Nhà văn Vũ Thiện Khái- 80 tuổi, vẫn nặng nợ văn chương

Nhà văn Vũ Thiện Khái (80 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Tân Châu) được nhiều người biết đến sau khi tập truyện 'Phố Ninh cố sự' của ông đoạt giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ III và giải C Giải thưởng VHNT năm 2021 do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức.

Nhà văn Vũ Thiện Khái.

Nhà văn Vũ Thiện Khái.

“Phố Ninh cố sự” là tập truyện dày 274 trang, xuất bản năm 2020. Tập truyện gồm 17 truyện ngắn, nội dung kể về những câu chuyện gia đình, xã hội ở làng quê tỉnh Tây Ninh cũng như tỉnh Ninh Bình.

Tác giả tâm sự, ông sinh ra và lớn lên ở làng quê Ninh Bình, tám chín tuổi đã chứng kiến cuộc kháng chiến chống Pháp trên quê hương mình. Mỗi khi giặc Pháp càn vào làng, ông theo gia đình tản cư. Đến khi trở về đau lòng chứng kiến bạn bè có người chết, người bị thương.

Ở Ninh Bình có con sông Đáy. Ban đêm thường xuyên có những đoàn xe tải chở quân giới đến bờ sông. Lúc đó ông đã tham gia lực lượng chiến đấu tại chỗ của xã, cùng với nhiều thanh niên trai tráng trong làng vận chuyển vũ khí, đạn dược xuống những con đò tiếp tế cho miền Nam kháng chiến.

Năm 1962, khi mới học năm thứ 2, khoa Ngữ Văn, Đại học tổng hợp Hà Nội, ông phải rời giảng đường vì mắc bệnh tim. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1980, ông cùng gia đình di dân vào Nam, sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc sống khó khăn, ông lại đưa gia đình theo chân người bạn về Tây Ninh lập nghiệp đến nay. Tất cả những chuyện xảy ra trong dòng đời xuôi ngược ấy, đều được ông viết thành những truyện ngắn và tập hợp trong “Phố Ninh cố sự”.

Trong “Phố Ninh cố sự”, độc giả dễ dàng bắt gặp hình ảnh làng quê Ninh Bình và cuộc sống ở miền Nam. “Ông nội gã với ông giáo Ấm là anh em con cô con cậu. Trước Cách Mạng, phố Ninh đã có một trường tiểu học do ông Ấm làm hiệu trưởng.

Cha gã dạy ở đấy. Tháng Tám 1945, ông Ấm dẫn đoàn người giương cờ đỏ, rùng rùng lên chiếm huyện đường. Vai trò Việt Minh bí mật của ông bấy giờ mới lộ diện. Mấy năm sau, quân Pháp nhảy dù lập tề một vùng rộng lớn, trong đó có phố Ninh.

Trường tiểu học hoạt động như thường. Cha gã vẫn tiếp tục phận sự hương sư…” (trích truyện Phố Ninh cố sự). Trong truyện “Hun hút gió Khe Đon”, Vũ Thiện Khái kể: “Nhờ ông bạn phế binh của ba tôi đã ở đây tự ngày đầu thành lập vùng kinh tế mới này đứng ra bảo lãnh, gia đình tôi được chấp thuận tạm trú dài hạn.

Chỗ ấy nằm sâu tít trong rừng. Nhà cửa còn tuềnh toàng mái tranh vách đất, căn nọ với căn kia tăm tắp cách đều nhau, tăm tắp cùng một hướng quay ra con đường thẳng đuột từ đầu đến cuối xã. Dân cư lúc đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển về. Nhà nào có lao động khỏe mạnh thì thả sức khai hoang làm rẫy.

Nhà toàn đàn bà con gái thì mở quán cò con bán chút mắm, chút muối, cái kim, sợi chỉ. Nhà không chịu nổi cảnh đời heo hút thì chạy về thành phố, bỏ lại căn nhà cỏ leo đến tận nóc mái tranh, bỏ cả cuốc, rựa và thửa vườn lổn nhổn gò mối to nhỏ chưa động nhát cuốc nào.

