Những ước mơ viết bên dòng sông Mẹ

Sau chuyến lênh đênh sông nước đầu tiên trong đời, tôi luôn ao ước được bắt đầu 'hành trình sông' của mình từ dòng sông Hồng - nơi đã mở ra cho tôi một chân trời khác lạ từ những ngày còn thơ bé.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Những ước mơ viết bên dòng sông Mẹ của tác giả Phong Điệp.

“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Nếu Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là nơi sông Hồng - dòng sông Mẹ của đồng bằng Bắc Bộ - chính thức “nhập tịch” vào nước Việt thì cửa Ba Lạt (nằm giữa huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) chính là nơi kết thúc hành trình bền bỉ của dòng sông với chiều dài trên 550km trước khi hòa mình vào biển Đông rộng lớn, bắt đầu cho những cuộc phiêu du mới. Tôi nhiều lần tự hỏi liệu có bao nhiêu khát vọng đời người được gửi gắm vào những mải miết âm thầm của một đời sông?

Bến phà Tân Đệ xưa. Ảnh: Tư liệu

Bến phà Tân Đệ xưa. Ảnh: Tư liệu

Từ chuyến đi đầu đời...

Nam Định, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng là nơi tôi sinh ra lớn lên. Năm 9 tuổi, tôi đã có chuyến lênh đênh trên sông nước đầu tiên trong đời. Đó là một mùa hè đặc biệt vẫn luôn bịn rịn trong ký ức của tôi.

Năm đó, sau những ngày mải mê lăn lóc với rơm rạ đồng bãi cùng đám trẻ nơi quê nội ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, chị con bác cả đưa tôi trở lại thành phố Nam Định trên một chuyến tàu thủy, chạy dọc sông Hồng. Nhiều năm đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ tường tận cảm giác chao đảo chòng chành trên chuyến tàu đáng nhớ ấy.

Hai chị em chật vật đứng chen chúc giữa đoàn người huyên náo, ồn ào. Quanh tôi chấp chới mùi dầu máy khét lẹt, mùi mồ hôi nực nội, mùi thuốc lá cuốn khê nồng, mùi của cá khô, nước mắm mặn mòi vị biển quê nhà, mùi của những lồng gà vịt chộn rộn trên sàn tàu...

Tôi mon men theo chị ra phía bên ngoài boong tàu hóng gió, thơ thẩn dõi theo những bè lục bình trôi dập dềnh vô định. Dọc hai bên bờ sông, dâng lên màu xanh mướt mát của những vườn cây trái, thoảng hoặc cất lên những sợi khói mơ hồ, bí ẩn và quyến rũ từ một nếp nhà nào đó. Khoảnh khắc ấy, tôi đã nghĩ mình đang lạc vào một giấc mơ…

Có lẽ từ dạo đó, ước mơ được rong ruổi cùng những dòng sông đã được khởi lên trong tôi. Nhiều lần tôi đã ngồi như bị thôi miên trước bản đồ sông ngòi Việt Nam để hình dung, để tưởng tượng, để ao ước...

Nếu mong ước trở thành hiện thực, tôi muốn bắt đầu “hành trình sông” của mình từ sông Hồng - nơi đã mở ra cho tôi một chân trời khác lạ từ những ngày còn thơ bé. Tôi sẽ đi từ cửa Ba Lạt - điểm kết thúc của dòng sông để ngược lên thượng nguồn, tìm đến nơi dòng sông bắt đầu chảy vào đất Việt.

Không hề ngẫu nhiên khi lịch sử của vùng đất nơi tôi sinh ra gắn với những cái tên Sơn Nam Hạ, Thiên Trường, hay trấn Nam Định… cho đến những thịnh suy của các triều đại, đều có sự hiện diện của dòng sông Mẹ - như một chứng nhân bền bỉ và cũng bao dung nhất. Nên nếu muốn hiểu hơn về quá khứ, tôi nghĩ mình nên bắt đầu từ những dòng sông.

Cầu vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Nam Định, nằm ở cuối đường ven biển Thái Bình và đầu đường ven biển Nam Định. Ảnh: Dân trí

Cầu vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Nam Định, nằm ở cuối đường ven biển Thái Bình và đầu đường ven biển Nam Định. Ảnh: Dân trí

Khám phá hành trình của dòng sông Mẹ

Sông Hồng từng được nhà thơ Lưu Quang Vũ khắc họa:

Con sông chảy qua thời gian

chảy qua lịch sử

chảy qua triệu triệu cuộc đời

chảy qua mỗi trái tim người...

làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

tạo sắc áo, màu cây và tiếng Việt

một giống nòi sinh tự một dòng sông

(Sông Hồng)

Trong lưu vực 9 hệ thống sông lớn của Việt Nam, lưu vực hệ thống sông Hồng chiếm diện tích lớn nhất cả nước (21,91%), xếp thứ hai là lưu vực hệ thống sông Mekong (21,4%). Dòng sông góp phần kiến tạo nên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trù phú, giàu bản sắc văn hóa.

