Những người tâm huyết lưu truyền văn hóa dân tộc
Được ví như 'bảo bối', nắm giữ 'túi khôn' của dân tộc mình, những nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Quang Chưởng, bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, đến với đang mường, ví mường, mo, mợi mường vùng lòng hồ sông Đà từ năm 15 tuổi. Hơn nửa đời người, ông Chưởng đã sưu tập cho mình tri thức, kỹ năng đang mường trong nghi lễ: hát mờ, hát mo dân tộc Mường của khu vực sông Đà huyện Phù Yên. Ông còn sáng tác, biên soạn hàng trăm tác phẩm, như các bài “Tình mẹ”, “Làm theo di chúc của Bác”, “Hát về thủy điện Sơn La”... biểu diễn tại các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh và đoạt nhiều giải cao. Trong đó, đoạt giải A tiết mục “Đang ví đối Mường Va” tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mường được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình và giải A tiết mục Đang Mường “Ơn Bác” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La lần thứ XVII.
Bên cạnh đó, ông Chưởng còn tham gia truyền dạy biểu diễn dân ca dân tộc Mường cho học viên các lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Là một trong những học trò xuất sắc được Nghệ nhân ưu tú Đinh Quang Chưởng truyền dạy, bà Mùi Thị Lảy, bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, cho biết: Thầy rất am hiểu văn hóa dân tộc Mường, được bà con trong xã kính trọng. Tôi theo học thầy từ năm 2010 đến nay, vinh dự được cùng thầy tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, góp phần lưu giữ, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường đến với bạn bè trên mọi miền Tổ quốc.
Đã ngoài 80 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Hà Long, tổ 5, phường Quyết Thắng, Thành phố, có 35 tập, 2.611 trang A4 đánh máy chữ Thái truyền thống Sơn La, chữ phiên âm, dịch ra tiếng phổ thông về chuyện bản, chuyện mường; nghi lễ dân gian và văn học dân gian dân tộc Thái. Cuốn sách “Hịt khong au phua au mia khong phủ tay đăm Mương La pang chạu” (nghi lễ lấy vợ lấy chồng người Thái đen Mường La xưa) do ông sưu tầm và biên dịch được xuất bản năm 2020. Ông còn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, các giải thưởng về thơ ca, trong đó có danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng năm 2015 về loại hình tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.
Ông Hà Long chia sẻ: Văn hóa dân tộc Thái rất phong phú, đa dạng nếu không bảo tồn, lưu giữ sẽ bị mai một. Vì vậy, tôi quyết tâm, nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn và truyền dạy cho con cháu.
Với suy nghĩ đó, nên dù tuổi đã cao, nhưng ông Long vẫn tích cực tham gia mạng lưới trí thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam của Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững miền núi. Bên cạnh đó, ông còn tham gia Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành văn học dân tộc; truyền dạy chữ Thái cho trên 150 người, là con, cháu và những người yêu thích văn hóa Thái có nhu cầu học tập. Điều trân trọng là các lớp dạy chữ Thái của ông Long đều miễn phí cho người học.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 nghệ nhân nhân dân, 34 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh tổ chức cho các nghệ nhân tham gia trình diễn dân ca, dân vũ tại ngày hội văn hóa các dân tộc, tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc. Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức 4 Trại sáng tác các chuyên ngành: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, thơ tiếng dân tộc và sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian tại huyện Thuận Châu, Mường La, Vân Hồ và Thành phố, đã nhận 219 tác phẩm, đề cương, bản thảo, phác thảo của 88 lượt trại viên tham dự trại ở các chuyên ngành.
Những câu chuyện khôi phục, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của các nghệ nhân thật đáng trân trọng. Mặc dù nhiều người đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng bằng niềm đam mê, tâm huyết, các nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và lan truyền tình yêu ấy để những giá trị văn hóa trường tồn với thời gian.