Phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội thảo Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh
Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội thảo 'Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc', diễn ra sáng nay 28/7 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”. (Ảnh: Quang Hòa)
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương qua các thời kỳ,
Thưa các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành và các nhà khoa học,
Thưa toàn thể Quý vị và các bạn,
Hôm nay, tôi rất vui mừng và vinh dự phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ánh sáng của Đảng và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh suốt chặng đường 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay, tôi xin khái quát những thành tựu và đóng góp đó như sau:
Thứ nhất, Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thêm bạn bớt thù, phân hóa hàng ngũ đối phương, giữ vững chính quyền non trẻ, tranh thủ thêm thời gian và lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ngoại giao đã góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.
Hiệp định Sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9, Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành những mốc son chói lọi trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng, góp phần dẫn tới chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối. Như vậy, sát cánh với các binh chủng hợp thành của Cách mạng Việt Nam, ngoại giao đã góp phần chấm dứt hơn một thế kỷ nô lệ dưới ách thực dân, đế quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển.
Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi nước nhà thống nhất, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng cục diện đối ngoại bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoại giao đi đầu đưa đất nước dần hội nhập vào khu vực và quốc tế, đặc biệt qua các cột mốc lịch sử như gia nhập ASEAN, APEC, WTO... và ký kết, tham gia hàng trăm thỏa thuận, điều ước quốc tế.
Lịch sử gần 40 năm Đổi mới của đất nước đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngoại giao trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Các lĩnh vực quan trọng từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác biên giới lãnh thổ, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác lãnh sự, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác xây dựng ngành đều đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ngoại giao đã góp phần mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước, người dân, doanh nghiệp; huy động sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước.
Đặc biệt, ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Việt Nam đã thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI, trở thành một trong Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là một mắt xích quan trọng trong 17 FTA gắn kết chúng ta với hơn 60 nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đóng góp to lớn của ngoại giao vaccine đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần ghi nhận, tuyên dương.
Nhờ những đóng góp quan trọng đó, đối ngoại được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là điểm sáng đầy ấn tượng trong các thành tựu chung của đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”. (Ảnh: Quang Hòa)
Thứ ba, ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Trải qua 8 thập kỷ, từ chỗ “thân cô thế cô”, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta cũng đã có quan hệ với 259 chính đảng tại 119 nước.
Từ thân phận một nước bị xem là “nhược tiểu”, ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong ASEAN và ở khu vực, có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngoại giao đạt nhiều thành tựu vượt bậc.
Từ chỗ chỉ có khoảng 20 cán bộ, nhân viên, Bộ Ngoại giao hiện nay đã có trên 2.000 cán bộ, nhân viên cả trong và ngoài nước. Chúng ta đã có hệ thống 98 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng hơn nữa sự hiện diện của đất nước trên bản đồ ngoại giao thế giới. Tổ chức bộ máy Bộ Ngoại giao đang ngày càng hoàn thiện, hiện đại.
Lịch sử 80 năm qua đã có nhiều nhà ngoại giao Việt Nam xuất sắc, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng đã thể hiện trí tuệ và bản lĩnh được bạn bè quốc tế cũng như đối phương nể trọng. Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta tự hào đã bước đầu hình thành được nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.
Để đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, toàn ngành Ngoại giao rút ra một số bài học lớn: Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; bài học về tầm quan trọng của đoàn kết, đồng thuận; bài học về không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp triển khai đối ngoại, ngoại giao; và trên hết, bài học về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đối ngoại.
Ghi nhận đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta đã hai lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên và cũng là người Thầy lớn của nền ngoại giao cách mạng.
Chúng ta vô cùng biết ơn các thế hệ cán bộ ngoại giao tiền bối, đặc biệt là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch… Chúng ta cũng không quên những đóng góp, cống hiến và hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ cán bộ Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương, những binh chủng hợp thành của nền ngoại giao cách mạng.