Ngay từ thời Lý, Trần, Nam Định đã khẳng định vai trò là cửa ngõ trọng yếu của cả vùng và là một trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. Nằm ở hạ lưu, Nam Định được sông Hồng ban tặng nhiều ưu đãi. Trước khi hòa mình vào biển lớn, sông Mẹ đã để lại cho mảnh đất Nam Định phù sa màu mỡ và nguồn nước dồi dào cá tôm.

Cùng với địa hình tự nhiên bằng phẳng, rộng lớn, hệ thống sông ngòi đa dạng, đặc biệt nhờ con nước vạm vỡ của sông Mẹ bao quanh giúp Nam Định trở thành một trong những vựa lúa của miền Bắc, với nhiều giống gạo đặc sản được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng như Tám Thơm, Tám Xoan của Hải Hậu.

Khai thác tối đa mạng lưới sông ngòi trên địa bàn tỉnh, hiện địa phương đã khai thác hiệu quả 6 cảng sông, 130 bến thủy nội địa. Riêng việc khai thác vận tải thủy từ sông Hồng, Nam Định đã triển khai nhiều tuyến vận tải thủy tỏa đi các địa phương, tiêu biểu như Ba Lạt - Hà Nội, Lạch Giang - Hà Nội...

Với diện tích khiêm tốn, chỉ xếp thứ 52 trong số 63 tỉnh thành của cả nước, nhưng tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh Nam Định có trên 2.580 phương tiện vận tải thủy các loại. Điều này cho thấy sông Hồng nói riêng và hệ thống sông ngòi nói chung tại Nam Định đã phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển kinh tế của địa phương. Sông nước cũng góp phần tạo dựng cho mảnh đất này một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước.

Hải đăng tại cửa Ba Lạt Nam Định - nơi gặp nhau giữa sông Hồng và Biển Đông. Ảnh: Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc

Hải đăng tại cửa Ba Lạt Nam Định - nơi gặp nhau giữa sông Hồng và Biển Đông. Ảnh: Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc

Nhịp cầu nối những bờ vui

Nhưng sông nước đôi lúc cũng tạo ra những ngăn trở vô tình. Chẳng nói đâu xa, Nam Định và Thái Bình vốn là hai người anh em cùng uống chung dòng nước từ sông Mẹ, bên này sông có khi nghe được tiếng gà gáy từ bên kia sông vọng sang, nhưng việc giao thương qua lại giữa hai địa phương do bị dòng sông chia cắt nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào cầu phà.

Đã thế đến mùa mưa lũ là lúc dòng sông trở nên “khó ở”, nên nảy sinh biết bao bất trắc, hiểm họa mà chỉ những người sống cùng sông mới hiểu.

Tôi nhớ như in ngày 8/2/2002. Từ sáng sớm, chuông điện thoại của tôi reo vang. Giọng chị gái tôi vang lên hồ hởi báo tin cầu Tân Đệ trên quốc lộ 10, nối liền Nam Định - Thái Bình chính thức khánh thành.

Trong thoáng chốc, tim tôi như chùng lại. Hình ảnh chiếc phà cồng kềnh, chật cứng người và xe, lừng lững trôi trên dòng sông cuộn đỏ phù sa ùa về trong tâm trí. Tôi đã gắn bó với chiếc phà ấy suốt những năm chị khăn gói theo học tại Đại học Y Thái Bình.

Khi đó, vào mỗi chiều Chủ nhật, tôi lại gò lưng trên chiếc xe đạp lắp ghép cọc cạch, lưng áo nhễ nhại mồ hôi, chở chị ra bến phà, bắt xe khách để trở lại trường. Dọc con đường đê trơ trụi không một bóng cây, tiếng xe đạp lách cách của chị em tôi vang lên đơn độc.

Thỉnh thoảng mới có những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng lừng lững chạy qua. Mỗi lúc như vậy, hai chị em tôi lại dạt vào vệ cỏ, dúi dụi nép vào nhau, cố gắng tránh đám bụi đường vừa tốc lên mù mịt phủ chụp lên người như một tấm lưới vô hình.

Tới bến, hai chị em lựa một chỗ râm để chờ đến lượt lên phà. Thường sẽ phải mất chừng 2 - 3 tiếng. Chờ đợi lâu khiến quần áo tôi nhuốm đẫm mùi nước sông tanh tao, hong trong cái nắng đồng bãi uể oải.

