Nissan sẽ làm gì tiếp theo sau khi thỏa thuận với Honda đổ vỡ?
Sau khi kế hoạch sáp nhập với Honda đổ vỡ, Nissan đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, với nhiều lựa chọn đối tác, trong đó có Foxconn và các công ty Mỹ.
Theo một báo cáo của Reuters, kế hoạch sáp nhập giữa Honda Motor và Nissan Motor dường như đã chấm dứt.
![Tổng giám đốc điều hành Nissan Motor Makoto Uchida (bên trái) và Tổng giám đốc điều hành Honda Motor Toshihiro Mibe. Ảnh: Tomohiro Ohsumi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_197_51429658/bcd4aa8b90c5799b20d4.jpg)
Tổng giám đốc điều hành Nissan Motor Makoto Uchida (bên trái) và Tổng giám đốc điều hành Honda Motor Toshihiro Mibe. Ảnh: Tomohiro Ohsumi
Hôm thứ Năm, Giám đốc điều hành Nissan, ông Makoto Uchida, đã thông báo với CEO Honda, ông Toshihiro Mibe, rằng Nissan sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán.
Diễn biến này xảy ra sau khi Honda đề xuất biến Nissan thành công ty con, điều mà Nissan lo ngại sẽ làm mất đi bản sắc độc lập của hãng. Hiện tại, Nissan chưa công bố kế hoạch tìm kiếm đối tác mới, chỉ cho biết rằng các thông tin liên quan đến cuộc đàm phán với Honda sẽ được hé lộ vào giữa tháng Hai.
Nissan có lựa chọn nào?
Hôm thứ Tư, cả Nissan và Honda đều xác nhận họ vẫn đang cân nhắc nhiều phương án, bao gồm cả việc chấm dứt hoàn toàn cuộc đàm phán. Nếu thỏa thuận đổ vỡ, Nissan có thể phải gánh khoản chi phí lên tới 100 tỷ yên (tương đương 657 triệu USD).
Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất như một đối tác tiềm năng là Foxconn - tập đoàn Đài Loan chuyên gia công điện tử lớn nhất thế giới. Tháng 12 năm ngoái, Foxconn từng tiếp cận Nissan để thảo luận về một liên minh nhưng bị từ chối vì lúc đó Nissan đang đàm phán với Honda.
Foxconn, vốn là nhà sản xuất iPhone, đang có tham vọng lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô điện (EV). Điều này có thể giúp họ trở thành một lựa chọn phù hợp, nhất là khi Jun Seki - cựu Phó Giám đốc điều hành Nissan, hiện đang dẫn dắt mảng xe điện của Foxconn.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của Bloomberg, Nissan lại đang tìm kiếm sự hợp tác với một công ty công nghệ của Mỹ. Đây là một hướng đi hợp lý, bởi Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của Nissan và đang trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ sang xe điện và xe tự hành.
Một số hãng xe Trung Quốc như Nio, XPeng Motors và BYD cũng bày tỏ sự quan tâm đến Nissan, bởi nếu hợp tác, họ có thể tận dụng Nissan như một cửa ngõ để thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, viễn cảnh này vẫn chưa rõ ràng.
Nissan: Đối tác không mấy dễ chịu
Dù có nhiều lựa chọn, nhưng việc hợp tác với Nissan không hẳn là một thương vụ béo bở. Lịch sử của hãng với Renault Group là một minh chứng rõ ràng. Từng nắm giữ 43,45% cổ phần Nissan vào năm 2023, Renault hiện chỉ còn giữ 15% do mối quan hệ hợp tác dần rạn nứt.
Renault từng giải cứu Nissan khỏi bờ vực phá sản vào năm 1999, nhưng sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa hai bên đã khiến liên minh này gặp nhiều trục trặc. Sự bất đồng càng gia tăng dù Nissan từng được dẫn dắt bởi Carlos Ghosn - một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm tại Michelin và Renault.
Dưới thời Ghosn, Nissan đạt lợi nhuận kỷ lục vào năm 2017, nhưng chỉ một năm sau đó, ông bị bắt vì cáo buộc gian lận tài chính. Sau vụ việc này, Nissan ngày càng trở nên bảo thủ, khép kín, khiến khả năng hợp tác với các đối tác khác càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Nissan không có nhiều lựa chọn. Các mẫu xe của hãng đang ngày càng lỗi thời, buộc phải giảm giá để cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Theo Bloomberg, lợi nhuận ròng của Nissan đã lao dốc 94% trong 6 tháng kết thúc vào ngày 30/9/2024. Đến tháng 11, hãng cắt giảm 20% công suất sản xuất và sa thải 9.000 nhân viên.
Trong bối cảnh đó, Nissan có thể cần phải đưa ra những quyết định táo bạo hơn. Tuy nhiên, với cách tiếp cận chậm rãi và thận trọng quá mức, hãng xe Nhật Bản có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái như đã từng xảy ra trong quá khứ.