã hoàn thành đắp nền K98, cấp phối đá dăm và thảm CTB được một số đoạn, sẵn sàng để thảm nhựa mặt đường khi thời tiết thuận lợi.

Ông Mai Huy Cử, Phó giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc cho hay, ngay từ thời điểm mới đắp nền đường, đơn vị đã chủ động khảo sát một số mỏ vật liệu đá trên địa bàn để sẵn sàng phục vụ thi công khi cần thiết.

Tuy nhiên, qua khảo sát một số mỏ đá tại Bình Định, nhận thấy chất lượng đá ở đây không đảm bảo, nếu sử dụng để thảm nhựa nguy cơ cao sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Do đó, đơn vị đã phải ra các tỉnh khác để tìm nguồn đá, trong đó có khảo sát các mỏ đá tại Quảng Bình và Khánh Hòa. Sau đó, đã ký được hợp đồng với một đơn vị cung cấp tại tỉnh Khánh Hòa.

"7km đơn vị tại gói thầu này cần khoảng 100.000m3 đá các loại để thảm lớp mặt. Ban đầu, dự toán kinh phí với 1m3 đá tại Bình Định khoảng xấp xỉ 300.000 đồng. Tuy nhiên, đơn vị phải mua đá từ tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi vận chuyển từ Khánh Hòa về đến chân công trình, 1m3 đá sẽ tăng lên từ 600 - 700 nghìn/m3. Giá cao hơn rất nhiều, đơn vị phải làm lại dự toán kinh phí. Ngay cả khi chịu lỗ, đơn vị cũng phải lựa chọn nguồn vật liệu đảm bảo chất lượng để thi công công trình trọng điểm Quốc gia này", ông Cử chia sẻ.

Những ngày này, nguồn vật liệu đá được đơn vị cung cấp vận chuyển bằng đường biển về cảng Quy Nhơn. Sau đó vận chuyển bằng đường bộ để cung cấp đến nhà thầu, sẵn sàng nguồn vật liệu để tiến hành thảm nhựa khi thời tiết thuận lợi.

Nguồn đá để thảm mặt đường cao tốc được kiểm tra rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cho công trình.

Nguồn đá để thảm mặt đường cao tốc được kiểm tra rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cho công trình.

Tại gói thầu 12-XL cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCT (Cienco 8) đảm nhận 5km. Hiện tại, đơn vị đã hoàn thiện thảm CTB tất cả phần khối lượng, sẵn sàng thảm nhựa mặt đường.

Những ngày mưa lớn liên tiếp vừa qua, công trình tạm thời chững lại, ông Nguyễn Thành Luân, Chỉ huy trưởng của đơn vị vào tận tỉnh Khánh Hòa để tìm nguồn đá phù hợp, đảm bảo chất lượng và ký hợp đồng để đưa về tập kết tại chân công trình, sẵn sàng thảm nhựa khi thời tiết thuận lợi hơn.

Sẵn sàng chia sẻ

Tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Tập đoàn Sơn Hải hiện đã thảm nhựa lớp 2 được hơn 7km. Đây là nhà thầu có mỏ đá đảm bảo chất lượng để thi công mặt đường cao tốc.

Khối lượng đơn vị này đảm nhận lên đến 22km, trong khi công suất mỏ đá không cao. Tuy nhiên, chia sẻ khó khăn về nguồn vật liệu với các nhà thầu khác tại dự án, Tập đoàn Sơn Hải cho biết, khi thi công xong, nếu nguồn đá tại mỏ còn, đơn vị sẽ sẵn sàng chia sẻ với các nhà thầu khác.

"Nếu nguồn đá tại đây còn, chúng tôi sẽ vận chuyển vào đoạn cuối tuyến để thảm nhựa tại phần khối lượng của nhà thầu Tập đoàn Trường Thịnh. Tinh thần của đơn vị là cùng với các nhà thầu khác đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án, đưa dự án này về đích đúng thời điểm mà chủ đầu tư yêu cầu", đại diện Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ.

Nhiều đoạn cao tốc qua Bình Định đã được thảm nhựa mặt đường.

Nhiều đoạn cao tốc qua Bình Định đã được thảm nhựa mặt đường.

Cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài 118km, gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, nhu cầu đá sử dụng cho toàn bộ 3 đoạn tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh khoảng 6,5 triệu m3. Trong đó, khoảng 4,5 triệu m3 được lấy từ các mỏ thương mại, có 1,05 triệu m3 tận dụng từ đá đào hầm số 3 (giáp Quảng Ngãi và Bình Định) và 894 nghìn m3 được tận dụng từ 5 đoạn đào trên tuyến chính.

Theo hồ sơ khảo sát thiết kế được phê duyệt, đá làm vật liệu xây dựng được tận dụng từ đá đào hầm số 3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tuy nhiên, đánh giá nguồn đá này không sử dụng được, chủ đầu tư đã đề nghị nâng công suất 4 mỏ (Hợp tác xã Bình Đê, Kim Thành, Trường Thịnh, Hoài Mỹ), trữ lượng ước khoảng hơn 1 triệu m3 trong thời gian 2 năm để phục vụ dự án.

Trước đề nghị trên, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định nâng công suất giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH Thương mại Hoài Mỹ tại xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn và mỏ đá thuộc khu vực phía Tây đèo Bình Đê (xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn) của Công ty Trường Thịnh để phục vụ thi công cao tốc Quảng ngãi - Hoài Nhơn.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-thau-cao-toc-qua-binh-dinh-phai-vao-khanh-hoa-mua-da-192241220171733461.htm