Nông dân bên cồn làm ăn tất bật
Sáng tinh mơ, rảo một vòng bên cồn, mới thấy hết không khí làm ăn tất bật của nông dân. Quanh năm, họ cần mẫn chăm chút từng luống hoa, đám rẫy để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Canh đúng thời điểm
Qua bên cồn An Thạnh (huyện Chợ Mới), chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Hiệp (Ba Hiệp, 68 tuổi) đang tỉ mẩn cắt tỉa những chậu hoa kiểng dưới cái nắng chang chang. Từ đôi bàn tay khéo léo của mình, hàng năm ông cung cấp cho thị trường hàng ngàn chậu hoa trong dịp Tết và ngày rằm. Nhìn chậu hoa chất thành hàng khoe sắc rực rỡ trong nắng, chúng tôi ngỡ ngàng, “bái phục” trước kinh nghiệm trồng trọt của nông dân chân đất này. Ông Ba Hiệp cho hay, để tạo một chậu hoa đẹp, cần phải có kiến thức về khâu chọn giống, làm đất, bón phân, phun thuốc hợp lý; phải chăm sóc, ngắm nghía, tỉa tót hàng ngày. Nếu nông dân lơ là, lười biếng, chậu hoa sẽ không trổ bông đồng đều. “Cực lắm chú em ơi! Thấy tôi trồng hoa lam lũ nắng mưa, sấp nhỏ cự nự không cho làm. Nhưng vì đam mê, tôi ráng duy trì nghề này” - ông Ba Hiệp cười khà.
Có được mảnh đất ven dòng sông Hậu, ông Ba Hiệp cùng em mình là Tư Dô chuyên canh hoa. Mỗi năm, 2 anh em xuất bán hàng ngàn chậu hoa các loại. Từ lâu, làng hoa xứ cồn bên dòng sông Hậu này được xem là vương quốc hoa cúc, thọ các loại, như: Mâm xôi màu, pha lê, lá nhám, Đài Loan, Hàn Quốc. Ngoài ra, bà con còn trồng hoa hồng, đồng tiền, cát tường, hoa tình yêu, mào gà, hướng dương, cẩm nhung, dạ yến thảo... cung ứng cho thị trường. Trong vụ hoa Tết, anh em ông Hiệp lời khoảng 50 triệu đồng. Chúng tôi hỏi: “Dứt vụ hoa Tết, các chú trồng cây gì?” thì ông Ba Hiệp nói rổn rảng: “Tiếp tục trồng hoa cúc, thọ cắt bông bán chợ, giao cho sạp hoa hoặc bán vào dịp rằm trong năm”.
![Nông dân bên cồn Bình Thủy tất bật trồng rẫy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_406_51463432/ae427f224f6ca632ff7d.jpg)
Nông dân bên cồn Bình Thủy tất bật trồng rẫy
Đang tưới những chậu thọ, gặp chúng tôi, anh Trần Văn Nân (45 tuổi) hồ hởi khoe năm nay trồng bông rất đạt. Anh thuê mảnh đất trống ven đường nông thôn, thấm thoắt nghề trồng hoa gắn chặt với anh khoảng 10 năm. Ban đầu, anh làm ruộng đủ sống qua ngày. Cái duyên đến với nghề trồng vạn thọ thật bất ngờ. “Trước nhà có khoảng đất trống, tôi cuốc lên rồi rải hạt, sau vài tháng thọ trổ bông rực rỡ. Từ đó, tôi nghĩ ra cách trồng thọ bán dịp Tết và ngày rằm. Năm đầu trồng vài trăm chậu, dần dà về sau tăng lên hàng ngàn chậu. Mỗi năm, nhà tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng nhờ trồng bông. Phải canh đúng thời điểm Tết bán thì mới thu nhập khá” - anh Nân chia sẻ.
Tuy cực nhưng đam mê
Qua cồn Bình Thủy (huyện Châu Phú), chúng tôi rong ruổi vào sâu trong đồng. Xung quanh, bà con toàn trồng rẫy, ngó tới ngó lui đều thấy rẫy. Xa xa, họ đang cuốc đất lên liếp... trồng rẫy. Cạnh đó, nhiều người đang lom khom thu hoạch củ cải, hành, hẹ, tưới rau… không khí làm ăn rộn ràng trông như bức tranh quê tuyệt mỹ! Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến đám rẫy của ông Nguyễn Văn Thơm (56 tuổi). Vừa tưới xong 2 công hành lá, ông Thơm nhiệt tình cho biết, vụ này hành tăng giá trở lại. Năm ngoái, hành rớt giá thê thảm, nhiều nhà nông “quay lưng”. Tuy nhiên, năm nay nguồn cung ít, nên cây hành bỗng dưng tăng giá.
Ông Thơm nhẩm tính, cây hành trồng 2 tháng thì cho thu hoạch. Nếu trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi công hành đạt năng suất 30 tạ (60kg/tạ), tương đương khoảng 1,8 tấn. Hiện nay, hành lá được thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg, mỗi công hành, nông dân thu về 36 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi công hành còn lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. “Mong rằng, cây hành giữ vững ổn định. Thu hoạch 2 công hành lá bán với giá 20.000 đồng/kg thì thu nhập của tôi hơn 40 triệu đồng” - ông Thơm bày tỏ. Tuy nhiên, cây hành dễ bị dịch bệnh tấn công, chi phí vật tư tăng cao. Mùa mưa, cây hay bị úng, dẫn đến lỗ lã. Do đó, trong mùa nắng, họ tranh thủ canh tác thì mới mong thắng lớn.
Anh Bình (chuyên thu mua đồ rẫy chở phân phối các chợ tại huyện Tri Tôn) cho biết, hiện nay củ cải tuột giá, do mùa nắng, bà con trồng phổ biến nên nguồn cung dư thừa. Một số loại rau, như: Hẹ, xà lách xoong rớt giá, bà con không có lời. Chuyện trồng rẫy, màu là vậy. Quanh năm, nông dân làm quần quật ngoài đồng, tạo ra hàng nông sản cho thị trường. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn diễn ra theo thời vụ, riết rồi bà con cũng quen. Cây này rớt giá thì bà con chuyển đổi trồng cây khác, mong được khởi sắc hơn. Cứ thế họ làm xoay vòng trên mảnh đất của mình nhiều vụ trong năm, không cho đất nghỉ ngơi. Nghề trồng rẫy, màu tuy cơ cực nhưng họ vẫn đam mê canh tác, mong có thu nhập ổn định tái đầu tư vụ sau.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nong-dan-ben-con-lam-an-tat-bat-a415020.html