Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển nhà ở xã hội

Tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội,

Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" - chức sự kiện thường niên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" - chức sự kiện thường niên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Với loạt giải pháp cải cách đang được triển khai, tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội.

Đây là chia sẻ của bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" - chức sự kiện thường niên do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội.

Tại sự kiện, Cục trưởng Tống Thị Hạnh khẳng định, bất động sản là một trong những thị trường trụ cột của nền kinh tế quốc dân, không chỉ đóng vai trò thu hút nguồn lực đầu tư mà còn góp phần hình thành các tài sản cố định có giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Qua đó, thị trường này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và góp phần tái định hình diện mạo đô thị hiện đại.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thị trường bất động sản còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như tài chính - tiền tệ, xây dựng, vật liệu, logistics... Nhờ đó, sự phát triển của thị trường này luôn gắn liền với chuyển động chung của toàn nền kinh tế, là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi phát triển bền vững.

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố trong nước và quốc tế. Áp lực từ lạm phát, lãi suất, dòng vốn tín dụng siết chặt cùng với những biến động kinh tế toàn cầu đã khiến năng lực sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bất động sản thông qua việc liên tục rà soát, sửa đổi và bổ sung nhiều cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khi hàng loạt chỉ đạo điều hành từ Chính phủ và các bộ ngành đã được ban hành, nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc, phục hồi niềm tin và hướng tới mục tiêu phát triển thị trường bất động sản theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững.

Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Bà Tống Thị Hạnh đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác và kinh doanh bất động sản. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các lực lượng có liên quan trực tiếp đến thị trường nhà đất, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.

“Đặc biệt, hiệp hội đã phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia góp ý, đề xuất xây dựng chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở và bất động sản. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, hiệp hội còn tích cực tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành, từ đó kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khả thi, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững", Cục trưởng Tống Thị Hạnh ghi nhận.

Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, bà Hạnh cho biết thêm, trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng cấp thiết, đặc biệt đối với người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển phân khúc này.

Bộ Xây dựng cũng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã hội; trong đó có đề xuất hàng loạt giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của nhân dân.

Loạt cải cách toàn diện đã được đề xuất và triển khai, từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu đến xác định giá bán, giá thuê. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt giảm đáng kể; trong đó, các thủ tục về đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu, phòng cháy chữa cháy… được lồng ghép và đơn giản hóa theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, để phân khúc này thực sự bứt phá, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm. Không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch VNREA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch VNREA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch VNREA nhận định, trong bối cảnh đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ tư duy cho đến những hành động cụ thể đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, như ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân…

Liên quan đến thị trường bất động sản, 3 bộ luật quan trọng của thị trường gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực, hỗ trợ rất lớn cho thị trường trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới. Bởi 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2021 - 2025 và chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới 2026 - 2030 - nhiệm kỳ để bước vào Kỷ nguyên mới của dân tộc; trong đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản trong kỷ nguyên mới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đang từng bước phục hồi, tuy nhiên tốc độ còn chậm.

Nguồn vốn chảy vào thị trường đã ghi nhận những diễn biến đáng chú ý. Dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối năm 2024 ước đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh 18%, còn tín dụng cho nhà ở tăng khoảng 6,5%, đưa tổng mức tăng tín dụng bất động sản lên khoảng 12%.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,1% đạt 1.580 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay lại hoạt động tiếp tục tăng 42% lên 1.858 đơn vị, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã bắt đầu giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới trong giai đoạn này lại sụt giảm 10,8% - ông Lực dẫn chứng.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất tích cực cho thị trường bất động sản. Riêng trong 4 tháng qua, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 26,9%), với mức giải ngân đạt 533 triệu USD (chiếm 7,9%).

Quý I/2025, thị trường ghi nhận chưa có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu mới. Có thể thấy, sự phục hồi của thị trường trái phiếu đã tích cực trong năm ngoái nhưng chậm lại vào đầu năm nay. Nhưng tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2025 ước tính khoảng 173.000 tỷ đồng; trong đó bất động sản chiếm khoảng 62.000 tỷ đồng được gia hạn từ các năm trước.

Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo với khoảng 93.500 tỷ đồng đáo hạn, tương đương 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Cho dù nguồn cung nhà ở thương mại mới trong quý I/2025 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024 nhưng vẫn chỉ bằng 50% so với quý liền trước. Giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng ghi nhận khởi sắc khi số lượng giao dịch tăng gấp đôi cùng kỳ, song quy mô giao dịch chỉ bằng một nửa quý IV/2024… Đặc biệt, dù nguồn cung có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-chu-dong-tham-gia-phat-trien-nha-o-xa-hoi/372967.html