Mùa mưa bão, dòng nước hiền hòa như biến thành một người đàn bà đang cơn thịnh nộ. Nước sông cuộn lại từng búi, vật vã trồi lên quật xuống. Việc lưu thông qua đò, qua phà phải ngưng tuyệt đối.

Có lúc hai chị em đưa nhau ra đến bến đành phải lóc cóc quay về, quần áo, đầu tóc bết bát nước mưa. Từ ngày ấy, mảnh đất Thái Bình với tôi vừa thật gần mà cũng thật xa xôi. Tôi hiểu nỗi khao khát cháy bỏng của nhiều thế hệ người dân sinh sống hai bên bờ sông về một cây cầu “nối những bờ vui”.

Cầu Tân Đệ nối liền Thái Bình - Nam Định được xây dựng gần khu vực bến phà Tân Đệ xưa. Ảnh: Báo Thái Bình

Cầu Tân Đệ nối liền Thái Bình - Nam Định được xây dựng gần khu vực bến phà Tân Đệ xưa. Ảnh: Báo Thái Bình

Ngày khánh thành cầu, nhiều người dân gồm già trẻ gái trai nô nức kéo nhau lên cầu, hân hoan tận hưởng niềm vui bởi ước mơ bao đời nay đã thành hiện thực. Nhiều câu chuyện thầm kín được dịp được thổ lộ, giãi bày.

Thương lắm những người vắn số vì bất trắc sông nước mà đành từ giã cõi đời. Tiếc nuối thay cho những đôi trai gái thầm thương trộm nhớ nhưng chẳng thể đến được với nhau, vì ngặt nỗi ngăn sông ngại đò. Rồi có biết bao người nhỡ nhàng công việc do đường sá cách trở. Nhiều lắm những ưu tư, ngậm ngùi gửi lại nơi bến sông xưa…

Chiều dài khiêm tốn chỉ hơn 1km nhưng cầu Tân Đệ khi đó thực sự là cây cầu của niềm hạnh phúc ngập tràn.

Cầu giúp phá thế “ốc đảo” của tỉnh lỵ Thái Bình, mở ra trang mới trong kết nối giao thông giữa hai địa phương, giúp thúc đẩy hiệu quả của giao thông liên vùng trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tạo đà thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại địa phương. Cầu giúp những ánh mắt, bàn tay từ hai bờ sông giờ đã có thể chạm vào nhau, thật gần.

Giữa hân hoan những tiếng nói cười mừng cây cầu mới khánh thành, có cả những giọt nước mắt âm thầm rơi…

Lịch sử là một quá trình nối tiếp và phát triển không ngừng. Trong ngày trọng đại, nhiều cụ ông, cụ bà bồi hồi nhớ lại ký ức về những năm kháng chiến chống Pháp, với sự ra đời Hội Vạn đò giúp nối liền hai miền đất.

Ngày ấy, Hội Vạn đò không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh mà còn đưa bộ đội, du kích của ta qua sông, góp phần làm nên thắng lợi cho cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc.

Sau này, bước vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, tiếp nối lịch sử của Hội Vạn đò là sự xuất hiện của những chuyến phà hối hả ngày đêm, chở thanh niên lên đường tòng quân cứu nước, chở lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm ra mặt trận. Đến hôm nay, dòng sông ấy không còn là trở ngại cho bất cứ ai.

Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi cầu Tân Đệ vượt sông Hồng đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Hồng đã có nhiều đổi thay. Bước vào năm 2024, hai người anh em Nam Định - Thái Bình lại đang gấp rút hoàn thành cầu vượt sông Hồng trên tuyến đường ven biển nối hai huyện Giao Thủy (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình).

Cây cầu bên cạnh nhiệm vụ kết nối giao thông của hai địa phương, cũng như mạng lưới giao thông trong khu vực và quốc gia, còn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Tương lai rồi sẽ có nhiều cây cầu mới mọc lên dọc theo sông Hồng, mang lại những niềm vui và sự ấm no trên mảnh đất này. Sẽ có thêm những tuyến giao thông thủy giúp kết nối thông suốt giữa các địa phương, giúp người dân có thể dễ dàng đi đến bất cứ đâu.

Và tôi sẽ sớm có cơ hội để thực hiện điều mong ước thuở nào: Thực hiện cuộc hành trình từ cuối dòng sông Mẹ ngược lên thượng nguồn sông Hồng, để tiếp tục viết lên câu chuyện của một dòng sông.

Phong Điệp

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-uoc-mo-viet-ben-dong-song-me-2287492.html