Phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện đại, gắn với thực tiễn
Cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp hiện đại, gắn với thực tiễn.

HHT vinh dự là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội lựa chọn để khảo sát.
Ngày 28/7, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội lựa chọn khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực GD&ĐT.
Đây là hoạt động giám sát chuyên sâu, có ý nghĩa thiết thực trong việc đánh giá mức độ thực thi chính sách tại cơ sở, nhận diện những khoảng trống trong thực tiễn, đồng thời góp phần định hình các điều chỉnh chính sách hiệu quả hơn, đồng bộ hơn trong thời gian tới.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Tại buổi làm việc, NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trình bày báo cáo toàn diện về việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về GD&ĐT. Nội dung tập trung vào ba trục chính: cơ chế vận hành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; mô hình đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động và các nỗ lực chuyển đổi số, tự chủ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.
HHT là một trong số ít trường cao đẳng công lập đã mạnh dạn triển khai mô hình tự chủ toàn diện theo hướng “học đi đôi với hành – đào tạo gắn với sản xuất – nhà trường gắn với doanh nghiệp”. Nhà trường không chỉ thực hiện đúng các quy định pháp luật mà còn chủ động kiến tạo những mô hình mới, thí điểm những cách làm mới phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ.

NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh trình bày báo cáo.
Trong lĩnh vực tuyển sinh và đào tạo, HHT đã triển khai hiệu quả nhiều loại hình đào tạo. Chính sách hỗ trợ học phí, học bổng, giới thiệu việc làm và kết nối doanh nghiệp cũng được thực hiện nhất quán, giúp nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho mọi đối tượng, nhất là học sinh ở vùng khó khăn, học sinh yếu thế.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, HHT là một trong những trường đầu tiên triển khai các phòng học số, trung tâm công nghệ số và phần mềm thực hành trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đáng chú ý, nhà trường cũng chú trọng phát triển năng lực đội ngũ – một trong những yếu tố cốt lõi đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp, đào tạo giảng viên theo tiêu chuẩn quốc tế được triển khai bài bản, có chiến lược lâu dài. Song song, HHT không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ – góp phần đưa chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp vào thực tiễn.
Kiến nghị từ thực tiễn cơ sở
Tại buổi làm việc, bên cạnh việc chia sẻ mô hình, kết quả và kinh nghiệm triển khai, đại diện lãnh đạo nhà trường cũng thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong thực hiện chính sách hiện nay.
Trước hết là vấn đề tự chủ – mặc dù chủ trương đã rõ và được khẳng định trong nhiều văn bản pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy các cơ chế hỗ trợ tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, tự chủ chương trình đào tạo vẫn còn thiếu sự đồng bộ. Điều này gây khó khăn cho các trường nghề tiên phong như HHT trong việc phát huy tối đa nội lực, chủ động hợp tác và sáng tạo.

TS Lê Danh Quang – Phó hiệu trưởng HHT đưa ra những kiến nghị từ thực tiễn cơ sở.
Tiếp theo, chính sách về tuyển sinh, phân luồng và định hướng nghề nghiệp vẫn còn thiên về lý thuyết, chưa có các công cụ, mô hình truyền thông và hỗ trợ thực tế đủ mạnh để tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của xã hội. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn mang nặng định kiến “học nghề là lựa chọn thứ yếu”, trong khi thực tế đã chứng minh: học nghề là con đường ngắn hơn, thực tế hơn và phù hợp với thị trường hơn trong nhiều trường hợp.
Đồng thời, các chính sách đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị cho giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Nhiều ngành nghề đòi hỏi thiết bị đào tạo sát với sản xuất thực tế, nhưng việc đầu tư theo cơ chế hành chính còn chậm, thiếu tính linh hoạt và thường tụt hậu so với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Từ thực tiễn triển khai tại HHT, nhà trường kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ; tăng cường phân cấp – phân quyền cho các cơ sở GDNN theo hướng tự chủ thực chất; có chính sách truyền thông quốc gia mạnh mẽ để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp; đồng thời ưu tiên ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ và gắn kết doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa & Xã hội của Quốc hội phát biểu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa & Xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà HHT đã đạt được, đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo, năng động trong thực hiện chính sách pháp luật và phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp hiện đại, gắn với thực tiễn.
Đoàn khảo sát nhấn mạnh, việc lắng nghe tiếng nói từ cơ sở là nền tảng quan trọng để Quốc hội, Chính phủ và các Bộ/ngành hoàn thiện chính sách một cách sát thực hơn. Những kiến nghị của HHT là những đề xuất có cơ sở, dựa trên trải nghiệm vận hành thực tế và sẽ là một phần quan trọng trong báo cáo giám sát chuyên đề sắp tới của Ủy ban.
Sự kiện tiếp đón Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội không chỉ là dịp để nhà trường báo cáo kết quả và chia sẻ kiến nghị mà còn là một dấu mốc thể hiện uy tín, vị thế và vai trò tiên phong của HHT trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia.