Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 6)

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa với muôn vàn cảm xúc khi về xóm Bản Phang, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) tìm gặp người chiến sỹ Điện Biên Nông Đình Coỏng. Bên ấm chè nóng, trong bộ quân phục với những tấm huân huy chương lấp lánh, ông chậm rãi kể về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng.

Người lính dũng cảm trên mặt trận

Sinh năm 1932, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông Coỏng nhập ngũ ngày 4/4/1952, biên chế về Trung đoàn 36, Đại đoàn quân Tiên phong 308. Ngay sau đó, Đại đoàn hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến đấu. Ông nhớ lại: Con đường cơ giới duy nhất lúc này là đường số 41, dài hơn 500 km, đi qua Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, lên đến Lai Châu. Đường đi khó khăn, hiểm trở, có những vùng địa hình núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn bị sụt lở, hành quân rất khó khăn.

Ông Nông Đình Coỏng kể về những kỷ niệm trong quân ngũ.

Ông Nông Đình Coỏng kể về những kỷ niệm trong quân ngũ.

Trước ngày nổ súng, địch nhảy dù 6 Tiểu đoàn Bộ binh xuống trận địa, lúc cao điểm, quân địch tăng cường 17 Tiểu đoàn Bộ binh, 3 Tiểu đoàn Pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội khoảng 200 chiếc xe vận tải và phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên với vô vàn súng ống, đạn dược. Ta chuyển từ chủ trương ban đầu “Đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Ông Coỏng kể với giọng tràn đầy khí thế: Quân địch đông và mạnh là thế cũng không thể đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Đã chọn con đường cách mạng, chúng tôi theo đến cùng, không màng cái chết mà quyết chiến giành lại độc lập dân tộc!

Ngừng giây lát nhấp một ngụm chè, trong khoảng lặng bồi hồi, từng hồi ức của thời lính trẻ bất khuất trước mũi súng quân thù ùa về khiến giọng nói người cựu chiến binh già trở nên trầm ấm hơn. Đầu năm 1954, Đại đoàn 308 hành quân đến Luông Pha Băng tham gia chiến dịch Thượng Lào, làm nhiệm vụ tấn công phòng tuyến được địch xây dựng dọc theo sông Nậm Hu nhằm tạo một hành lang lui quân Lào khi cần thiết. Với quyết tâm “đơn vị nào có khả năng cứ vượt lên trước, thấy địch là đánh, gặp bạn là phối hợp, kiên quyết truy kích địch đến cùng”, quân ta chia thành nhiều mũi tiến công và đã tạo sức mạnh áp đảo, làm cho địch chưa đánh đã tháo chạy, “cắt cầu” rút chạy của địch từ Điện Biên Phủ sang Lào, cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...

Chiến dịch Thượng Lào toàn thắng, Đại đoàn 308 trở về Điện Biên Phủ đúng ngày 13/3/1954, ngày mà ta nổ phát súng đầu tiên, giáng những trận pháo kích dữ dội hạ bệ cứ điểm Him Lam. Ngày 14/3/1954, tấn công vào đồi Độc Lập. Sau khi tiêu diệt hoàn toàn 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, Trung đoàn 36 đảm nhận nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Bản Kéo. Cứ điểm Bản Kéo lúc này do Tiểu đoàn ngụy Thái số 3 chốt giữ. Vào hồi 17 giờ ngày 17/3/1954, bằng sự kết hợp giữa công tác binh vận với sự chi viện của Đại đoàn Công pháo 351, không tốn một viên đạn, Trung đoàn chúng tôi bức hàng và bắt sống và thu toàn bộ vũ khí quân địch, xóa sổ cứ điểm cuối cùng của Phân khu Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch. Nói đến đây, giọng ông tràn đầy niềm phấn khởi, ánh mắt bừng sáng như đang trong chiến dịch ngày ấy.

