Phân cấp, phân quyền hợp lý quyết định đầu tư nhà máy điện hạt nhân

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền cho hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Sáng 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử

Đa số ĐBQH tán thành nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nội dung về phát triển điện hạt nhân, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định trong hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Đồng thời, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy định rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam…

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), dự thảo Luật quy định: Luật này quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, trách nhiệm đối với thiệt hại hạt nhân.

Tại Khoản 2, Điều 2 quy định: Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử… quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên, theo giải thích từ ngữ tại Khoản 2 Điều 3 thì hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có phạm vi điều chỉnh quá rộng, vượt quá nội hàm của dự thảo luật.

Do vậy, một số ĐBQH đề nghị cần xem xét điều chỉnh lại về phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật.

Cần tham vấn cộng đồng trong xây dựng nhà máy hạt nhân

Về chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân, tại Khoản 2, Điều 30 dự thảo Luật quy định, Thủ tướng quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định về pháp luật đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.

ĐBQHTrần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQHTrần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, việc phân cấp, phân quyền như dự thảo Luật cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi: dự án nhà máy điện hạt nhân là dự án rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế-xã hội, vấn đề giải phóng mặt bằng và cần nguồn vốn rất lớn… Những vẫn đề này "đều thuộc tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết hoặc chấp thuận định chủ trương đầu tư của Quốc hội", đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu theo trình tự thủ tục đầu tư và trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mất nhiều thời gian hơn khi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến nhiều khi bị mất cơ hội đầu tư.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền cho hợp lý. Với những dự án điện hạt nhân có quy mô về công suất không lớn có thể phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ rõ, dự thảo Luật mới chỉ nêu thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân thuộc về Thủ tướng Chính phủ. "Tuy nhiên, lại chưa làm rõ trách nhiệm tham vấn cộng đồng dân cư tại khu vực dự kiến xây dựng. Trong khi, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng về mặt xã hội liên quan đến niềm tin của công chúng, quyền tiếp cận thông tin, vấn đề di dời, tái định cư và môi trường sống bền vững".

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, bổ sung quy định bắt buộc tổ chức tham vấn cộng đồng trước khi quyết định đầu tư nhà máy điện hạt nhân và báo cáo kết quả tham vấn; nhấn mạnh, đề xuất này phù hợp với nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

ĐBQH Chamalea Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Chamalea Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, ĐBQH Chamalea Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng, cần nghiên cứu quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt trong dự thảo Luật đối với các vấn đề liên quan đến vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân.

Bởi, thời gian tới có thể sẽ có nhiều Nhà máy Điện hạt nhân khác được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. "Nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai", đại biểu nhấn mạnh.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-cap-phan-quyen-hop-ly-quyet-dinh-dau-tu-nha-may-dien-hat-nhan-10372477.html