Gia đình chúng tôi được ông trưởng ấp cho tiếp thu một trong những chỗ vừa bỏ trống ấy. Chả phải mua sắm gì, chỉ mất công sửa sang chút ít là đã có một mái ấm che mưa che nắng…”.

Ở tuổi 80, hằng ngày ông vẫn dành thời gian biên tập, sửa chữa những tác phẩm còn dang dở.

Ở tuổi 80, hằng ngày ông vẫn dành thời gian biên tập, sửa chữa những tác phẩm còn dang dở.

Nhà văn Vũ Thiện Khái cho biết thêm, tập truyện “Phố Ninh cố sự” được sáng tác trong thời gian 2 năm, phần lớn những truyện này đã được đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước đó, Vũ Thiện Khái đã cho ra đời tập truyện “Sông Nguồn” gồm 15 truyện ngắn, xuất bản năm 2016. Điều làm nên sự hấp dẫn của “Sông Nguồn” chính là, mỗi truyện là một câu chuyện độc lập, nhưng nhân vật trong truyện có nội dung liên kết xuyên suốt từ đầu đến cuối tập truyện.

Đó là câu chuyện kể về một chàng sinh viên, nhân dịp nghỉ hè tìm về cội nguồn quê hương qua ký ức của bà nội. Chàng sinh viên lần lượt đi qua nhiều làng văn hóa, câu chuyện đan xen giữa quá khứ với hiện tại cùng với những tình huống sai lầm, hóa giải, tạo nên kịch tính.

Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, nhà văn Vũ Thiện Khái cho ra đời 4 tập truyện ngắn, gồm “Đất thiêng”, “Thao thức sông quê”, “Sông Nguồn”, “Phố Ninh cố sự” và 1 tập thơ “Hương hoa mộc”.

“Đến năm cuối trung học phổ thông, làm hồ sơ thi đại học, cha tôi bảo ghi quê quán Ninh Bình. Không thêm một thông tin gì. Tôi lại nổi máu tò mò muốn khám phá cái miền đất Ninh Bình ấy mặt mũi ra sao.

Tôi căn vặn bà nội, được bà đáp lào nhào qua đôi môi nhăn nhúm: Quê cha đất tổ của nhà mình mãi tận sông Nguồn ngoài Bắc. Xa lăng lắc, dằng dặc đường đi chẳng có chỗ cuối cùng. Nói rồi bà nhắm nghiền hai mí mắt chảy xệ rất nhiều nếp nhăn xếp chồng lên nhau, kẽ mắt lúc nào cũng ướt loèn nhoèn nhấp nha nhấp nhính.

Nóng lòng muốn hỏi thêm nhiều câu nữa, tôi chỉ được bà mệt mỏi lắc nhẹ mái đầu bạc phơ và một câu duy nhất: Bố anh và cô anh cũng nhờ tắm táp, uống nước sông Nguồn mới nên người đấy. Năm ấy bà gần chạm chín chục tuổi rồi.

Tôi tìm trên bản đồ không có con sông Nguồn nào cả.

Vậy thì sông Nguồn ở đâu?...” (trích “Sông Nguồn” của Vũ Thiện Khái).

Năm nay, nhà văn Vũ Thiện Khái đã bước vào tuổi 80, căn bệnh tim vẫn còn, thêm các bệnh huyết áp, rối loạn tiền đình, nhưng hằng ngày ông vẫn dành thời gian biên tập, sửa chữa lại những tác phẩm còn dang dở của mình. Vũ Thiện Khái tâm sự: “Hiện nay, tôi còn ấp ủ nhiều đề tài. Trong lòng dạt dào muốn viết. Trong đầu cựa quậy muốn viết…”.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nha-van-vu-thien-khai-80-tuoi-van-nang-no-van-chuong-a145589.html