Ông kể tiếp, cả sư đoàn được lệnh đào hào công sự và xây dựng trận địa phía Tây của cánh đồng Mường Thanh. Khi mặt trời khuất sau dãy núi cũng là lúc từng đoàn người rời khỏi hầm hào trú ẩn theo lệnh ùa xuống cánh đồng Mường Thanh. Chúng tôi đứng đào khi cách xa đồn địch, nhưng càng vào sâu càng nhiều gian khó, khi phải cúi đào, khi lại nằm đào, phải vô cùng cẩn thận vì nếu địch phát hiện tiếng động, chúng xả súng không thương tiếc... Dẫu nguy hiểm cận kề trước những đợt đèn dù hay địch bắn pháo sáng trắng cả một vùng, nhưng khi nhìn lại cánh đồng loang lổ màu đất cùng với màu lá ngụy trang, những nhánh hào ngang dọc tỏa khắp ngả như đang dần siết chặn quân địch chúng tôi càng thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Một hôm, Trung đội lấp một đoạn hào của quân địch dài chừng 50 m, ông được giao phó canh chừng đoạn đầu hào cách cứ điểm địch một khoảng cách rất nhỏ. Anh em động viên nhau nếu gặp địch thì chiến đấu đến cùng. Cầm chiếc Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên trong tay, ông tự hào kể về chiến tích: Hôm ấy tôi tiêu diệt được 3 tên địch, cả trung đội bắt được 15 tên, mang về đơn vị 15 khẩu súng cùng rất nhiều lương thực. Trong trận đánh theo phương án tác chiến dương công, một mình ông ôm 3 quả bộc phá, dũng cảm áp sát quân địch chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Ông say sưa kể cho chúng tôi về những trận đánh oanh liệt như thể vừa diễn ra ngày hôm qua. Trong những câu chuyện mà ông kể, bất kỳ khoảnh khắc, chi tiết nào về những chiến sỹ trong đơn vị cũng làm ông không khỏi xúc động. “Chiến trường khốc liệt lắm! Có người vừa nói chuyện với mình hôm trước, hôm sau đã ngã xuống rồi... Đồng đội của tôi, biết bao người đã nằm xuống, máu thắm đỏ cho vùng đất Điện Biên. Tôi và anh em trong tiểu đoàn đã hẹn nhau ngày toàn thắng nhất định sẽ gặp lại, nhưng may mắn để trở về cũng chỉ vài người. Giọng ông trùng xuống, đôi mắt rưng rưng giọt buồn.

Máy bay trinh sát, vũ trang địch quần đảo ngày đêm, “gió rét, đồi trơn, chân bấm đá”, người chỉ vắt cơm nguội lót dạ… Vậy mà anh em đồng đội, ai ai cũng quyết tâm chiến đấu. Ông hồi tưởng lại những bữa cơm nắm vội... Mỗi ngày hai nắm, anh nuôi mang cho chúng tôi từ sớm để tránh máy bay oanh tạc. Cũng có những hôm anh em phải nhịn đói hoặc ăn gạo rang, đôi khi là những củ mài, rau tàu bay để ăn qua ngày do anh nuôi trúng đạn. Thậm chí nhiều khi, bùn non dưới chân cũng là thứ bỏ bụng cho chiến sỹ lót dạ. Đói khổ là thế nhưng chúng tôi đều động viên nhau vững chí, đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược.

Những dấu ấn còn mãi

Những giai thoại về trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cứ tiếp diễn qua lời kể chậm rãi của ông Coỏng. Trời về chiều, đưa ánh mắt lặng ngắm hoàng hôn một hồi, ông Coỏng nở nụ cười trìu mến: Có lẽ suốt cả cuộc đời này, ngày mà tôi thấy hoàng hôn đẹp nhất chính là buổi chiều ngày 7/5/1954, vào hồi 17 giờ 30 phút, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh. Trên các quả đồi, quân ta kéo lên reo hò, mừng thắng lợi vang dội khắp núi rừng Tây Bắc. Không còn những buổi chiều tà mưa bom bão đạn nữa; giây phút ấy, khoảng khắc tự hào ấy đã làm nên lịch sử của một dân tộc anh hùng.

Những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng ông Coỏng.

Những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng ông Coỏng.

Ông Coỏng cho chúng tôi xem chiếc hòm đạn bằng gỗ cũ được ông mang về sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bên trong chứa rất nhiều tấm bằng khen và các huân, huy chương: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Hai, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng… Trải qua thời gian nhiều tấm đã không còn nguyên vẹn; với ông đây là những kỷ niệm, những dấu tích tự hào nhất trong cuộc đời của mình.

Sau nhiều trận đánh, ông Coỏng trở về với đời thường khi chỉ còn 61% sức khỏe. Ông được nhân dân tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Hà Biên (nay là xóm Bản Hang, xã Đàm Thủy) hai nhiệm kỳ, vừa tham gia công tác đoàn thể tại xóm, xã, vừa nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Bước sang tuổi 92, hằng ngày, ông vẫn làm một số việc nhà, trồng rau, nuôi lợn... Ông thấy mình khỏe và vui vẻ hơn khi vẫn giúp được con cháu.

Hằng ngày ông Coỏng vẫn giúp con cháu làm các việc trong gia đình.

Hằng ngày ông Coỏng vẫn giúp con cháu làm các việc trong gia đình.

Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, ông luôn giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ, tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) Đặng Lê Nam: Ông Coỏng luôn là người cha, người ông đáng kính, người cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Đã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại vẫn còn vang vọng đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Với thế hệ trẻ chúng tôi, những người chỉ biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bài học lịch sử, sách báo và những thước phim tư liệu, nay được gặp người lính Điện Biên năm xưa, được nghe những giai thoại của ông và đồng đội, lòng không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của các thế hệ đi trước, nguyện phấn đấu hết mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-6-3168751.html