Nhớ cải trên trời
Nói cải trên trời tức cây rau cải tàu bay. Đây là loài rau dại được biết đến và nổi tiếng qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Rau tàu bay là loại rau rừng giúp bộ đội ta làm nguồn thực phẩm thay cho rau xanh trong những tháng năm chiến trường ác liệt.

Khu vườn ngày xưa nơi mẹ ba yên nghỉ vẫn mọc đầy những cây cải tàu bay.
Tôi nhớ ngày đó ba vẫn bảo thế, mỗi khi chị em tôi hái những bó tàu bay về làm món canh, món dưa muối cho bữa cơm hằng ngày mà hạt gạo còn rất khan hiếm, nồi cơm còn độn lớp năm, lớp ba khoai sắn những năm tháng đất nước vừa giải phóng.
Bao năm ly loạn, ngày đất nước thống nhất gia đình tôi từ Bắc dắt díu về quê cũ. Làng xóm sau chiến tranh tiêu điều xơ xác, cỏ lút vườn hoang. Khu vườn nhà nội ngày xưa còn hai cây mít cổ thụ chi chít vết đạn bom được coi như cột mốc đánh dấu để ba phát hoang tìm lại vô số mồ mả ông bà, cô bác, người thân yên nghỉ. Cùng với việc đắp lại các bờ đá, trồng tre để giữ đất trước những trận lụt lội thì ba làm một công việc mà chị em tôi rất thích thú đó là đào những đường giao thông hào, có nơi sâu ngang ngực. Chị em tôi có để chạy theo thông hào đùa vui, chơi những trò chơi tuổi thơ kể cả tránh nắng.
Tuổi thơ tôi chưa hiểu nhiều khi ba bảo, đây là sáng kiến độc đáo của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với những giao thông hào này trong chiến dịch vây lấn quân ta đã xiết chặt dần, rồi như chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Còn những giao thông hào của ba đơn giản chỉ để chia nước từ đồi cao chảy xuống mỗi mùa mưa cho đất vườn không xói lở, mồ mả ông bà được bình an. Và rồi từ giao thông hào ấy do đất mới được cày xới lại mọc lên biết bao nhiêu là cải tàu bay.
Thế hệ chị em tôi tuy may mắn không phải chứng kiến những năm tháng khói lửa ác liệt của chiến tranh nhưng tuổi thơ lại phải trải nghiệm những thiếu thốn đến cơ cực ngày quê hương bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, những năm thời kỳ hợp tác xã rồi bao cấp sau đó. Hương vị khay khay, hơi nồng (sau này mới biết có thêm vị như xăng xe) của món canh tàu bay, dưa muối tàu bay làm tôi nhớ mãi. Mẹ tôi không quen món này bởi ăn riết sẽ rất nóng bụng. Thế là món nước rễ cỏ tranh khi vỡ hoang đất vườn, sau mỗi buổi chiều mẹ lại nhặt nhạnh về khơi phong, sấy cho sem sém vàng, khử thổ để sắc nước uống rất hiệu nghiệm.
Cải tàu bay trở thành một phần ký ức tuổi thơ tôi ngày đó. Bây giờ mỗi lần trở về vườn cũ, nơi yên nghỉ của ba mẹ, mỗi mùa khô, nhất là sau mỗi lần dọn vườn, phát đốt thực bì, chỉ sau mỗi trận mưa rào, cải tàu bay lại mọc lên xanh tốt rất thích mắt. Những lúc như thế, anh em tôi lại hí húi hái vài nắm cho vào túi ni lông mang ra phố. Món cải tàu bay chừ đúng là rau sạch có thể nấu canh với riêu cua hay xào với thịt bò đều rất hợp, lạ và ngon miệng. Song điều lắng lại là những cảm xúc rưng rưng khi nhớ về những tháng năm gian khó, nhớ về ba mẹ chân lấm tay bùn một đời gắn bó với mảnh đất quê ân nặng nghĩa dày…
Tam Kỳ 27-3-2025
Tạp bút: Võ Văn Trường
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nho-cai-tren-troi-post310821.html