Phát huy ứng dụng Công dân số
TP HCM vừa đưa vào vận hành ứng dụng (app) Công dân số, gia nhập cộng đồng ngày càng nhiều tỉnh, thành triển khai ứng dụng này.
Sáng 12-1-2025, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức lễ phát động "Hãy trở thành công dân số TP HCM - Kết nối nhanh chóng giữa công dân và chính quyền". Hàng loạt chương trình quảng bá đa dạng sẽ được TP HCM triển khai để đưa ứng dụng Công dân số đến với nhiều người dân hơn.
Trước đó, tại buổi ra mắt ứng dụng Công dân số hôm 14-11-2024, UBND TP HCM nhìn nhận đây là dấu mốc quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của thành phố. Với một ứng dụng đồng bộ, thân thiện và dễ sử dụng, người dân có thể tiếp cận mọi tiện ích cần thiết cũng như kết nối với chính quyền một cách đơn giản, nhanh chóng; theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng.
Nhiều năm qua, chúng ta đã phát triển rất nhiều ứng dụng phục vụ việc đưa nền hành chính lên mạng online, từ cấp phường - xã cho tới bộ - ngành trung ương, từ quy mô địa phương tới tầm cỡ toàn quốc. Thế nhưng, các ứng dụng dù nhiều nhưng còn thiếu sự liên thông, nhất là liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Các ứng dụng số chỉ hữu dụng khi là ứng dụng "sống". Sau khi ra mắt, ứng dụng Công dân số đã được đơn vị phụ trách là Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM liên tục cập nhật để nâng cấp và hoàn thiện. Bước đầu, giao diện ứng dụng này khá rõ ràng và thân thiện với người dùng. Tất nhiên, ứng dụng sẽ phải tiếp tục hoàn chỉnh dựa vào phản hồi của người dùng, nhất là bổ sung dịch vụ, tiện ích cần thiết cho công dân số.
Ứng dụng Công dân số TP HCM đã chọn cách tiếp cận tiện lợi là có thể đăng nhập bằng chính tài khoản VNeID mức độ 2, giúp người dùng có thể sử dụng ngay mà không cần đăng ký, khai báo riêng rẽ. Nhờ ứng dụng này được kết nối với VNeID mà người dùng sẽ tự động được định danh, xác thực nhân thân khi làm thủ tục, dịch vụ hành chính công.
Tuy nhiên, để ứng dụng này có trên thiết bị cá nhân của mọi công dân TP HCM, cần có những biện pháp quảng bá trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, tổ chức đoàn thể cơ sở. Bên cạnh đó, không chỉ có người túc trực tại UBND phường - xã trợ giúp người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng này, địa phương cần phát huy ưu thế của các tổ chuyển đổi số cộng đồng, đưa tình nguyện viên tới hỗ trợ người dân tận nhà.
Có một thực tế là sau gần 2 tháng ra mắt, ứng dụng Công dân số vẫn chưa được nhiều người dân TP HCM biết đến. Theo số liệu cập nhật đến sáng 12-1, ứng dụng này mới có hơn 5.000 lượt tải về từ Google Play - dành cho các thiết bị Android, vốn được nhiều người sử dụng nhất. Con số này còn khiêm tốn so với khoảng 9 triệu người dân của TP HCM.
Từ những phản hồi ban đầu của người dùng, các ứng dụng "tổng" như Công dân số TP HCM cần có cơ sở hạ tầng mạng đủ năng lực để bảo đảm luôn vận hành mượt mà, thông suốt, tránh tình trạng quá tải. Tính tương tác giữa chính quyền và công dân càng cao càng tốt, nhất là phải nhanh chóng. Các thông tin trên app Công dân số TP HCM cũng cần được cập nhật nhanh để hữu dụng, khắc phục tình trạng lạc hậu mà nhiều ứng dụng tương tự thường mắc phải.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-huy-ung-dung-cong-dan-so-post307645.html