Thưa quý vị và các bạn,
Tự hào về lịch sử 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Đó là, việc triển khai và tranh thủ lợi ích từ các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp với diễn biến nhanh chóng, khó lường của tình hình; nguồn lực dành cho các lực lượng làm công tác đối ngoại, ngoại giao còn chưa tương xứng với thế và lực mới của đất nước cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã đi qua, chúng ta càng nhận thức rõ về sứ mệnh nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài đóng góp đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Đặc biệt, sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngành Ngoại giao đứng trước cơ hội phát huy cao độ hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để đảm đương tốt vai trò tiên phong và nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thưa các đồng chí,
Trong thời gian qua, đã có nhiều diễn đàn, công trình nghiên cứu, tổng kết về lịch sử ngoại giao nhưng Hội thảo hôm nay là lần đầu tiên chúng ta trao đổi về cả hành trình dài 80 năm của Ngoại giao Việt Nam cũng như tầm nhìn và định hướng cho ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Hội thảo là dịp quan trọng để chúng ta vừa nhìn lại chặng đường đã qua, vừa định hình tầm nhìn cho chặng đường nhiều thập kỷ tới trong kỷ nguyên mới. Từ đó, nâng tầm nhận thức và đề xuất các định hướng lớn cho sự phát triển của nền Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và mang đậm bản sắc dân tộc trong thời đại mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khái quát những thành tựu và đóng góp của ngành Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa)
Vì vậy, tôi đề nghị Hội thảo phát huy cao độ trí tuệ, tập trung trao đổi để làm rõ một số vấn đề sau:
Một là, tổng kết thực tiễn lịch sử 80 năm, góp phần hoàn thiện lý luận của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên cả hai mặt là công tác đối ngoại và xây dựng ngành, đặc biệt là rút ra các bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới để triển khai đồng bộ, hiệu quả nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp với 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, cần làm rõ thêm các nguyên tắc kinh điển của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Xác định rõ bản sắc và giá trị cốt lõi của trường phái Ngoại giao Việt Nam.
Trong đó, phân tích rõ thêm yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại của nền ngoại giao hòa hiếu, nhân văn, chuộng chính nghĩa, yêu lẽ phải. Cần lấp đầy những khoảng trống về lý luận, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời đậm đà bản sắc dân tộc.
Hai là, xác định nội hàm của của ngoại giao trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cụ thể hóa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”. Tổng Bí thư Tô Lâm và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định cùng với bảo đảm quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học phân tích sâu về việc thể chế hóa vai trò “trọng yếu, thường xuyên” cả từ góc độ tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực, định hướng nhiệm vụ và cách thức triển khai.
Đề xuất biện pháp thể chế hóa hơn nữa phối hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại cũng như giữa đối ngoại với kinh tế - xã hội và văn hóa theo cách tiếp cận liên ngành, đa ngành của ngoại giao hiện đại. Để thực sự là “trọng yếu, thường xuyên”, ngoại giao cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như thế nào.
Ba là, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã căn dặn ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới. Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ là ưu tiên của ưu tiên.
Do đó, rất mong các quý vị, các nhà khoa học phân tích sâu về việc đổi mới nội dung, hình thức, cách làm ngoại giao kinh tế để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIV, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Về hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương, trên cơ sở Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị và Kết luận 125 của Ban Bí thư, mong Hội thảo của chúng ta đề xuất ý tưởng, giải pháp để thực sự chuyển trạng thái và cách tiếp cận từ thụ động sang chủ động, từ tiếp nhận sang định hình, từ tham gia sang đóng góp…
Bốn là, đề xuất những sáng kiến, giải pháp cho công tác xây dựng ngành Ngoại giao. Bác Hồ nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Tôi rất mong tại Hội thảo lần này, chúng ta sẽ được nghe các ý kiến tâm huyết, sáng kiến khả thi góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực và trình độ ngang tầm khu vực, dần tiệm cận trình độ quốc tế.
Trong đó, dành ưu tiên cho công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia – dân tộc. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất, chế độ chính sách để cán bộ ngoại giao yên tâm công tác.
Năm là, đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu là cái gốc của ngoại giao. Sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao là cơ quan chuyên trách duy nhất trong tham mưu định hướng chiến lược, tổ chức triển khai và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Do đó, rất mong các quý vị đại biểu và các nhà khoa học hiến kế, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng, thời gian tính của các sản phẩm nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Mục đích là để chúng ta ngày càng có thêm nhiều sản phẩm “mang tính cột mốc” như Nghị quyết 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế và gần đây là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới cũng như nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác… của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thưa các quý vị và các bạn,
Với tinh thần “ôn cố, tri tân”, Hội thảo hôm nay là dịp để những chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại, cùng ôn lại truyền thống vẻ vang ngành Ngoại giao để tự hào về chặng đường đã qua và tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”.
Xin chúc toàn thể các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng quý vị đại biểu và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.